Sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, xây dựng Quảng Trạch phát triển nhanh, bền vững 
Nhân dịp Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Quảng Trạch lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Xuân Đạt, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch.
 P.V: Sau hơn 6 năm điều chỉnh địa giới hành chính huyện theo Nghị quyết số 125/NQ-CP của Chính phủ, Quảng Trạch đã đạt được những thành tựu nổi bật nào, thưa đồng chí?
 
Đ/c Nguyễn Xuân Đạt: Sau hơn 6 năm chia tách địa giới hành chính huyện theo Nghị quyết số 125/NQ-CP của Chính phủ, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên với sự đồng lòng, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, huyện Quảng Trạch đã tập trung phát huy mọi tiềm năng, nội lực để phát triển kinh tế-xã hội và đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
 
Các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.Chương trình “Dồn điền, đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2016-2020" của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện được triển khai tích cực, đã khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, hình thành được các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay, 12/14 xã hoàn thành dồn điền đổi thửa.
 
Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 3,33%/năm; sản lượng lương thực ước đạt 39.456 tấn, vượt 256 tấn so với Nghị quyết đề ra. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi đã hình thành nhiều mô hình sản xuất mới đưa lại giá trị kinh tế gấp 1,5-2 lần so với trồng lúa. 
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân Quảng Trạch.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân Quảng Trạch.
Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp tiếp tục thu hút vốn đầu tư phát triển, chất lượng dần được nâng cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng, tạo động lực cho các ngành kinh tế khác phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng bình quân hàng năm tăng 12,24%, chiếm tỷ trọng 48,33% tổng giá trị sản xuất.
 
Một số dự án, nhà máy tại Khu kinh tế Hòn La được duy trì hoạt động hiệu quả, đặc biệt dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch cũng được tái khởi động hứa hẹn mang lại sự thay đổi về kinh tế-xã hội cho địa phương.
 
Các cơ sở sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống, nghề mới có tiềm năng được quan tâm đầu tư và đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, huyện cũng đã có 2 sản phẩm OCOP được xếp hạng cấp tỉnh (từ 3 sao trở lên), gồm: dầu lạc nguyên chất Trường Thủy và bánh mè xát Tân An.
 
Công tác đào tạo nghề và tạo việc làm mới được chú trọng. 5 năm qua, huyện đã giải quyết việc làm cho 24.641 lao động, có 2.641 người tham gia xuất khẩu lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 38,5%. Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn huyện có 2.926 hộ thoát nghèo. Bình quân hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,07%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 2,67%; hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,21%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 6,5%.
 
Hạ tầng giao thông tiếp tục được đầu tư phát triển, hơn 100 công trình giao thông được xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng gắn với quy hoạch nông thôn mới. Tại trung tâm huyện lỵ, 17 công trình do huyện quản lý với tổng mức đầu tư trên 600 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, như: trụ sở làm việc các cơ quan cấp huyện, các trục đường giao thông nối trung tâm huyện với Quốc lộ 1A, thị xã Ba Đồn; hệ thống lưới điện, đường truyền Internet cơ bản đã được kết nối bảo đảm cho hoạt động sản xuất và phục vụ dân sinh.
 
Nhiều công trình hạ tầng quan trọng được đầu tư xây dựng, như: tuyến đường nối Khu công nghiệp Hòn La với Khu Công nghiệp xi măng tập trung Tiến- Châu-Văn Hóa; tuyến đường ven biển nối từ đường vào Khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa đến phía Bắc Cầu Roòn và hệ thống đường Khu công nghiệp Hòn La..., đã tạo động lực phát triển cho vùng kinh tế biển, Khu kinh tế Hòn La.
 
P.V: Vậy, xin đồng chí cho biết những khó khăn, thách thức mà Quảng Trạch phải đối mặt trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển?
 
Đ/c Nguyễn Xuân Đạt: Quảng Trạch nằm phía Bắc của tỉnh, phía Nam giáp thị xã Ba Đồn, phía Bắc giáp với tỉnh Hà Tĩnh, phía Tây giáp huyện Tuyên Hóa và phía Đông giáp biển Đông, với chiều dài bờ biển là 24,4km. Quảng Trạch có Quốc lộ 1A và Quốc lộ 12A nối liền Quốc lộ 1A và cửa khẩu Cha Lo thông qua nước bạn Lào.
 
