MÃI MÃI TRƯỜNG XUÂN
Trường Xuân là một xã thuộc huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Những năm qua, với sự chung tay, góp sức của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, phong trào xây dựng nông thôn mới của xã Trường Xuân (Quảng Ninh) đã có nhiều nét khởi sắc vượt bậc. Ban biên tập giới thiệu tùy bút của tác giả Lê Huấn về Trường Xuân.
Có dịp về Rào Trù- Rào Đá…
Giữa hương sắc của đất trời, ta nhớ lại lúc xã Trường Xuân thành lập theo Quyết định số 73 của Hội đồng Bộ trưởng nay là Chính phủ. Từ đó, hai dân tộc Kinh và Bru - Vân Kiều cùng nhau xây dựng quê hương. Buổi đầu biết mấy khó khăn... Đến nay Trường Xuân trong niềm vui mới. Khi với 850 hộ, hơn 2.750 khẩu; trong đó gần 26% là dân Bru-Vân Kiều đời sống khá lên. “Chiến khu”xưa ngày thêm nhiều thay đổi... Còn đó, ngày 16 tháng 12 năm 2005 - Hồ thủy lợi Rào Đá khởi công - Dấu mốc đáng nhớ. Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng; các hạng mục công trình lần lượt hình thành. Sáu năm xây dựng, công trình được đưa vào sử dụng. Nước Rào Đá tưới mát ruộng đồng nhiều xã ở huyện Quảng Ninh được bao người nhắc đến... Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng - Nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam về thăm xã Trường Xuân (Ảnh: BBT) Tháng 01 năm 2010, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng - Nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam về thăm xã Trường Xuân. Xe ô tô của đoàn đến tận nơi; nhân dân hai dân tộc Kinh và Vân Kiều phấn khởi chào đón... Cùng với giao thông và thủy lợi, điện sinh hoạt được đầu tư. Năm 1999 điện lưới quốc gia về với bản. Để hôm nay gần 100% số hộ được dùng điện lưới, “núi rừng có điện thay sao” thành hiện thực. Có điện, thông tin kịp thời đến với bà con. Tiến bộ khoa học – kỹ thuật đưa vào sản xuất có hiệu quả. Mô hình nuôi ong lấy mật ở vùng núi Trường Xuân cũng từ đó được hình thành. Từ buổi đầu chỉ có một vài hộ cùng “Cụ Nguyễn Ngọc Lãnh nuôi ong”. Đến sự ra đời của câu lạc bộ nuôi ong lấy mật, cả xã có hơn 60 hộ nuôi ong. Thành công từ nghề nuôi ong ở Trường Xuân đã lan tỏa đến nhiều nơi. Năm 2018, HTX nuôi ong Trường Xuân thành lập và hoạt động hiệu quả cho đến nay. Chắt chiu từ tinh túy của đất trời, hoa cỏ Trường Xuân, vàng óng ánh quyến rủ, đóng trong chai thủy tinh có nắp màu đồng, “Mật Ong Trường Xuân” với chỉ dẫn địa lý: “Thôn Quyết Thắng, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình” được nhân dân và du khách thập phương tin dùng... Sản xuất phát triển, thu nhập của hộ dân được tăng thêm, đời sống văn hóa tinh thần nhiều tiến bộ. Từ một ngôi trường tạm bợ 8 gian với 4 phòng học của những năm 80 thế kỉ trước, nay xã đã có các trường học khang trang. Xã hội hóa giáo dục được khơi dậy. Người dân Trường Xuân ghi nhận việc ông Hồ Phong hiến 1.000 m2 đất làm trường học. Nhiều con em Trường Xuân đã tốt nghiệp PTTH và học lên Cao đẳng, Đại Học. Tháng 3 năm 2020 tại Bản Khe Ngang nhân dân phấn khởi tổ chức Đại Hội biểu dương Phong trào xây dựng xã hội học tập… Thực hiện chương trình nông thôn mới, nhân dân đã hiến hơn 14.700m2 đất để xây dựng các công trình... Ông Nguyễn Xuân Việt - Trưởng ban công tác Mặt trận Bản Khe Ngang vận động gia đình hiến 500 m2 đất để làm Nhà Văn hóa bản. Từ việc làm của mình, ông Việt đã vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nội thôn với chiều dài hơn 400 m. Phong trào hiến đất được nhân rộng. Người dân bản Mít - Lâm Ninh tích cực tham gia. Thôn Quyết Thắng có 20 hộ hiến đất cho Chương trình xây dựng nông thôn mới. Chợ Trường Xuân bên bờ sông Rào Đá với diện tích 2.000 m2, thuận tiện cho việc bán mua... Cuối năm 2019, Trường Xuân có nhiều tiêu chí đạt chuẩn “Nông thôn mới”. Hộ nghèo chỉ còn hơn 20,6% ... Hồ Rào Đá nhìn từ núi Thần Đinh (Ảnh: internet) Niềm vui trên đất Trường Xuân theo ta lên vãn cảnh Chùa Non. Thăm khu Du lịch sinh thái núi Thần Đinh. Đến giếng Tiên đón mạch ngầm của Núi. Ngắm Rào Đá - Rào Trù từ đỉnh cao hơn 1.200 bậc đá, mặt hồ đầy nước, ẩn hiện những hòn đảo nhỏ. Qua rồi thời kì thiếu thốn nhiều mặt. Nhân dân luôn ghi nhớ những thời khắc trên chặng đường phát triển. Nhớ Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân Hồ Thanh Sơn ở bản Khe Dây. Vừa lo lãnh đạo phong trào, vừa xây dựng mô hình “vườn rừng, vườn đồi”, trồng nhiều cây ăn quả cho thu nhập khá. Người dân gọi Ông là “Vua Thơm” đáng kính. Nhớ Già Bản Lâm Ninh băng rừng, lên huyện Lệ Ninh xin đắp đập Phú Bài làm lúa nước. Huyện hỗ trợ 500 kg gạo. Già bản động viên dân làm. Lúa nước vùng Phú Bài - Lâm Ninh bắt đầu từ đó. Hơn 40 năm qua, nguồn thu nhập từ việc làm lúa nước của bà con nơi đây được nhân rộng. Nhớ ngày 01 tháng 7 năm 1990, huyện Quảng Ninh tái lập. Trường Xuân có nhiều thay đổi. Năm 1991, Hồ Khe Dây hoàn thành… Tháng 3 năm 1993, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đến bản Lâm Ninh. Ông căn dặn: Phải chăm lo đời sống cho xã miền núi, nhất là đồng bào Bru - Vân Kiều còn lắm khó khăn. Năm 1994, đường Nam Long - cầu Quyết Thắng về trung tâm xã khai thông. Vùng Kinh tế Rào Đá - Rào trù ngày thêm khởi sắc. Cùng với xây dựng cuộc sống ấm no, Đảng bộ và Nhân dân luôn gìn giữ tình đoàn kết hai dân tộc vì một Trường Xuân đổi mới và phát triển. Nay, từ đại lộ Hồ Chí Minh vào Cây Trai, từ Bắc Cầu Long Đại vô bản Lâm Ninh cảnh sắc biết bao đổi thay, lòng dân thêm phấn khởi… Về Trường Xuân nhớ mãi bài học: Luôn gieo mầm và vun bón niềm tin của đồng bào vào chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Định canh, định cư, ổn định cuộc sống; phát triển kinh tế có vai trò then chốt. Vui với những khởi sắc của Trường Xuân - Chào mừng Đại hội Đảng bộ Huyện Quảng Ninh lần thứ XXV, xin có đôi dòng cảm nhận. Lê Huấn |