Những điểm mới trong Đề tài khoa học về công tác phòng, chống tham nhũng của Ban Nội chính Tỉnh ủy
Với công tác Nội chính Đảng, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng; nghiên cứu khoa học tạo điều kiện cho cán bộ của Ban tích lũy thêm kinh nghiệm công tác thực tế và có được những thông tin mang tính bao quát và chuyên sâu hơn về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng; kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng còn được sử dụng, vận dụng và là cơ sở để các cá nhân, tổ chức tham chiếu trong nghiên cứu hay trong công tác quản lý nhằm tìm ra giải pháp hợp lý nhất với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Từ thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua của tỉnh Quảng Bình, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết, nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp; để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng kỳ vọng và sự mong đợi của nhân dân. Đồng thời, từ thực tiễn kinh nghiệm công tác; với chức năng của Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh uỷ mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực Tỉnh uỷ về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng; là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nội chính đảng; cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp và Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Tỉnh uỷ, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tiến hành đăng ký nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong tình hình mới” và được Hội đồng khoa học tỉnh đồng ý tại Quyết định số 3700/QĐ-UBND, ngày 30/10/2018. Sau quá trình nghiên cứu và thực hiện, ngày 11/02/2020, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tổ chức hội thảo khoa học cho đề tài nghiên cứu của mình do đồng chí Trần Hải Châu, UVBTVTU, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chủ nhiệm đề tài chủ trì hội thảo. Dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan. Đặt vấn đề tại hội thảo, đồng chí Trần Hải Châu cho biết, với tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng hện nay, việc nghiên cứu đề tài là rất cần thiết cho việc góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà. Do đó, trên cơ sở nghiên cứu từ tháng 02 đến nay, với mốc thời gian nghiên cứu từ năm 2011 đến năm 2017; đối tượng nghiên cứu là các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và cá nhân là người dân; cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ cấp tỉnh, huyện, xã và cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, thông qua 850 mẫu điều tra ngẫu nhiên, việc tổ chức hội thảo lần này nhằm mục đích trao đổi, chia sẻ, làm rõ thêm những nội dung nghiên cứu, nhất là việc trao đổi, chia sẻ những giải pháp cho công tác phòng, chống tham nhũng mang tính đặc trưng riêng, mới tại tỉnh nhà. Kết thúc buổi hội thảo nghiêm túc, hiệu quả, cơ bản các đồng chí tham dự đều thống nhất các nhóm giải pháp mà Nhóm nghiên cứu đề tài của Ban Nội chính Tỉnh ủy đã đưa ra cũng như những giải pháp mà các tham luận và ý kiến góp ý trực tiếp tại hội thảo đã trình bày. Đặc biệt, thông qua hội thảo này, Nhóm nghiên cứu đề tài còn được các đại biểu chia sẻ thêm những ý tưởng hay và mới trong việc đánh giá thực trạng cũng như việc đưa ra các giải pháp phòng, chống tham nhũng mang tính đặc trưng của tỉnh Quảng Bình, như: - “Dự báo tình hình tham nhũng trong thời gian tới, những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PCTN”, tham luận của đồng chí Cấn Đức Quyết-Vụ Trưởng Vụ địa phương, Ban Nội chính Trung ương. Trong đó: “Trung ương dự báo trong thời gian tới, công tác PCTN sẽ tiếp tục đạt được kết quả toàn diện, tích cực, đậm nét; tham nhũng bước đầu được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước”. Đối với “tham nhũng vặt”, cần nhận diện rõ tình trạng “tham nhũng vặt” (nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp) tập trung ở những ngành, lĩnh vực nào để ra giải pháp phòng, chống phù hợp. Đặc biệt là cần xác định rõ trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành trong việc để xảy ra tình trạng “tham nhũng vặt” thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng lớn dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, đề nghị Chính phủ giao Tổng Thanh tra Chính phủ tổng kết, đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra những bài học về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý cán bộ, PCTN để đề ra giải pháp khắc phục, phòng ngừa trong thời gian tới và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10 năm 2020. Đối với tham nhũng xảy ra trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật, đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Bộ Công an, Cục điều tra của VKSNDTC trong chương trình công tác của năm 2020, cần chú trọng việc phát hiện, xử lý tham nhũng trong các cơ quan chống tham nhũng và cơ quan bảo vệ pháp luật. - “Tham nhũng - Biến tướng của tham nhũng, cách tiếp cận và các nhóm giải pháp phòng ngừa hiện nay", tham luận của đồng chí Trung tá Trần Sỹ Nghệ-Đội trưởng, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Quảng Bình. Trong đó nhấn mạnh: Đối với tỉnh Quảng Bình, tuy điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng phải khách quan nhìn nhận rằng tham nhũng hiện nay đã và đang xảy ra ở nhiều nơi và trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể là tham nhũng trong đầu tư, thực hiện các dự án về xây dựng cơ bản, tham nhũng trong quản lý, thực hiện các chương trình về chính sách xã hội, tham nhũng trong quản lý đất đai… Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là loại hình “tham nhũng vặt” của một bộ phận không nhỏ các công chức, viên chức trong các cơ quan công quyền cơ sở liên quan đến lĩnh vực đất đai. Đó chính là nguyên nhân của tình trạng khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện vượt cấp dẫn đến người dân có cái nhìn không tốt đối với chính quyền và đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của địa phương trên nhiều phương diện... Biến tướng của tham nhũng biểu hiện qua các hành vi như người có chức vụ, quyền hạn nhận được những giá trị lợi ích nhất định bằng những món quà sinh nhật của mình và người thân, món quà cưới của con thậm chí là đồ phúng viếng khi người thân mất. Đó là những món quà không bình thường mà có giá trị lớn gấp hàng chục, hàng trăm lần và mặc định cho việc đổi lại một giá trị vật chất khác từ công việc mà chỉ những người có chức vụ, quyền hạn mới có thể lợi dụng chức vụ và quyền hạn đó thực hiện được. Biến tướng của tham nhũng thể hiện qua hành vi tham nhũng nhưng không trực tiếp mà qua người trung gian bí mật. Đó là người làm cầu nối để người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi tham nhũng nhưng không trực tiếp và có thể yên tâm về việc làm của mình trước sự theo dõi của các cơ quan chức năng. Biến tướng của tham nhũng trong đầu tư xây dựng thể hiện qua việc thông đồng bí mật của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị giám sát, đơn vị tư vấn thiết kế lập dự toán để xác lập những giá trị, định mức có lợi cho nhà thầu và nhà thầu sẽ dùng những lợi ích đó để trang trãi cho các đơn vị đã giúp đỡ mình… - Trong tham luận về “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng trong phòng, chống tham nhũng ở tỉnh Quảng Bình” của đồng chí Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, trên cơ sở thực trạng về kết quả nghiên cứu của đề tài, đồng chí đã nêu ra bảy nhóm giải pháp; trong đó, giải pháp “Ủy ban kiểm tra công khai và tham mưu giúp cấp ủy công khai kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định các kết quả kiểm tra, giám sát, và xử lý kỷ luật đảng viên, tổ chức đảng vi phạm để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục đối với cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ, đảng viên có biểu hiện lợi dụng quyền hạn để tham nhũng có nhiều dư luận” đã khẳng định thêm tầm quan trọng của công tác phòng chống tham nhũng nhằm làm thay đổi gốc rễ về nhận thức cũng như hành vi của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tham nhũng...
Lê Hà Anh Tâm, Phòng TDCT PCTN, Ban Nội chính Tỉnh ủy |