Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới 

     Ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Với mục tiêu “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc”, đây là Nghị quyết thể hiện quan điểm nhất quán và quyết tâm sâu sắc của Đảng ta về cải cách cơ bản, sâu rộng nền tư pháp của đất nước, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

     Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, trong 15 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Ban Thường vụ cấp uỷ các cấp đã hết sức quan tâm chỉ đạo đối với công tác cải cách tư pháp. Công tác cải cách tư pháp đã được triển khai thực hiện tích cực, tạo sự chuyển biến tốt trong lĩnh vực tư pháp; chất lượng các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử được nâng lên; các cơ quan tố tụng đã có sự phối hợp chặt chẽ, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án. Tổ chức bộ máy của cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát, tòa án được củng cố, kiện toàn, điều chỉnh, sắp xếp lại để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp; chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền ngày càng được xác định rõ hơn. Đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp qua thực tiễn hoạt động đã có bước trưởng thành; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp được nâng lên, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp và cán bộ tư pháp cấp huyện. Chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp có nhiều chuyển biến tiến bộ. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo thận trọng, khách quan, chính xác, hạn chế được việc bắt người theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng chỉ xử lý hành chính, hạn chế được việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can do không phạm tội; tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán và hội đồng xét xử giảm. Các cơ quan bổ trợ tư pháp hoạt động ngày càng có hiệu quả. Vai trò của luật sư ngày càng được khẳng định, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan dân cử các cấp đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp. Cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ quan tư pháp đã được chú trọng đầu tư, nâng cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác cải cách tư pháp. Kết quả hoạt động của các cơ quan tư pháp và cơ quan bổ trợ tư pháp đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.

     Để phát huy những kết quả đạt được, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới, một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới là:

     Thứ nhất: Tiến hành sơ kết, tổng kết các chủ trương, định hướng của Đảng về công tác cải cách tư pháp để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách tư pháp phù hợp với tình hình mới. Nổi bật là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết toàn diện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 và các văn bản khác, như: Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và hoàn thiện pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Chỉ thị 33-CT/TW ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 09/12/2009 của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

     Thứ hai: Tiếp tục thực hiện việc rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, chú trọng phân định rành mạch thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp của từng cơ quan, đơn vị, từng chức danh tư pháp và các cán bộ lãnh đạo quản lý. Tích cực nghiên cứu đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của TAND, Viện KSND, các cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án theo tinh thần cải cách tư pháp.

     Thứ ba: Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Phát triển đội ngũ luật sư và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của luật sư. Tích cực nghiên cứu tháo gõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác bổ trợ tư pháp; thực hiện chủ trương mở rộng phạm vi xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp. Thu hút các nguồn lực, khuyến khích người có năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp tham gia vào hoạt động công chứng, giám định tư pháp, trợ giúp pháp lý. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về các lĩnh vực bổ trợ tư pháp; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những vi phạm trong tổ chức và hoạt động bổ trợ tư pháp. Tiếp tục có giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ bổ trợ tư pháp cả về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng và đạo đức hành nghề. Phát huy hiệu quả vai trò tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp để các tổ chức này tham gia cùng với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác quản lý tổ chức và hoạt động bổ trợ tư pháp. Thành lập Hội Công chứng viên tỉnh.

     Thứ tư: Tiếp tục nghiên cứu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp; đề xuất giải pháp đổi mới nội dung, phương thức phù hợp với yêu cầu thực tiễn, chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề đối với từng lĩnh vực hoạt động tư pháp tư pháp; khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh dân chủ hóa công tác cán bộ, quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức, mỗi cấp trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; lấy bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ để đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Tích cực tuyên truyền và quán triệt thực hiện Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán, Quy tắc ứng xử của kiểm sát viên, Quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp luật sư và các Đề án phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

     Thứ năm: Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn, trả lời chất vấn và các hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp và đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Tăng cường giám sát chuyên đề việc chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức và người được giao tiến hành hoạt động tư pháp. Tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát. Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp; chú trọng đổi mới nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Phát huy vai trò của Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật các cấp trong tham mưu tổ chức thực hiện thông tin, tuyên truyền phổ biến chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp.

     Thứ sáu: Duy trì và phát triển mối quan hệ phối hợp với Sở An ninh, Sở Tư pháp tỉnh Khăm Muộn (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) trong hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và một số hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp.
     Thứ bảy: Quan tâm lãnh đạo bố trí ngân sách đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, trang bị phương tiện kỹ thuật, phục vụ công tác điều tra, đấu tranh phòng chống tội phạm, công tác xét xử, thi hành án, giám định tư pháp trong tình hình mới. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan tư pháp để đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0.

     Thứ tám: Năm 2020 là năm đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn, giới thiệu cán bộ lãnh đạo TAND, Viện KSND có trình độ, năng lực, uy tín, bản lĩnh để bầu vào cấp ủy. Quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ và công tác xây dựng đảng, đảng viên. Thành lập tổ chức đảng trong Đoàn Luật sư tỉnh; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức hành nghề luật sư, các tổ chức bổ trợ tư pháp.