Mặc dù ở vị trí địa lý quan trọng, tuy nhiên, thời gian qua, huyện vẫn chưa khai thác hết lợi thế để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Việc liên kết với các địa phương để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện chỉ mới dừng lại ở góc độ hợp tác mang tính đơn lẻ, phát sinh theo từng hoạt động cụ thể ở các địa phương. 
Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Nguyễn Xuân Đạt kiểm tra tiến độ thực hiện dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch.
Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Nguyễn Xuân Đạt kiểm tra tiến độ thực hiện dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch.
Hệ thống kết cấu hạ tầng của huyện vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, tính kết nối thấp, làm hạn chế việc khai thác các tiềm năng, lợi thế của huyện. Một số dự án lớn có tính chất động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng chưa được triển khai như dự kiến hoặc chậm so với tiến độ, như: Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, Khu Sunspa-Resort Vũng Chùa-Đảo Yến ..., ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của huyện.
 
Năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm nông nghiệp chưa cao. Các sản phẩm chủ yếu mới qua sơ chế nên giá trị chưa cao. Các mô hình sản xuất nhỏ lẻ, chưa hình thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Khu vực dịch vụ chỉ mới đáp ứng nhu cầu hoạt động nội bộ huyện (thương mại, vận tải), ngành dịch vụ du lịch có nhiều lợi thế nhưng chưa được khai thác có hiệu quả.
 
P.V:  Thưa đồng chí, để tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, Quảng Trạch sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này như thế nào?
 
Đ/c Nguyễn Xuân Đạt: Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên và thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong giai đoạn 2020-2025, cấp ủy, chính quyền huyện xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
 
Trước hết, Quảng Trạch tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xây dựng các tiểu vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, các trang trại quy mô lớn phù hợp với tiềm năng, lợi thế đất đai và lao động. Phát triển nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với chế biến hải sản, trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện.
 
Bên cạnh đó, tranh thủ các chương trình, dự án để hỗ trợ ngư dân, xây dựng đội tàu khai thác, đánh bắt xa bờ có hiệu quả theo hướng bền vững. Quan tâm đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi, chủ động khai thác có hiệu quả các hồ đập phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Phấn đấu giá trị sản phẩm nông nghiệp bình quân đạt 60-65 triệu đồng/ha/năm. 
 
Đối với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các cụm điểm công nghiệp, hỗ trợ hình thành và phát triển các làng nghề. Khảo sát xác định lại một số mặt hàng chủ lực và có kế hoạch đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, như: mây xiên, tinh dầu tự nhiên, nước mắm truyền thống, cá trắm, chắt chắt, hạt tiêu, rượu sim, rau củ quả VietGAP... Ngoài ra, huyện sẽ tập trung đầu tư hỗ trợ vốn khuyến công cho những sản phẩm OCOP của huyện và những sản phẩm mới.
 
Cùng với đó, tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các khu nghỉ dưỡng ven biển. Tập trung phát triển trung tâm du lịch trọng điểm Vũng Chùa-Đảo Yến gắn với phát huy lợi thế của cụm di tích Hoành Sơn quan, đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, khu mộ Đại tướng, làng bích hoạ Cảnh Dương. Phấn đấu đến năm 2025, du lịch có sự chuyển biến mạnh mẽ, dần trở thành lĩnh vực kinh tế đóng góp quan trọng trong cơ cấu ngành dịch vụ của huyện.
 
Để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, huyện sẽ huy động có hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, kết hợp với ngân sách địa phương và nguồn vốn khác để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, chú trọng đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế biển, Khu kinh tế Hòn La, quy hoạch vùng Nam Hà Tĩnh-Bắc Quảng Bình, hệ thống dịch vụ hành lang Quốc lộ 12A; nâng cấp hệ thống đê, kè chống xói lở bờ sông, ven biển. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng tại trung tâm huyện lỵ, như: chợ, trường học, đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân, qua đó, dần đưa trung tâm huyện lỵ ngày càng phát triển và cơ bản đủ điều kiện công nhận đô thị loại V.
 
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!
 
Theo Đoàn Nguyệt, baoquangbinh.vn