Quy chế Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân
Thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18-02-2019 của Bộ Chính trị, ngày 25-3-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 1518-QĐ/TU về việc ban hành Quy chế Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu đến bạn đọc nội dung Quy chế này:
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng 1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bí thư Tỉnh ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân nhất là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; quy định mối quan hệ phối hợp tiếp dân, xử lý phản ánh, kiến nghị của dân giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân của Bí thư Tỉnh ủy. Việc tiếp công dân và giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân đối với Ủy ban nhân dân tỉnh không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này. 2. Đối tượng áp dụng: Quy chế này được áp dụng đối với Bí thư Tỉnh ủy; người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Điều 2. Nguyên tắc chung 1. Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân. 2. Tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân liên quan đến quyền, lợi ích của tập thể và cá nhân; dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, đúng phạm vi thẩm quyền; trình tự, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân; bảo mật thông tin, bảm đảm an toàn cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định. 3. Các cơ quan liên quan có trách nhiệm thực hiện đúng kết luận, chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên, người dân trên địa bàn tỉnh. Điều 3. Thời gian, địa điểm, thành phần tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân 1. Thời gian[1]: Tiếp dân định kỳ vào ngày 25 hằng tháng, nếu ngày 25 trùng với ngày nghỉ, ngày lễ thì thời gian tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân sẽ được tổ chức vào ngày làm việc tiếp theo. Nếu ngày 25 hằng tháng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bận công việc đột xuất thì thời gian tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân sẽ được tổ chức trước hoặc vào ngày làm việc tiếp theo. 2. Địa điểm[2]: Tại trụ sở Tiếp Công dân của tỉnh, số 06 Phan Chu Trinh, phường Đồng Mỹ, thành phố Đồng Hới. Trường hợp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bận công việc đột xuất Văn phòng Tỉnh ủy có trách nhiệm thông báo cụ thể về thời gian tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trên Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Quảng Bình, Trang Thông tin Điện tử của tỉnh. 3. Thành phần: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chủ trì; đại diện lãnh đạo các Ban và Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh; một số sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan (thành phần cụ thể do Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu, Bí thư Tỉnh ủy quyết định). Điều 4. Công tác chuẩn bị tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân 1. Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy và các cơ quan có liên quan chuẩn bị nội dung, thời gian và các điều kiện đảm bảo cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân định kỳ, đột xuất. Ban Nội chính Tỉnh ủy làm nhiệm vụ thường trực tiếp dân thường xuyên vào các ngày làm việc tại Trụ sở Tỉnh ủy. 2. Giấy mời và tài liệu tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân định kỳ hằng tháng được Ban Nội chính Tỉnh ủy gửi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị, địa phương dự họp trước ít nhất 05 ngày làm việc, tính từ thời điểm phát hành giấy mời đến thời điểm tổ chức tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân. 3. Tại địa điểm tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân phải thực hiện niêm yết: Lịch tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân định kỳ và thường xuyên (ghi cụ thể ngày, giờ; chức vụ cán bộ, lãnh đạo tiếp dân); Nội quy (ghi rõ quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên, người dân đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo). 4. Tại địa điểm tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân phải có: Phiếu thứ tự tiếp dân; sổ ghi chép theo dõi việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân; có cán bộ, chuyên viên tiếp nhận đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định. Chương II QUY TRÌNH TIẾP DÂN, ĐỐI THOẠI TRỰC TIẾP VỚI DÂN Điều 5. Kiểm tra nhân thân của cán bộ, đảng viên, người dân; tư cách pháp nhân của cơ quan, tổ chức đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo 1. Khi cán bộ, đảng viên, người dân và cơ quan, tổ chức đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo tại Cơ quan Tỉnh ủy, nơi tiếp dân, đối thoại trực tiếp với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy giúp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cán bộ, đảng viên, người dân và cơ quan, tổ chức nêu rõ họ tên cá nhân, tên cơ quan, tổ chức, địa chỉ thường trú, xuất trình giấy tờ tùy thân để xác định nhân thân của người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; giấy giới