Thêm yêu Đồng Hới qua những thanh âm 

Đồng Hới, thành phố gắn liền với dòng sông Nhật Lệ hiền hòa từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của các văn, nghệ sỹ, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc. Chính những người con Đồng Hới và cả bao người yêu Đồng Hới đã kiến tạo nên một thành phố bằng những thanh âm như một lời mời gọi du khách thập phương đến với thành phố trẻ và cũng là niềm thương, nỗi nhớ của người Đồng Hới xa quê.

 
 Trong sáng tác âm nhạc về Đồng Hới, có rất nhiều ca khúc hay, lấy nguồn cảm hứng từ sông, biển Nhật Lệ. Đó là những ca khúc tiêu biểu như: Bài ca sông Nhật Lệ (Nhật Lai), Nhớ Nhật Lệ (Trần Hoàn), Nhật Lệ hoa hồng (Lê Anh), Tình sông Nhật Lệ (Dương Viết Chiến, thơ Đặng Thị Kim Liên)… Nhiều ca khúc ngay từ khi ra đời đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, điển hình như “Nhớ Nhật Lệ” của cố nhạc sỹ Trần Hoàn.
 
Với ca từ giản dị, giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng như lời thủ thỉ, tâm tình, nhạc sỹ đã gửi gắm tình yêu, nỗi nhớ dành cho thành phố qua từng câu, từng chữ: “Đã nhiều năm tôi chưa về Nhật Lệ/Nhớ biển, nhớ đồng, nhớ sông, nhớ núi/Nhớ câu hò vắt ngang qua thuyền lưới/Nhớ Đồng Sơn, Đồng Phú, Bảo Ninh/Nhớ rất nhiều những cặp mắt đẹp xinh/Đã nhiều năm chưa về Nhật Lệ/Chẳng biết giờ những gì đổi thay/Những hàng dương còn ngắm biển Đông/Có thì thào với ngọn sóng mênh mông/Sao mà nhớ, nhớ vô cùng!”…
 Vẻ đẹp của thành phố Đồng Hới luôn là nguồn cảm hứng bất tận của các nhạc sỹ.
Vẻ đẹp của thành phố Đồng Hới luôn là nguồn cảm hứng bất tận của các nhạc sỹ.
Một trong những tác phẩm được phổ biến rộng rãi nhất là “Nhật Lệ trăng huyền thoại” của nhạc sỹ Hoàng Sông Hương (thơ Lý Hoài Xuân). Đó là ca khúc được nhiều đoàn nghệ thuật chuyên và không chuyên chọn biểu diễn trong các sự kiện văn hóa của tỉnh và các địa phương.
 
Nhà thơ Lý Hoài Xuân kể rằng, bài thơ “Nhật Lệ trăng huyền thoại” được ông sáng tác từ năm 1992. Trong một lần cùng bạn bè, khách quý thưởng thức đặc sản biển tại một nhà hàng nổi trên sông Nhật Lệ, Lý Hoài Xuân bị cuốn hút bởi cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, dòng sông dịu êm, ánh trăng ngời sáng, nhịp dập dềnh của từng con nước… Không để cảm xúc thẩm mỹ qua đi, nhà thơ vội lấy mảnh giấy nhỏ và ghi chép lại. Thế là những câu thơ lần lượt ra đời: “Bập bềnh ru ngọn sóng/Điệu hát tình lênh đênh/Nhật Lệ trăng huyền thoại/Sóng vỗ, trào tim anh…”. 
 
Viết xong, ông vội cất vào túi áo và về nhà đem ra xem lại, chỉnh sửa. Trong một dịp gặp gỡ, trò chuyện với nhạc sỹ Hoàng Sông Hương, ông khoe với nhạc sỹ về bài thơ mới của mình và sau một thời gian, Hoàng Sông Hương đã phổ thơ thành nhạc. Chính nhạc sỹ Hoàng Sông Hương là người đầu tiên thể hiện ca khúc này cho nhà thơ Lý Hoài Xuân nghe.
 
