Đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu với "giặc lửa" 
Thời điểm này, các khu vực rừng ở huyện miền núi Minh Hóa đang bước vào cao điểm nắng nóng kéo dài, vì thế nguy cơ cháy rừng luôn ở mức “nguy hiểm”, thậm chí nhiều ngày ở mức “cực kỳ nguy hiểm”. Trước tình hình đó, các lực lượng bảo vệ rừng, các đơn vị vũ trang trên địa bàn huyện luôn trong tình huống đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu trước “giặc lửa”.
 Nguy cơ cháy rừng cao
 
Hàng năm, từ tháng 4 đến tháng 9, thời tiết Quảng Bình nói chung và địa bàn huyện Minh Hóa nói riêng thường chuyển sang khô hanh, nắng nóng kéo dài (lúc cao điểm, nhiệt độ từ 39 đến 410C), gió phơn Tây Nam thổi mạnh dẫn tới nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao. Ở thời điểm này, các khu rừng trên địa bàn huyện Minh Hóa được cảnh báo có nguy cơ cháy ở cấp độ nguy hiểm (cấp độ 4), thậm chí nhiều ngày ở mức cực kỳ nguy hiểm (cấp độ 5).
 
Ông Trần Mạnh Luật, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Minh Hóa cho biết, toàn huyện có tổng diện tích tự nhiên trên 141.000ha. Trong đó, diện tích rừng và đất lâm nghiệp 120.485ha, đất có rừng tự nhiên gần 106.000 ha, rừng trồng là 4.167ha..., phân bổ khắp 15 xã, thị trấn. Địa hình các vùng rừng phức tạp, có nhiều khe suối và các dãy núi đá vôi chia cắt, nhiều bản làng và khu vực trong huyện chưa có đường giao thông, rất khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR), nhất là công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trong mùa khô.
Lực lượng Kiểm lâm Minh Hóa thường xuyên tuần tra bảo vệ và PCCCR.
Lực lượng Kiểm lâm Minh Hóa thường xuyên tuần tra bảo vệ và PCCCR.
Trong tổng số diện tích rừng ở Minh Hóa, có hơn 1.000ha rừng trồng cây bản địa thuộc nguồn vốn Dự án khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng tại 2 xã Dân Hóa và Trọng Hóa được xác định là khu vực trọng điểm cháy rừng.
 
Rừng ở đây có địa hình phức tạp, có độ dốc lớn, thực bì là các loại lau lách rất dễ cháy và nếu cháy thì rất khó chữa. Đặc biệt, mùa khô hàng năm cũng là thời điểm mà người dân nơi đây phát rẫy và đi lấy mật ong nên nguy cơ cháy rừng luôn đặt ở mức cao.
 
Ngoài ra, sống cạnh vùng rừng trên chủ yếu là người Khùa, người Mày, đồng bào có thói quen hút thuốc lá và nếu chỉ cần họ bất cẩn vứt một tàn thuốc vào cụm cỏ lau lách khô thì hậu quả thật khó lường.
 
Không để bị động, bất ngờ
 
Theo ông Trần Mạnh Luật, xác định công tác PCCCR là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, vô cùng quan trọng, nên ngay từ đầu năm, Hạt Kiểm lâm Minh Hóa đã phối hợp với chính quyền các địa phương, chủ rừng, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.
 
Trong đó, giao các địa phương, đơn vị, chủ rừng chuẩn bị đầy đủ quân số, phương tiện PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”; phân công kiểm lâm viên về các địa phương tuyên truyền biện pháp PCCCR cho người dân, nhất là hướng dẫn người dân phát dọn rừng, cách đốt thực bì an toàn và cấp, phát, hướng dẫn sử dụng một số phương tiện chữa cháy…
 
“Với nhiệm vụ bám rừng, bám dân và bám chính quyền cơ sở, đội ngũ cán bộ, kiểm lâm viên, kiểm lâm địa bàn thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương, tổ chức tuần tra rừng. Đặc biệt, trong mùa phát rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), việc tuần tra, kiểm soát càng nghiêm ngặt hơn để bảo đảm an toàn cho rừng, tránh lây lan đám cháy từ việc phát rẫy”, ông Luật cho biết thêm.
 
Ghi nhận tại xã Trọng Hóa, một trong những khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao của huyện Minh Hóa cho thấy, đây là khu vực rừng có độ tán che tương đối thấp, lau lách, thực bì nhiều, rất dễ xảy ra cháy nếu công tác PCCR không đạt yêu cầu. Từ đầu mùa khô đến nay, lực lượng phối hợp gồm: dân quân cơ động xã Trọng Hóa; Ban Quản lý rừng phòng hộ; Hạt kiểm lâm Minh Hóa…thường xuyên trong tình trạng sẵn sàng trực chiến.
 
Ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp tuần tra rừng, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện chữa cháy để kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng tuyên truyền, vận động người dân có những hoạt động tại khu vực có rừng ký cam kết thực hiện bảo vệ rừng và PCCCR trong mùa khô; đồng thời, làm các đường băng cản lửa, phát thực bì và tu bổ một số tuyến đường chữa cháy. Thời điểm này, lực lượng PCCCR xã Trọng Hóa đang phải trực chiến 24/24 giờ, không để bị động, bất ngờ khi xảy ra cháy rừng”.
 
Theo ông Bắc, xã Trọng Hóa hiện có 500ha rừng ở bản Ông Tú, được giao cho cộng đồng chăm sóc, bảo vệ. Nhiều năm qua, rừng ở bản Ông Tú được bảo vệ tốt, mang lại nhiều lợi ích cho người dân.
 
Ông Hồ Chui, Trưởng bản Ông Tú là một người năng nổ trong việc bảo vệ rừng và hiểu rõ hơn ai hết về công tác PCCCR. “Mùa khô năm nay, thời tiết nóng hơn mọi năm nên cháy rừng rất dễ xảy ra. Hạt Kiểm lâm Minh Hóa và chính quyền xã Trọng Hóa cũng đã mở các đợt tuyên truyền giúp cho bà con biết được cách PCCCR hiệu quả, đặc biệt là phải thật cẩn thận trong phát rẫy, đốt thực bì, lấy mật ong…”, ông Chui nói.
 
Nhận định rõ nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng năm nay, những ngày này, Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa đang thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin và thực hiện tốt công tác dự báo cấp cháy rừng. Đồng thời, Hạt tổ chức các đợt kiểm tra, đôn đốc cơ sở, đơn vị chủ rừng triển khai công tác PCCCR; phân công các đơn vị trực 24/24 giờ trong mùa khô hanh, bố trí người và phương tiện, dụng cụ PCCCR ở những điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao…
 
Phan Phương
baoquangbinh.vn