thiệu, giấy ủy quyền (nếu có), hợp đồng trợ giúp pháp lý để xác định tính hợp pháp của người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý; kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của giấy tờ tập thể, cá nhân đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. a) Trường hợp dân đến trình bày là người đại diện, người được ủy quyền của người khiếu nại thì Ban Nội chính Tỉnh ủy giúp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu người đến trình bày xuất trình các giấy tờ chứng minh việc đại diện, ủy quyền hợp pháp của người khiếu nại. b) Trường hợp người khiếu nại ủy quyền cho luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý thực hiện việc khiếu nại thì Ban Nội chính Tỉnh ủy giúp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý xuất trình thẻ luật sư, thẻ trợ giúp viên pháp lý và giấy ủy quyền khiếu nại. 2. Trường hợp người đến trình bày có hành vi vi phạm quy định tại Điều 9 Luật Tiếp công dân, không xuất trình các loại giấy tờ được quy định tại khoản 1 Điều này thì đồng chí Bí thư Tỉnh ủy từ chối tiếp, đối thoại trực tiếp và giải thích rõ lý do theo quy định. 3. Trường hợp cán bộ, đảng viên và người dân, cơ quan, tổ chức đến trình bày không vi phạm quy định tại Điều 9 Luật Tiếp công dân, xuất trình đầy đủ các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiến hành việc tiếp và đối thoại trực tiếp. Đối với trường hợp tiếp cán bộ, đảng viên, người dân và cơ quan, tổ chức đến tố cáo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan buổi tiếp, đối thoại trực tiếp với dân phải giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích tập thể, cá nhân tố cáo trừ khi tập thể, cá nhân tố cáo đồng ý công khai; không được tiết lộ những thông tin có hại cho tập thể, cá nhân tố cáo; nếu thấy cần thiết hoặc khi tập thể, cá nhân tố cáo yêu cầu thì Ban Nội chính Tỉnh ủy giúp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy áp dụng những biện pháp cần thiết hoặc kiến nghị áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo theo quy định. Điều 6. Theo dõi, quản lý việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân Sau khi kiểm tra, đối chiếu tính hợp pháp của các giấy tờ cần thiết; căn cứ vào đơn hoặc nội dung trình bày, những thông tin, tài liệu, bằng chứng của cán bộ, đảng viên và người dân, cơ quan, tổ chức phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo cung cấp, Ban Nội chính Tỉnh ủy giúp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi vào “Sổ tiếp dân”, thực hiện nhiệm vụ thư ký tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân định kỳ, đột xuất và công tác lưu trữ tài liệu tiếp dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đúng theo quy định. Điều 7. Nghe, ghi chép nội dung trình bày của cán bộ, đảng viên, người dân và cơ quan, tổ chức 1. Khi cán bộ, đảng viên, người dân và cơ quan, tổ chức phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo có đơn trình bày nội dung rõ ràng, đầy đủ theo quy định thì Ban Nội chính Tỉnh ủy giúp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận nội dung vụ việc để xử lý cho phù hợp. Nếu nội dung đơn không rõ ràng, chưa đầy đủ thì Ban Nội chính Tỉnh ủy giúp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị đại diện tập thể, cá nhân phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo viết lại đơn hoặc viết bổ sung vào đơn những nội dung chưa rõ, còn thiếu. Trường hợp dân đến trình bày nhưng chưa viết đơn, Ban Nội chính Tỉnh ủy giúp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hướng dẫn dân viết đơn. Nếu dân trình bày trực tiếp thì Ban Nội chính Tỉnh ủy ghi chép đầy đủ, trung thực, chính xác nội dung, đọc lại cho dân nghe và yêu cầu dân ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận. 2. Trường hợp đơn của dân bao gồm nhiều nội dung (phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo), thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan thì Ban Nội chính Tỉnh ủy giúp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hướng dẫn dân viết thành đơn riêng về từng nội dung phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền giải quyết của từng cơ quan. 3. Trường hợp có nhiều người (từ 05 người trở lên) đến nơi tiếp dân để phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về cùng một nội dung thì Ban Nội chính Tỉnh ủy giúp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hướng dẫn người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo cử người đại diện để trình bày nội dung vụ việc. Việc cử người đại diện được thực hiện theo Điều 29 Luật Tiếp công dân. Điều 8. Thông báo ý kiến, kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chủ trì tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân 1. Việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phải được ghi chép đầy đủ vào sổ, biên bản tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân. Những ý kiến chỉ đạo, định hướng xử lý của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trong việc giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo tại nơi tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân định kỳ và đột xuất