Thành phố Đồng Hới: Triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn 
Thành phố Đồng Hới là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh, hội tụ đủ các đặc thù của vùng đất như sông, biển, núi rừng với nhiều danh lam thắng cảnh, hệ thống di tích lịch sử, văn hoá có giá trị và nhiều lễ hội văn hoá truyền thống, đặc sắc, phong phú. Đây là điều kiện thuận lợi để thành phố phát triển du lịch với nhiều loại hình hấp dẫn.  

Ảnh: Quảng Bình quanm (internet)

Nhận thức được tiềm năng lợi thế về phát triển du lịch và vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền thành phố Đồng Hới đã đề ra mục tiêu là phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để đạt được mục tiêu, thành phố đã đề ra đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển du lịch như tập trung quy hoạch và xây các điểm du lịch, khu du lịch nội thành, khu du lịch phía Tây, phía Đông Bắc thành phố; tiến hành rà soát, điều chỉnh, hoàn thành một số khu du lịch, điểm du lịch, điểm vui chơi giải trí phục vụ du lịch như: Khu du lịch Khe Chuối (Quang Phú), bãi tắm Bảo Ninh 2, khu du lịch phía Nam Bảo Ninh, sân golf Bảo Ninh, bến thuyền du lịch trên sông Nhật Lệ, mở rộng và nâng cấp hạ tầng các bãi tắm biển Nhật Lệ, Bảo Ninh, Quang Phú; vỉa hè, bãi đỗ xe đường Trương Pháp, xây dựng hệ thống lan can Công viên Nhật Lệ, khu du lịch phía Nam Bảo Ninh và gần đây nhất là đang triển khai các thủ tục để hình thành tuyến phố đi bộ...

Để tạo cho bộ mặt thành phố một diện mạo mới, khang trang hơn phục vụ khai thác du lịch, từ năm 2016 đến nay, trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, thành phố đã chủ động đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu du lịch, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhiều dự án đầu tư, hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí trên trục đường chính và các điểm nhấn ở trung tâm thành phố; đầu tư lắp đặt 03 cổng điện led tuyên truyền, trang trí và lắp đặt thêm nhiều cụm điện trang trí khác tại một số tuyến đường, khu vực công cộng. Hệ thống cây xanh, bồn hoa, công viên tiếp tục được trồng mới, cắt tỉa, chăm sóc. Trong 04 năm, thành phố đã trồng mới 12.450 cây xanh ở 85 tuyến đường, cải tạo trồng mới thảm cỏ, cây xanh tại các giải phân cách, đảo giao thông, công viên với diện tích hơn 102.350 m2; huy động nhiều nguồn lực để đầu tư nâng cấp một số tuyến đường chính của thành phố, xây dựng các tuyến đường giao thông quy mô nhỏ, vỉa hè, hoàn thiện hệ thống biển báo giao thông, hệ thống thoát nước; quy hoạch xây dựng thêm một số bến, bãi, điểm đậu xe hợp lý; rải nhựa, đổ bê tông là 551,70 km đường; xây dựng 63.806 m2 vỉa hè, nâng tổng số diện tích vỉa hè được lát gạch là 331.774 m2. Nhiều công trình trọng điểm đã được đầu tư xây dựng, hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và tạo diện mạo mới cho thành phố như cầu Nhật Lệ II và các tuyến đường mới; nâng cấp thảm mặt đường và lát vỉa hè đối với những trục đường chính thành phố; các dự án tạo quỹ đất, hệ thống giao thông đô thị, trường học, bệnh viện, trạm y tế, cấp nước, cây xanh, bưu chính viễn thống, mạng lưới điện...

