Triển khai đồng bộ các chính sách, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự xâm nhập và tác động tiêu cực của sản phẩm văn hóa độc hại 
10 năm qua, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư (khóa X) đã tạo sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, tầng lớp văn nghệ sĩ và Nhân dân về xây dựng, nâng cao ý thức cảnh giác, năng lực nhận biết, bài trừ trước sự xâm nhập, tác động của sản phẩm văn hóa độc hại, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh.
 Trên cơ sở những nội dung của Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư (khóa X) về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng các chính sách phù hợp, đảm bảo triển khai đồng bộ, kịp thời, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự xâm nhập và tác động tiêu cực của sản phẩm văn hóa độc hại, đồng thời củng cố, phát triển sự nghiệp văn hóa nói chung, văn học, nghệ thuật nói riêng trên địa bàn tỉnh càng chất lượng, hiệu quả. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ phát triển xứng tầm, đáp ứng tình hình, nhiệm vụ mới, đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục trên phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của sản phẩm văn hóa độc hại, trái thuần phong mỹ tục dân tộc. Công tác quản lý Nhà nước, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ chế, chính sách về giải thưởng cho công trình văn hóa, tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc được quan tâm và đã thu được những kết quả tốt đẹp.

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương kịp thời việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước để phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế, từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư. Đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 1.175/1.181 khu dân cư đã xây dựng hương ước, quy ước, trong đó có 545/1.175 khu dân cư đã thực hiện sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước theo theo Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/05/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Toàn tỉnh cũng thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của Nhân dân trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Những nét đẹp văn hóa trong mỗi gia đình, làng quê, đơn vị được giữ gìn và phát huy, các hủ tục lạc hậu dần bị loại bỏ, tình làng nghĩa xóm thắt chặt, từ đó nêu cao ý thức chấp hành kỷ cương pháp luật, giữ gìn thuần phong mỹ tục, đồng thuận, cùng nhau xây môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh, góp phần bài trừ sự xâm nhập, tác động của các sản phẩm văn hóa độc hại.
Mặt khác, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã thực sự trở thành môi trường giáo dục quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần của các thành viên trong gia đình. Qua thực hiện phong trào, xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình văn hóa tiêu biểu trên lĩnh vực sản xuất kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình hiếu học, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, nêu cao tinh thần tương thân tương ái. Số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa tăng hàng năm (năm 2010, toàn tỉnh có 147.884/204607 gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 69,3%; đến năm 2019 có 204.385/239.664 gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 85,3%, tăng 16% trong 10 năm). Các địa phương cũng đã khôi phục một số lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như Lễ hội đập trống của đồng bào Ma Coong ở xã Thượng Trạch, Lễ hội trỉa lúa của đồng bào Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Bru - Vân Kiều ở xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy)… góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, quê hương.

Hệ thống các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh cũng được cải thiện nhờ nguồn đầu tư ngân sách của Nhà nước và việc huy động nguồn lực của toàn xã hội cho việc cải tạo, nâng cấp nhằm đáp ứng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh hoạt lành mạnh của người dân. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã có 1.138/1.181 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa - khu thể thao; 157/159 Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường, thị trấn đã được xây dựng tại các địa phương, trong đó có 35 trung tâm văn hóa - thể thao xã phường, thị trấn đã được xây dựng độc lập, số còn lại dùng chung với Hội trường UBND xã, phường, thị trấn. Cùng với đó, ngành Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên ở các cấp đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng tiếp nhận có chọn lọc các giá trị văn hóa… góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào nhà trường và thế hệ trẻ. Công tác tuyên truyền về “chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” được đẩy mạnh trong lực lượng đoàn viên, thanh niên với phương châm “lấy tuyên truyền, giáo dục, vận động, phòng ngừa, ngăn chặn là chính”... nhằm bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, giúp các em có kiến thức và hiểu biết để cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn lôi kéo chống phá của các thế lực thù địch, rèn luyện khả năng tự đề kháng với các sản phẩm văn hóa độc hại, ảnh hưởng không tốt đến đạo đức, lối sống, thuần phong, mỹ tục của con người Việt Nam.

Tuy nhiên, công tác tuyên tuyền Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X) tại nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa được quan tâm, sâu sát thường xuyên. Việc chỉ đạo ban hành một số chính sách, triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống văn hóa của địa phương; sự thâm nhập ngày càng nhiều của yếu tố văn hóa nước ngoài thiếu lành mạnh ảnh hưởng không nhỏ tới giá trị văn hóa dân tộc…

Để nâng cao ý thức, năng lực trong việc ngăn chặn, bài trừ, đẩy lùi sự xâm nhập, tác động tiêu cực các sản phẩm văn hóa độc hại; gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; tiếp nhận có chọn lọc các giá trị văn hóa thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa phong phú của Nhân dân, thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục thực hiện 07 nhiệm vụ trong Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X), góp phần đưa văn học, nghệ thuật của tỉnh không ngừng phát triển, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân trước sự xâm nhập, tác động của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội; phát huy tốt vai trò tự quản, ý thức tự giác đặc biệt là tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế ở các khu dân cư, tạo sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân nhằm hạn chế, từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư, xây dựng phong tục, tập quán tốt đẹp, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, quan hệ gia đình, làng xóm ngày càng gắn bó, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân khi sử dụng internet và mạng xã hội, kỹ năng nhận diện, xử lý thông tin xấu, độc; quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng internet và mạng xã hội của cán bộ, công chức, viên chức để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp lan truyền, chia sẻ, bình luận thông tin có nội dung xấu, độc, thông tin sai sự thật, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trái với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức xã hội; thực hiện tốt quy định của pháp luật về ngăn chặn, xử lý hoạt động sáng tác, truyền bá những sản phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung, tư tưởng tiêu cực, thiếu lành mạnh, gây tác động xấu đến đời sống, xã hội.

Ngoài ra, các cấp, các ngành và địa phương tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thường xuyên trong việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa - văn nghệ nhằm huy động đông đảo các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp Nhân dân tham gia hoạt động sáng tạo, hưởng thụ văn hóa - văn nghệ, làm cho văn hóa - văn nghệ ngày càng lan tỏa và thấm sâu vào đời sống xã hội.

Theo Mai Anh, quangbinh.gov.vn