phải được thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan biết, để triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu, nội dung chỉ đạo, định hướng và thông báo cho dân được biết. 2. Thời hạn thông báo bằng văn bản đến người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân định kỳ và đột xuất. Nếu nội dung phức tạp, phải kiểm tra, xác minh tại nhiều cơ quan thì thời hạn có thể kéo dài, nhưng không quá 15 ngày làm việc. 3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ khi nhận được phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hoặc Ban Nội chính Tỉnh ủy được ủy quyền của Bí thư Tỉnh ủy chuyển, yêu cầu cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét, giải quyết hoặc đề xuất phương án giải quyết đúng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương phải có văn bản báo cáo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và thông báo bằng văn bản cho cán bộ, đảng viên, người dân và cơ quan, tổ chức phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo biết. Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nội dung Điều 8 của Quy định này. Chương III XỬ LÝ ĐƠN, THƯ PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO Điều 9. Tiếp nhận, xử lý đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo 1. Đơn, thư nhận trực tiếp từ việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân: a) Nếu phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền Tỉnh ủy thì Ban Nội chính Tỉnh ủy giúp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm các thủ tục tiếp nhận đơn, thư và các thông tin, tài liệu, bằng chứng kèm theo do cán bộ, đảng viên và người dân, cơ quan, tổ chức cung cấp; tham mưu, kiến nghị hướng chỉ đạo, giải quyết ngay trong ngày hôm sau tiếp nhận đơn, thư và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan liên quan giải quyết theo quy định. b) Nếu phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền Tỉnh ủy thì Ban Nội chính Tỉnh ủy giúp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giải thích, hướng dẫn cán bộ, đảng viên và người dân, cơ quan, tổ chức đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của cơ quan chức năng; báo cáo kết quả cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. 2. Đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo gửi qua dịch vụ bưu chính; do đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác chuyển đến theo quy định của pháp luật; do lãnh đạo Trung ương chuyển đến đồng chí Bí thư Tỉnh ủy xử lý, thì bộ phận văn thư Cơ quan Tỉnh ủy tiếp nhận, thực hiện theo Quy chế về công tác văn thư và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Điều 10. Thẩm quyền giải quyết đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo 1. Đối với phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Tỉnh ủy thì tiếp nhận để xem xét, xử lý, giải quyết, thông báo kết quả cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; hoặc xử lý, giải quyết ngay đối với trường hợp có nội dung căn cứ, rõ ràng, cụ thể. 2. Đối với phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến các cơ quan, đơn vị, địa phương của các cấp khác nhau thì thực hiện như sau: a) Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp nhận, tham mưu chỉ đạo, xử lý, giải quyết nội dung thuộc thẩm quyền của Tỉnh ủy. b) Các nội dung không thuộc thẩm quyền của Tỉnh ủy giao đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đề nghị giải quyết. Điều 11. Kiểm tra, đôn đốc, xử lý đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo Ban Nội chính Tỉnh ủy giúp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thực hiện công tác theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương có thẩm quyền giải quyết đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo gửi đến đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; chủ trì định kỳ giao ban đánh giá việc giải quyết đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo để kịp thời rút kinh nghiệm. Điều 12. Chế độ thông tin, báo cáo Định kỳ hằng tháng, Quý I, 6 tháng, 9 tháng, năm hoặc đột xuất Bí thư Tỉnh ủy thực hiện báo cáo kết quả thực hiện tiếp dân và xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Nội chính Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nội dung điều 12 của quy định này. Điều 13. Xử lý trách nhiệm 1. Đối với những lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị, địa phương không tham gia tiếp dân do Bí thư Tỉnh ủy chủ trì; không giải quyết; trả lời quá thời hạn quy định những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân do Bí thư Tỉnh ủy chuyển đến yêu cầu giải quyết mà không có lý do chính đáng thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương đó sẽ bị xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 2. Người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nếu lợi dụng phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo để kích động, lôi kéo nhiều người; xuyên tạc, vu khống, gây mất an ninh, trật tự, xâm hại đến quyền và lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân. Chương IV TRÁCH NHIỆM CÁC TỔ CHỨC THAM GIA TIẾP DÂN, ĐỐI