Đồng Hới sầm uất bên đôi bờ Nhật Lệ. Ảnh: Internet

Bên cạnh đó, thành phố cũng hoàn thành việc đầu tư nâng cấp mạng lưới chợ trên địa bàn, chú trọng xây dựng chợ văn minh; đầu tư mở rộng và nâng cấp chợ Cộn; quy hoạch, xây dựng chợ Bắc Lý, Lộc Ninh, Đức Ninh. Hiện nay, 100% chợ được đầu tư xây dựng kiên cố đáp ứng nhu cầu giao lưu mua sắm của người dân và du khách. Cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch ngày càng được các nhà đầu tư tâm xây dựng, nhất là hệ thống khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại. Nhiều khách sạn, nhà hàng đã được hoàn thiện và đưa vào khai thác sử dụng kịp thời phục vụ nhu cầu của du khách như: Khu Trung tâm thương mại, nhà phố shop-house của Tập đoàn Vingroup, các khách sạn Vĩnh Hoàng, Amanda, Thiên Đường, Royal, Vinpearl Đồng Hới Quảng Bình và các điểm dịch vụ mua sắm, giải trí, ẩm thực khác gồm: Nhà hàng Everland, các nhà hàng ven sông Nhật Lệ. Tính đến tay, thành phố có 222 cơ sở lưu trú, trong đó khách sạn có 116 cơ sở chiếm 52,2%, tăng 32 khách sạn so với năm 2015, bình quân mỗi năm tăng 6,7%; khách sạn 5 sao có 05 cơ sở, tăng 03 cơ sở so với năm 2015; khách sạn 4 sao có 07 cơ sở, tăng 04 cơ sở so với năm 2015. Tổng số phòng lưu trú là 5.235 phòng với 9,502 giường, 2.802 giường so với năm 2015, bình quân mỗi năm tăng 7,4%. Các dịch vụ khác như giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng, các điểm vui chơi giải trí, dịch vụ mua sắm ngày càng phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Mặt khác, thành phố cũng đã có những giải pháp kịp thời, linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, địa điểm đầu tư, kinh doanh hoạt động du lịch, hỗ trợ phát triển du lịch một cách nhanh chóng và hiệu quả; tăng cường tuyên truyền quảng bá thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, in ấn, xuất bản tờ gấp, bản đồ du lịch, tập sách để giới thiệu tiềm năng thế mạnh, sản phẩm du lịch, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn nhằm giới thiệu những nét văn hoá truyền thống Đồng Hới đến với đông đảo du khách.

Xác định an ninh trật tự, an toàn cho du khách và nâng cao chất lượng phục vụ du khách là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút du khách đến với Đồng Hới và hướng đến môi trường du lịch an toàn, thân thiện, phát triển bền vững, trong những năm qua, thành phố đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng phục vụ, giao tiếp, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm cho các chủ cơ sở; khuyến khích các cơ sở chủ động tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao đối với dịch vụ du lịch. Chính vì vậy, chất lượng phục vụ trong ngành du lịch ngày càng được nâng lên, phong cách, thái độ phục vụ dần được thay đổi, tận tình chu đáo, văn minh, lịch sự hơn... từng bước hướng đến sự chuyên nghiệp và làm hài lòng du khách.

Nhận biết, du lịch và văn hoá có mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ, thúc đẩy nhau cùng phát triển, phát triển du lịch phải đi đôi với bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hoá, thành phố đã chú trọng huy động nguồn lực đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá, đầu tư khôi phục và phát triển các lễ hội truyền thống, tạo được điểm nhấn, ấn tượng lớn đối với Nhân dân địa phương và du khách như Lễ hội Cầu ngư (Hải Thành, Bảo Ninh), Chèo cạn, Múa bông; Lục niện cạnh đó (Bảo Ninh), Lễ hội Rằm Tháng Giêng (Đồng Hải), Lễ hội Cù (Đồng Phú), Hội Bài Chòi (Nam Lý, Đồng Sơn, Hải Thành...), lễ hội Xuống Đồng (Lộc Ninh)... Đặc biệt, Tuần Văn hoá - Du lịch Đồng Hới được tổ chức hàng năm ngày càng quy mô, chuyên nghiệp đã và đang trở thành một hoạt động văn hóa tiêu biểu, đặc trưng riêng có của thành phố Đồng Hới nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống quảng bá giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về du lịch Đồng Hới, thu hút du khách, xúc tiến phát triển du lịch.

