Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng Tinh giản biên chế gắn với chuẩn bị nhân sự cấp ủy 

Chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp cũng là khi tỉnh Hòa Bình thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm hàng chục đầu mối ở mỗi cấp và gần một phần ba số lượng đơn vị hành chính cấp xã. Một khối lượng công việc vô cùng lớn, phức tạp và nhạy cảm, nhất là về nhân sự, giải quyết cán bộ dôi dư, nhưng với cách làm công khai, quyết liệt, thận trọng, hầu hết các đảng bộ đã tổ chức đại hội đều đúng tinh thần chỉ đạo của cấp ủy các cấp và sớm triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đã đề ra.

 Làm từng bước chắc chắn

Sau khi tổ chức đại hội thành công, Nghị quyết đầu tiên của Đảng ủy xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy là xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2020 - 2025 với những lộ trình cụ thể: Năm 2020, có 50% số tuyến đường trong xã, thôn được trồng cây bóng mát, cây cảnh; có một mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm bền vững; 3 trong số 15 thôn đạt khu dân cư nông thôn kiểu mẫu; năm 2021, có ít nhất hai hợp tác xã kiểu mẫu liên kết hoạt động hiệu quả, không còn hộ nghèo,… Đó cũng là những nội dung trọng tâm được thảo luận nhiều tại đại hội và ở các chi bộ. Bí thư Đảng ủy xã Phú Nghĩa, Trần Đức Minh cho biết, sau khi nhập hai xã Cố Nghĩa và Phú Lão thành xã Phú Nghĩa tháng 1-2020, Đảng bộ xã được thành lập và Đảng ủy bắt tay ngay vào chuẩn bị đại hội. Việc nào cũng khó, từ tổng kết, xác định phương hướng nhiệm kỳ đến kiểm điểm của ban chấp hành đều dựa trên cơ sở của mỗi đảng bộ xã trước đây, nhưng không thể là phép cộng cơ học mà cần có cách nhìn tổng thể. Đánh giá cán bộ để lựa chọn giới thiệu nhân sự cũng vậy, phải nghe từ nhiều phía và thận trọng hơn mới bảo đảm chất lượng, hài hòa các yếu tố, nhất là không để mất đoàn kết, cục bộ vùng miền. Sau đại hội, có 12 cán bộ dôi dư, xã phải tạm thời để họ cùng làm công việc như trước, cho nên, địa chính có bốn người; văn phòng, sáu người; kế toán, văn hóa thông tin, mỗi vị trí có hai người. Việc tổ chức đại hội thành công đã tạo khí thế mới cho Đảng bộ xã triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, như thúc đẩy dự án cáp treo Hương Bình, kết nối điểm du lịch chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) với chùa Tiên, dự án du lịch nghỉ dưỡng huyện Lạc Thủy,...

Không chỉ với Phú Nghĩa, hầu hết các đảng bộ cơ sở trong huyện và Đảng bộ huyện Lạc Thủy, đơn vị chỉ đạo điểm của Tỉnh ủy Hòa Bình đều tổ chức đại hội trong bối cảnh vừa sáp nhập các đơn vị hành chính và mọi việc đều thành công tốt đẹp. Bí thư Huyện ủy Lạc Thủy Bùi Văn Trường bộc bạch, ít khi thấy đại hội nhiệm kỳ nào làm nhiều công việc cùng lúc như lần này, song các đảng bộ đều hoàn thành tốt cả bốn nội dung theo yêu cầu nêu trong Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị. Nhiều vấn đề được thảo luận khá sôi nổi, như giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân chẳng hạn. Khi sáp nhập các xã, Huyện ủy đã gắn việc bố trí cán bộ với công tác nhân sự đại hội và dự kiến từng chức danh cụ thể. Trong quá trình duyệt nhân sự, Huyện ủy luôn lắng nghe, nắm bắt tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; nơi có vấn đề thì lấy ý kiến thăm dò từ các chi bộ và thẩm định thêm lần nữa; có một trường hợp không đủ tiêu chuẩn, Ban Thường vụ quyết định để khuyết và bổ sung sau. Kết quả bầu cử chỉ có một đảng bộ xã bầu thiếu số lượng ban chấp hành một người; ba trường hợp (hai bí thư đoàn xã, một chủ tịch MTTQ xã) không trúng cử như dự kiến.

