Thị xã Ba Đồn: Nhiều địa phương khốn khó vì thiếu nước 
Do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, nhiều địa phương trên địa bàn thị xã Ba Đồn đang lâm vào cảnh khốn khổ vì thiếu nước. Hiện, lượng nước tại các hồ, đập trên địa bàn giảm mạnh, hàng trăm ha lúa hè-thu có nguy cơ mất trắng, nước sinh hoạt cũng thiếu trầm trọng.
Thức đêm canh nước vào ruộng
 
Theo kế hoạch, tổng diện tích sản xuất vụ hè-thu năm 2020 của toàn thị xã là gần 2.200ha. Diện tích đủ nước tưới hơn 1.800ha, còn lại dự kiến phải bơm chống hạn. Tuy nhiên, khi bước vào vụ sản xuất, lượng nước ở các hồ, đập trên địa bàn chỉ đạt khoảng 60% dung tích thiết kế.
 
Hiện nay, tình hình nắng nóng khả năng vẫn kéo dài với nền nhiệt cao dẫn đến diện tích sản xuất nông nghiệp của một số địa phương trên địa bàn thị xã Ba Đồn có nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán cục bộ. Đặc biệt, là các xã vùng Nam như: Quảng Tiên, Quảng Văn, Quảng Trung, Quảng Lộc, Quảng Sơn, Quảng Minh... và các phường Quảng Phong, Quảng Long, Quảng Phúc.
 
Lượng nước ở sông và các hồ đập lớn trên địa bàn xuống mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây, nhất là sông Rào Nan, trung bình giảm xuống 10cm/ngày đêm. Diện tích lúa hè-thu phải bơm nước chống hạn tăng theo từng ngày.
Mực nước chi nhánh thủy lợi Rào Nan xuống mức thấp, ảnh hưởng đến khả năng tưới tiêu cho vụ lúa hè-thu.
Mực nước chi nhánh thủy lợi Rào Nan xuống mức thấp, ảnh hưởng đến khả năng tưới tiêu cho vụ lúa hè-thu.
Vụ mùa năm nay, gia đình bà Đoàn Thị Lan, thôn Trường Thọ, xã Quảng Tiên (thị xã Ba Đồn) gieo 2 sào lúa. Theo bà Lan, nhờ 2 sào lúa này mà gia đình bà đỡ tốn tiền mua gạo, nhưng năm nay chắc sẽ khó. Bởi, từ khi gieo lúa đến bây giờ chưa hề có một giọt mưa.
 
Khoảng 1 tuần trở lại đây, ngày nào, bà cũng canh từng giờ, chờ nước về mương thủy lợi để tát nước vào ruộng. Có ngày trời nắng gắt, đợi đêm xuống mát trời mới ra ruộng lấy nước. Bà Lan cũng không nhớ rõ bao nhiêu năm rồi mới phải chờ canh từng giờ, thức đêm lấy nước vào ruộng như thế này.
 
"Hiện lúa đang giai đoạn sinh trưởng, rất cần nước. Vất vả thế nhưng không biết có cứu được vụ mùa năm ni không", bà Lan than thở.
 
Theo báo cáo của Chi nhánh Thủy nông Rào Nan, tính đến ngày 9-7-2020, cao trình mực nước đo được -0,72m. Hiện, Chi nhánh đã phải huy động trạm bơm cũ với hơn 10 máy phục vụ bơm nước để cấp tưới cho các địa phương. Tuy nhiên, ở các địa phương ở cuối nguồn, như: xã Quảng Văn, Quảng Tiên rất khó tiếp cận được nguồn nước bơm chống hạn. Nếu tình trạng nắng nóng kéo dài, một số địa phương cuối nguồn có khả năng mất trắng vụ lúa hè-thu.
 
Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ba Đồn cho hay, trên địa bàn có gần 250ha lúa hè-thu đã bắt đầu thiếu nước tưới. Nếu tình trạng khô hạn kéo dài, diện tích trên sẽ bị hạn hán cục bộ.
 
Hiện, UBND thị xã đang tích cực chỉ đạo chính quyền và nhân dân các địa phương nỗ lực chống hạn. Các trạm thủy nông sẽ cân đối nguồn nước để thực hiện bơm tưới theo đúng kế hoạch, bố trí các trạm bơm dã chiến để thực hiện công tác chống hạn; tiến hành mở, xả nước xuống hệ thống kênh mương trên địa bàn và điều tiết hợp lý để tạo nguồn cho các địa phương tiến hành bơm tưới chống hạn, ông Khánh cho hay.
 
Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt
 
Tình trạng nắng nóng kéo dài, mực nước ở các sông, hồ đập xuống thấp không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà còn khiến hàng chục nghìn hộ dân ở 10 xã vùng Nam, thị xã Ba Đồn đối diện với nguy cơ thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng.
 
Ngày 8-7-2020, Nhà máy cấp nước sinh hoạt số 1 Quảng Trạch (thuộc Ban quản lý dự án ODA Quảng Trạch) đã phải ra thông báo về việc tạm ngừng cấp nước cho 10 xã vùng Nam thị xã Ba Đồn do mực nước đầu vào tại sông Rào Nan xuống thấp.
Nhà máy nước sạch tạm ngừng cung cấp, nhiều hộ gia đình ở 10 xã vùng Nam Ba Đồn phải dùng nguồn nước giếng bị nhiễm phèn
Nhà máy nước sạch tạm ngừng cung cấp, nhiều hộ gia đình ở 10 xã vùng Nam Ba Đồn phải dùng nguồn nước giếng bị nhiễm phèn
Những ngày sau đó, người dân các xã vùng Nam Ba Đồn chuyển từ dùng nước máy sang nước giếng. Bà Trần Thị Diễn, thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn cho biết, khi nhận được tin nhà máy ngừng cấp nước, gia đình bà phải tận dụng mọi đồ đạc có thể để chứa nước sinh hoạt.
 
Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước lớn nên mặc dù "dè sẻn" hết mức cũng chỉ dùng được 2 ngày đầu. Sau đó, phải dậy sớm đi lấy nước ở khe suối. Nguồn nước giếng bị nhiễm phèn chủ yếu dùng để giặt giũ.
 
Ở những khu vực xa khe suối, nguồn nước giếng bị nhiễm phèn nặng thì người dân phải đi mua từng khối nước sạch để sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày. Giá mỗi khối nước dao động từ 10-15 nghìn đồng/m3, thậm chí có nơi lên đến 20 nghìn đồng/m3. Trong khi giá nước được cung cấp từ nhà máy là 7 nghìn đồng/m3.
 
Ông Nguyễn Thế Hảo, Giám đốc Ban quản lý dự án ODA Quảng Trạch cho hay, sau khi tạm ngừng cấp nước, nhà máy đã thuê thêm 2 máy bơm có công suất 4000m3/giờ, đồng thời tiến hành nạo vét một số vị trí để đặt bơm nước về nhà máy xử lý.
 
Đến tối 11-7-2020, nhà máy nước sạch đã trở lại hoạt động bình thường và cung cấp nước sạch sinh hoạt cho các xã vùng Nam. Thế nhưng theo ông Hảo, tình trạng nắng nóng còn tiếp tục kéo dài thì các trạm bơm sẽ phải thay đổi vị trí liên tục để bảo đảm nguồn nước đầu vào. Mỗi lần như vậy sẽ mất 2-3 ngày, thời gian và khả năng cung cấp nước sạch sẽ bị gián đoạn. Những ngày sắp tới, nếu không có mưa thì nguy cơ thiếu nước sạch sinh hoạt dài ngày sẽ xảy ra.
X.Phú