Sơ kết công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp toàn quốc 6 tháng đầu năm 2020 

Ngày 17/7/2020, tại TP. Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với 63 điểm cầu Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương nhằm sơ kết công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương, Trưởng ban Nội chính Trung ương chủ trì hội nghị tại điểm cầu trung ương. Tham dự hội nghị và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Trần Hải Châu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy.


Đồng chí Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Hải Châu Phát biểu tham luận tại hội nghị
Đồng chí Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Hải Châu Phát biểu tham luận tại hội nghị
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã bám sát sự chi đạo, hướng dẫn của Trung ương, tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị ở địa phương để triển khai, thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ theo Quy định số 04-QĐi/TW và các nhiệm vụ do tỉnh ủy, thành ủy giao, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các mặt công tác; tham mưu toàn diện cho cấp ủy trong các lĩnh vực nội chính, PCTN và CCTP. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, hiệu quả, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực; công tác tham mưu giúp tỉnh ủy chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án đã được đẩy mạnh theo hướng chất lượng, hiệu quả, kịp thời. 
Công tác tham mưu giúp người đứng đầu cấp ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân được thực hiện đạt kết quả cao, tạo được niềm tin của cán bộ, đảng viên vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương. 
Tại tỉnh Quảng Bình, 6 tháng đầu năm 2020, các cơ quan trong khối nội chính đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành để thực hiện tốt nhiệm vụ giải quyết các vụ việc nổi lên về an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, tình hình liên quan đến dịch bệnh Covid-19, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. 
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được chỉ đạo, triển khai thực hiện nền nếp; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng được tăng cường; các vụ việc, vụ án có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật. 
Các cơ quan trong khối nội chính đã kịp thời sửa đổi, bổ sung một số định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu ngân sách nhà nước địa phương phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn; gắn với thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã tập trung thảo luận về kết quả thực hiện các lĩnh vực công tác và đề xuất giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020. 
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đồng chí Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình Trần Hải Châu đã nhấn mạnh về những kinh nghiệm, kết quả đạt được sau 2 năm thực hiện Quy định số 04-QĐi/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc tỉnh ủy, thành ủy tại tỉnh Quảng Bình. Theo đó, việc Ban Bí thư ban hành Quy định 04 đã kịp thời khắc phục những bất cập của Quy định số 183 trước đây, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vị thế, vai trò của Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy.  
Mặc dù không còn Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, nhưng hiệu quả mặt công tác quan trọng này của cấp ủy cấp tỉnh không vì thế mà giảm sút, ngược lại, vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng nhờ vào cơ quan tham mưu tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. 
Nhiệm vụ kiểm tra, giám sát được quy định rõ vai trò chủ trì, vai trò phối hợp trong QĐ 04 đã giúp cho công tác kiểm tra, giám sát về NC, PCTN của địa phương được tăng cường. Bên cạnh tham gia thực hiện Chương trình KT, GS toàn khóa của Ban TVTU, Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình đã tham mưu Chương trình công tác về PCTN hằng năm của BTV Tỉnh ủy. Đây là một nét mới, nâng cao hoạt động công tác PCTN của địa phương, theo đó các đ/c UVBTV đều được phân công lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ riêng trong tổng hòa chung công tác PCTN hằng năm của BTVTU. Ngoài ra, trong Chương trình có quy định về kiểm tra của BTV TU về các lĩnh vực có tiềm ẩn nguy cơ dễ xảy ra tham nhũng như đất đai, tài chính, tài nguyên, tổ chức – cán bộ... 
Nhiệm vụ tiến nhận, xử lý đơn thư KNTC gửi đến Tỉnh ủy, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các đơn thư được TT Tỉnh ủy giao, chủ trì và phối hợp tiếp công dân được cụ thể hóa vào Quy định 04 đã giúp cho Ban nội chính các tỉnh ủy làm tốt, ngày càng nền nếp nội dung mà trước đây chỉ mới được Thường trực Tỉnh ủy QB giao tiếp nhận và xử lý tham mưu một số đơn thư liên quan đến lĩnh vực NC và PCTN.
Để làm tốt nhiệm vụ tiếp nhận, phân loại, nghiên cứu để kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy xử lý những đơn thư có nội dung quan trọng, Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình đã tổ chức nắm vụ việc qua làm việc với các cơ quan, địa phương liên quan, tham vấn các tổ chức như hội luật gia, đoàn luật sư... để có báo cáo tình hình sát, đúng, đề xuất phương án xử lý, giải quyết khả thi, đúng pháp luật; tham mưu BTV Tỉnh ủy thành lập Tổ công tác của đ/c Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra, rà soát một số vụ việc phức tạp, kéo dài, dư luận quan tâm gồm các đồng chí lãnh đạo UBKT Tỉnh ủy, BNCTU, Thanh tra tỉnh, đ/c Bí thư cấp ủy cấp huyện nơi có vụ việc xảy ra để tranh thủ thế mạnh của từng ngành, từng lĩnh vực, tạo sự đồng thuận trong tham mưu TT tỉnh ủy xử lý, giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài.  
Công tác tiếp công dân thường xuyên và đột xuất được quan tâm triển khai thực hiện. Cán bộ tiếp dân được lựa chọn là những đ/c có kinh nghiệm, kiến thức trong lĩnh vực pháp luật, có khả năng vận động, thuyết phục; đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, hướng dẫn, giải thích cho người khiếu nại, tố cáo; nhiều trường hợp qua hướng dẫn, giải thích, công dân đồng thuận không tố cáo, khiếu nại nữa; hoặc giải tán, không tụ tập đông người gây mất an ninh, trật tự.  
Qua thực hiện Quy định số 04, Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình đã mạnh dạn, chủ động hơn trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, nổi bật là tham mưuBan Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh  lãnh đạo các cơ quan tư pháp tiếp tục sắp xếp lại tổ chức và hoạt động theo hướng thu gọn đầu mối; chất lượng hoạt động các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng cao, góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền của bị can, bị cáo và các đương sự trước tòa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; chất lượng trợ giúp pháp lý nhà nước được nâng lên...
Đồng chí Trần Hải Châu đề nghị Ban Nội chính Trung ương cần rà soát lại hệ thống các quy chế phối hợp ban hành khi Quy định số 183 có hiệu lực để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và Quy định số 04; làm cơ sở để các địa phương căn cứ sửa đổi, bổ sung các quy chế phối hợp liên quan, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác phối hợp. Ban Nội chính Trung ương cần sớm ban hành quy định về tiếp nhận, xử lý đơn thư của ngành nhằm thực hiện thống nhất toàn quốc. Với những chức năng, nhiệm vụ riêng rất đặc thù, ngành Nội chính cần có một số tiêu chuẩn riêng, “hữu cơ” trong công tác cán bộ, như cán bộ ngành nội chính cần có kỹ năng, kinh nghiệm công tác trong các cơ quan bảo vệ pháp luật...
VBP
(BNC Tỉnh ủy)