Khởi sắc nhờ phát triển hạ tầng 
Những năm qua, huyện miền núi Minh Hóa tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng. Nhiều công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…
Là một huyện miền núi, biên giới, Minh Hóa xác định các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của địa phương. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, Minh Hóa đã cụ thể hóa và vận dụng tốt các nguồn vốn chương trình, dự án (135, 30a…) của Trung ương, sự hỗ trợ của tỉnh để tập trung huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
 
Lên với Minh Hóa hôm nay, chúng tôi chứng kiến nhiều công trình “điện, đường, trường, trạm” đã và đang được xây dựng đồng bộ, khang trang, tạo nên một diện mạo mới ở huyện miền núi, biên giới này. Tọa lạc ngay trung tâm thị trấn Quy Đạt, công trình Nhà thi đấu thể thao có kiến trúc hiện đại, không gian hài hòa, phù hợp tổ chức các giải thi đấu thể thao quy mô cấp tỉnh và các sự kiện lớn của huyện, vừa được khánh thành đưa vào sử dụng. Công trình có tổng mức đầu tư trên 18 tỷ đồng, là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Minh Hóa lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025.
  Nhà thi đấu thể thao huyện Minh Hóa, công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Minh Hóa lần thứ XXI.
Nhà thi đấu thể thao huyện Minh Hóa, công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Minh Hóa lần thứ XXI.
Những ngày này, công trình đường giao thông từ thị trấn Quy Đạt qua xã Xuân Hóa nối với xã Hóa Hợp có mức đầu tư 15 tỷ đồng cũng đang được thi công. Đây là một trong những công trình trọng điểm của huyện Minh Hóa trong năm nay. Với người dân các xã Hóa Hợp, Hóa Sơn, khi công trình hoàn thành, bà con sẽ rút ngắn được khoảng cách hơn 10km khi về trung tâm huyện. Ông Cao Tiến Sơn, ở xã Hóa Sơn không giấu được niềm vui, chia sẻ: “Hết rồi cảnh phải đi vòng xa xôi mỗi khi về huyện. Bà con bây giờ đi TT. Quy Đạt để mua bán, khám chữa bệnh... sẽ không tốn nhiều công sức và thời gian!”.
 
Không chỉ có 2 công trình nêu trên, thời gian qua, nhờ sự quan tâm đầu tư xây dựng từ các nguồn vốn của Trung ương và tỉnh, huyện Minh Hóa đã từng bước đầu tư nhiều công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu khác để phục vụ nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Những công trình thiết yếu đó đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, đặc biệt là các xã biên giới đi lại, khám chữa bệnh, học hành, giao lưu, học hỏi, trao đổi hàng hóa, xóa đói giảm nghèo…
 
Ông Đinh Duy Hòa, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính huyện Minh Hóa cho biết, trong 5 năm qua, từ nguồn vốn chương trình 30a, 135 và các nguồn vốn huy động được, huyện đã đầu tư trên 667 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, như: giao thông, trường học, nước sạch, điện lưới, thủy lợi và các công trình phúc lợi khác. Đến nay, 100% số xã ở Minh Hóa có đường ô tô về trung tâm xã; các tuyến quốc lộ trở thành mạng lưới giao thông thuận tiện, mở ra cơ hội giao thương giữa các vùng, miền; 100% số xã có trường học các cấp và các điểm trường mầm non…
 
Các trạm y tế xã trên địa bàn huyện Minh Hóa được xây dựng kiên cố, phục vụ tốt việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; 100% số xã phủ sóng phát thanh, truyền hình; mạng điện thoại di động và mạng Internet đã về đến trung tâm xã; 100% số xã có điện lưới quốc gia và điện năng lượng mặt trờivới tỷ lệ hộ dùng điện đạt 100%...
 
Trọng Hóa là một xã miền núi biên giới, địa bàn rộng, phức tạp và có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống nhất huyện Minh Hóa. Hiện xã Trọng Hóa có 17 bản, nhiều bản nằm sát biên giới Việt-Lào, cách trung tâm xã gần 50km. Ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã cho biết, những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh và của huyện Minh Hóa, cơ sở hạ tầng ở xã Trọng Hóa đang dần được hoàn thiện.
 
Đến nay, hệ thống đường giao thông từ trung tâm xã và Quốc lộ 12A đến các bản làng đều đã được cứng hóa; 100% số hộ trong xã đã có điện sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất; các trường học, điểm trường trên địa bàn đã cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học của con em trong xã.
 
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Hồ Kiên ở bản Dộ-Tà Vờng  tự hào: "Chưa bao giờ miềng thấy bản làng cũng như đời sống của bà con có sự đổi thay đổi lớn như hôm nay. Trước đây, có việc gì phải về xã, bà con phải đi bộ gần cả ngày đường; còn bây giờ đường giao thông đã vào đến bản rồi.
 
Con cháu trong bản cũng đã được học trong những lớp học kiên cố. Nhờ được Nhà nước đầu tư đường sá, bà con có điều kiện đi lại, giao lưu với miền xuôi nhiều hơn nên học được nhiều cái hay, cái tốt lắm. Từ cuộc sống phụ thuộc vào việc trồng lúa rẫy bấp bênh, hiện nay, bà con đã biết chăn nuôi thêm con bò, con dê; đặc biệt bà con đã biết trồng rừng kinh tế…, nên cuộc sống dần ổn định hơn".
 
Có thể khẳng định, cơ sở hạ tầng đang ngày càng được đầu tư đồng bộ đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong toàn huyện. Vùng cao Minh Hóa đang khởi sắc từng ngày, cuộc sống của người dân cũng ngày càng ấm no.
Theo baoquangbinh.vn