Sau sáp nhập, huyện Lạc Thủy còn 112 khu dân cư, giảm 30 khu dân cư; từ 15 xã, thị trấn giảm xuống còn 10 xã, thị trấn. Vấn đề là giải quyết hàng trăm cán bộ dôi dư. Theo chủ trương của huyện, số cán bộ còn thời gian công tác ba năm trở lại thì vận động nghỉ trước tuổi với chính sách hỗ trợ phù hợp. 48 công chức cấp xã là cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản thì chấp nhận một vị trí việc làm có thể để hai hoặc ba người cùng đảm nhiệm và sẽ bố trí sắp xếp lại trong 5 năm. Cùng với việc chăm lo công tác cán bộ, Huyện ủy đã ban hành nghị quyết đầu tiên sau đại hội là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Bí thư Huyện ủy Bùi Văn Trường cho rằng, đây là một trong những khâu đột phá của nhiệm kỳ tới, bởi từ đó sẽ tạo niềm tin và huy động sức dân, thu hút đầu tư theo tinh thần nghị quyết của đại hội đã đề ra.

Chỉ đạo, hướng dẫn sát sao

Là người có nhiều năm làm công tác tổ chức - cán bộ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hoàng Minh Tuấn chia sẻ, nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII của Đảng là một trong những nhiệm kỳ có nhiều dấu ấn đối với ngành tổ chức xây dựng Đảng. Để chuẩn bị đại hội trong điều kiện nhiều đơn vị sáp nhập, các ban tổ chức đã chủ động tham mưu cho cấp ủy xây dựng từng kế hoạch, theo dõi sát sao từng trường hợp cụ thể, kịp thời phát hiện, đề xuất cách giải quyết những vụ việc nảy sinh, nhất là nơi có ba, thậm chí bốn xã sáp nhập làm một, nơi có dấu hiệu mất đoàn kết, hoặc còn yếu kém… Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vừa hướng tới mục tiêu tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả vừa được các cấp ủy xác định là bước tiền đề cho công tác nhân sự đại hội. Khó và phức tạp là khâu đánh giá, sàng lọc cán bộ; số dôi dư nhiều như vậy thì “ai đi, ai ở”, rất cần cái tâm và cái tầm của cấp ủy cũng như những người làm công tác này. Phương châm là dựa vào đánh giá của tập thể trên cơ sở hiệu quả công việc và kết quả đánh giá cán bộ hằng năm. Từ đó, mới điều chuyển, bố trí, sắp xếp lại các chức danh trong một địa phương, cơ quan; giữa các cơ quan, các ngành, chuẩn bị một bước cho nhân sự cấp ủy gắn với kiện toàn cơ quan, tổ chức bộ máy sau sáp nhập. Chỉ tiến hành sáp nhập khi công tác cán bộ được chuẩn bị kỹ lưỡng và nhận được sự đồng thuận của các đơn vị sáp nhập. Mặt khác, các cơ quan dừng tuyển cán bộ, công chức mà ưu tiên để đón cán bộ dôi dư cấp dưới lên, nhưng phải bảo đảm tiêu chuẩn và phù hợp. Số đầu mối bên trong các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội,… giảm đáng kể, song hoạt động hiệu quả là do bố trí cán bộ đúng người, đúng việc. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm 59 đầu mối, bằng 28% tổng số xã, phường, thị trấn toàn tỉnh; theo đó số cán bộ, công chức dôi dư là 1.053 người, số hoạt động không chuyên trách dôi dư 745 người. Đối với cấp huyện, huyện Kỳ Sơn nhập vào thành phố Hòa Bình và số cán bộ dôi dư là 98 người. Riêng việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện đã giảm số chi thường xuyên tính đến năm 2020 là 170,410 tỷ đồng.

Hòa Bình là tỉnh có 74% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số; địa hình chia cắt và có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sáp nhập các cơ quan, đơn vị và tổ chức đại hội đảng bộ. Vì thế, ngay từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo sát sao và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, theo dõi cấp ủy cấp dưới nhất là những nơi dễ nảy sinh phức tạp. Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, yêu cầu của tỉnh là quá trình tinh giản biên chế phải đúng người và gắn liền với công tác nhân sự mà mục tiêu là ban chấp hành các cấp khóa mới phải bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, cơ cấu; đồng thời áp dụng chính sách tốt nhất có thể đối với cán bộ dôi dư. 

Tuy còn nhiều việc phải làm, nhưng tỉnh Hòa Bình đã có bước đi phù hợp, hiệu quả trong quá trình gắn tinh giản biên chế với công tác nhân sự đại hội.

Theo nhandan.com.vn