Nhà thơ Lý Hoài Xuân tâm sự: Ông rất hạnh phúc là tác phẩm của mình được nhạc sỹ giữ gần như nguyên vẹn, chỉ thay một chữ “tranh” bằng chữ “xanh”. Nhạc sỹ Hoàng Sông Hương trao đổi với nhà thơ Lý Hoài Xuân về việc đổi chữ “tranh” trong câu “Phải vì dòng sông tranh/Hay vì say hồng nở?”, là ví dòng sông đẹp như một bức tranh thành chữ “xanh” vì chữ “tranh” tuy ý đẹp nhưng khi vào nhạc sẽ khó hát, chưa kể là các ca sỹ thường hát chệch từ chữ “tr” sang “ch” thì sông “tranh” thành sông “chanh” sẽ gây khó hiểu cho người nghe…
 
Đề xuất đó của nhạc sỹ Hoàng Sông Hương được nhà thơ Lý Hoài Xuân chấp thuận. Ca khúc được bộ ba ca sỹ nổi tiếng của Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình thời đó là Thùy Linh, Hoài Thương, Khánh Hồng thể hiện và nhanh chóng được công chúng yêu nhạc đón nhận.
 
Trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của mình, nhạc sỹ Hoàng Sông Hương đã dành nhiều thời gian, tâm sức cho các ca khúc có chủ đề về quê hương, trong đó có nhiều ca khúc viết về thành phố Đồng Hới. Nổi bật là ca khúc “Phố biển tình anh”, phổ thơ Văn Lợi. Có thể nói, đây là tác phẩm âm nhạc thể hiện khá trọn vẹn về một thành phố trẻ đang trên đà phát triển. Đi qua chiến tranh, qua những tháng ngày gian khổ nhưng “vẫn vững tay chèo đi tới” và hướng đến những ngày mới tươi đẹp hơn.
 
Nhạc sỹ Quách Mộng Lân cũng có nhiều ca khúc hay về Đồng Hới, trong đó có ca khúc “Đồng Hới và em”. Mượn lời tâm tình của một chàng trai xa quê có dịp trở về, nhạc sỹ Quách Mộng Lân viết: "Có phải không em Đồng Hới quê ta trên đường đi tới/Tháp chuông nhà thờ, Nhật lệ bóng nước nghiêng soi/Và những con đường vọng lên những áng thơ tuyệt vời/Đi bên em gió căng lồng ngực, nghe tương lai gợi về náo nức/Và lòng tôi, tình yêu cháy rực/Đồng Hới và em mãi mãi là nguồn thơ”.
 
Ngoài ra, còn có rất nhiều ca khúc ca ngợi cảnh quan thiên nhiên, phản ánh sự đổi thay mạnh mẽ, toàn diện của thành phố như: “Đồng Hới ngày tôi về” (Tân Huyền), “Nàng tiên Mỹ Cảnh”, “Thành phố bình minh” (Hoàng Sông Hương), “Đồng Hới vào xuân” (cố nhạc sỹ Trung An)… và ca khúc mới “Đồng Hới thành phố tôi yêu” của tác giả Nguyễn Hoàng Anh. Không chỉ được Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình và các đội văn nghệ ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương biểu diễn trên các sân khấu, một số tác phẩm âm nhạc viết về Đồng Hới còn được nhận những giải thưởng quan trọng của các cấp, các ngành.
 
Trải qua thời gian, nhiều tác phẩm âm nhạc về Đồng Hới được tập hợp trong các tập ca khúc như: "Đồng Hới vào xuân", "Phố biển tình anh", "Tình sông Nhật Lệ", "Đồng Hới mùa xuân tình yêu"… Qua âm nhạc, đã tái hiện rõ nét quê hương, con người Đồng Hới từ những ngày chiến tranh ác liệt và đang vững bước đi lên trên con đường đổi mới. Chính sự lao động miệt mài của những người nghệ sỹ đã tạo nên một Đồng Hới, trung tâm tỉnh lỵ Quảng Bình đẹp như thơ để mỗi lần người Đồng Hới cất lên từng khúc hát lại thấy yêu hơn mảnh đất này.
                                                                             Theo Nhật Văn, baoquangbinh.vn