THOẠI TRỰC TIẾP VỚI DÂN Điều 14. Trách nhiệm chung Các cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân có trách nhiệm cung cấp các thông tin, tài liệu, trao đổi hướng giải quyết các vụ việc có liên quan thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị, địa phương mình khi tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân; thông báo bằng văn bản về họ tên, chức vụ, số điện thoại di động của cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tham gia tiếp dân do Bí thư Tỉnh ủy chủ trì, qua Ban Nội chính Tỉnh ủy. Định kỳ hằng tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng, năm hoặc đột xuất thực hiện chế độ báo cáo tình hình, kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân với Bí thư Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy. Điều 15. Trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội Cử cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương cùng tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân do Bí thư Tỉnh ủy chủ trì. Khi tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương phải có ý kiến trả lời về việc giải quyết vụ việc cho dân. Trường hợp chưa trả lời ngay được thì chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý kịp thời xem xét, giải quyết và thông báo thời gian trả lời cho dân. Phối hợp chặt chẽ, kịp thời trong việc tiếp và xử lý trường hợp nhiều người cùng phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về một nội dung tại nơi tiếp dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Điều 16. Trách nhiệm các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy tỉnh Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương nắm tình hình dư luận xã hội trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, dân tộc, tôn giáo, các hoạt động công tác xây dựng Đảng trước, trong, sau khi tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, tham mưu giải pháp giải quyết, báo cáo Bí thư Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện. Điều 17. Trách nhiệm của Ban Nội chính Tỉnh ủy Cử đại diện lãnh đạo tham gia tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân do Bí thư Tỉnh ủy chủ trì; tiếp dân thường xuyên tại Trụ sở cơ quan Tỉnh ủy; được ủy quyền chủ trì tiếp dân khi Bí thư Tỉnh ủy vắng mặt; có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin, theo dõi, tổng hợp và báo cáo, tham mưu cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo công tác tiếp dân và xử lý giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Áp dụng công nghệ thông tin và các phương tiện kỹ thuật khác để xây dựng cơ sở dữ liệu của Tỉnh ủy về tiếp dân. Thừa lệnh Bí thư Tỉnh ủy ký ban hành thông báo kết luận sau khi tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân. Điều 18. Trách nhiệm của Văn phòng Tỉnh ủy Bố trí địa điểm tiếp dân ở vị trí thuận tiện, đảm bảo kinh phí và các chế độ chính sách đối với hoạt động tiếp dân, phục vụ đầy đủ các điều kiện vật chất cần thiết để cán bộ, đảng viên, người dân và cơ quan, tổ chức đến trình bày phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy làm thư ký, ban hành thông báo kết luận của Bí thư Tỉnh ủy sau khi kết thúc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân. Điều 19. Trách nhiệm của Văn phòng UBND tỉnh (Ban Tiếp công dân) Phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan trong việc cung cấp thông tin liên quan nội dung phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân. Điều 20. Trách nhiệm Công an tỉnh Thực hiện xây dựng và triển khai phương án bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn tuyệt đối các phiên tiếp dân định kỳ và đột xuất tại địa điểm tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân do Bí thư Tỉnh ủy chủ trì. Chương V TỔ CHỨC THỰC HIỆN Điều 21. Trách nhiệm tổ chức thực hiện Cấp ủy các cấp, người đứng đầu cấp ủy các cấp, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tiếp công dân tỉnh, thủ trưởng các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ban hành, tổ chức thực hiện nội quy, quy chế tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân tại cơ quan, đơn vị, địa phương và có trách nhiệm thực hiện Quy chế này. Điều 22. Khen thưởng và xử lý kỷ luật Các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân thực hiện tốt Quy chế này sẽ được biểu dương khen thưởng kịp thời; nếu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có phát sinh vướng mắc, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo đến Bí thư Tỉnh ủy (qua Ban Nội chính Tỉnh ủy) để tổng hợp, xem xét, nghiên cứu, đề xuất báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp. Quy chế này có hiệu lực thi hành từ ngày ký và được phổ biến đến chi bộ, Nhân dân trong tỉnh./. [1] Cập nhật nội dung sửa đổi điều chỉnh tại Quyết định số 1587-QĐ/TU ngày 10/5/2019 về việc sửa đổi bổ sung một số nội dung của Quyết định số 1518-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. [2] Cập nhật nội dung sửa đổi điều chỉnh tại Quyết định số 1587-QĐ/TU ngày 10/5/2019 về việc sửa đổi bổ sung một số nội dung của Quyết định số 1518-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. |