Với những giải pháp tập trung, tích cực đó, đến nay, du lịch Đồng Hới đã có những chuyển biến nhanh chóng và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Lượng khách du lịch đến Đồng Hới ngày càng tăng, trong đó đặc biệt là khách nước ngoài. Doanh thu về du lịch đã phục hồi và có sự tăng trưởng tốt, thời gian lưu trú của khách du lịch dài hơn. Lượng khách du lịch tăng bình quân 13,4%/năm, tăng 02 lần so với năm 2015; doanh thu khách sạn nhà hàng tăng bình quân 16,47%/năm, doanh thu dịch vụ du lịch tăng bình quân 13,84%/năm; thời gian lưu trú của khách đạt 1,5 ngày/người. Các hoạt động du lịch, đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo việc làm, góp phần cải thiện đời sống của Nhân dân. Du lịch đã và đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Đồng Hới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Đồng Hới vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là việc đầu tư, phát triển du lịch chưa tương xứng với yêu cầu và thế mạnh của địa phương, đặc biệt là du lịch biển, sinh thái. Các di tích lịch sử, văn hóa phục vụ du lịch chưa được đầu tư tôn tạo đúng mức nên chưa phát huy được hiệu quả; chưa có sự gắn kết hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống với các tour, tuyến, chương trình du lịch. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch chưa thường xuyên, hình thức tuyên truyền thiếu phong phú nên còn hạn chế trong việc giới thiệu các tiềm năng thế mạnh về du lịch của địa phương đến với đông đảo du khách. Nhân lực của ngành Du lịch còn yếu và thiếu, chưa chuyên nghiệp.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, phấn đấu đưa ngành Du lịch Đồng Hới thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, thành phố Đồng Hới tiếp tục thúc đẩy phát triển nhanh các ngành thương mại - dịch vụ theo hướng hiện đại, đa ngành du lịch; chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại; khuyến khích đầu tư các trung tâm thương mại, siêu thị; nâng cấp và phát triển mạng lưới chợ, đầu tư xây dựng chợ văn minh, đáp ứng nhu cầu giao lưu mua sắm của Nhân dân và du khách; huy động nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị; kêu gọi, khuyến khích các dự án đầu tư vào khu du lịch, điểm du lịch đã được phê duyệt; đồng thời tập trung trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, điểm du lịch tâm linh để phát triển đa dạng hoạt động du lịch.

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ tập trung khai thác các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, tắm biển, văn hóa lễ hội, tham quan di tích lịch sử, mua sắm, ẩm thực; khôi phục, phát triển, nâng cao chất lượng và quy mô tổ chức các lễ hội truyền thống, xây dựng Tuần Văn hóa - Du lịch Đồng Hới hàng năm trở thành lễ hội cấp tỉnh, tạo nét đẹp văn hóa riêng để thu hút khách du lịch; đa dạng hóa các hình thức quảng bá và xúc tiến du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch mang bản sắc văn hóa Đồng Hới; phát triển các làng nghề chế biến hải sản truyền thống, mặt hàng thủ công mỹ nghệ, ẩm thực; khai thác, phát triển thị trường du lịch, đưa thương hiệu du lịch Đồng Hới thâm nhập các thị trường trong cả nước và khu vực; liên kết hợp tác về hoạt động du lịch với các địa phương, công ty lữ hành; mở rộng kết nối du lịch Đồng Hới với du lịch trong và ngoài tỉnh, các tour du lịch quốc tế; tăng cường công tác an ninh, trật tự đô thị, đảm bảo an toàn cho du khách, tạo môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện để phát triển du lịch bền vững. 

Theo N.Q

quangbinh.gov.vn