Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử: Trong năm 2020, cung cấp ít nhất 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 
Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) với các Ban chỉ đạo (BCĐ) xây dựng CPĐT bộ, ngành và BCĐ xây dựng chính quyền điện tử 63 tỉnh, thành phố vào chiều 26-8.
 
Đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Quảng Bình.
Đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Quảng Bình.
Đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu tại Quảng Bình. Cùng tham dự có thành viên BCĐ xây dựng chính quyền điện tử tỉnh, tổ giúp việc BCĐ xây dựng chính quyền điện tử tỉnh và các đơn vị liên quan.
 
Xác định xây dựng CPĐT là vấn đề lớn, vấn đề mới, thúc bách để đưa đất nước phát triển, thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, chính quyền các địa phương đã tập trung triển khai thực hiện và đạt được những bước tiến quan trọng: xếp hạng chỉ số phát triển CPĐT chung của Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 Châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Chỉ số tổng hợp của Việt Nam là 0,6667, cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao (theo báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển CPĐT năm 2020 của Liên Hợp Quốc công bố tháng 7-2020). 
 
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, sau hơn 8 tháng hoạt động, đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 1.039 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Cổng Dịch vụ công quốc gia nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, doanh nghiệp, đã đạt trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235.000 tài khoản đăng ký; hơn 15 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 295.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến trên Cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 24.000 cuộc gọi và 7.800 phản ánh, kiến nghị…
 
Đến tháng 7-2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 trung bình cả nước đạt khoảng 15,91%. Có 9 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 11 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ DVCTT mức độ 4 trên 30%, trong đó Bộ Y tế và Bộ Thông tin-Truyền thông (TT-TT) có tỷ lệ dịch vụ công mức độ 4 đạt 100%.
 
Tại hội nghị, một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm, cách làm về CPĐT, Chính phủ số, chuyển đổi số… cũng như thẳng thắn nêu lên những tồn tại, bất cập trên thực tế trong quá trình triển khai thực hiện để cùng bàn thảo đưa ra các chủ trương, biện pháp mới để tháo gỡ, thúc đẩy CPĐT ở Việt Nam. 
 
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Y tế, Bộ TT-TT đã chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), phát huy, tận dụng tối đa hạ tầng công nghệ số để góp phần cùng xã hội vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam, được thế giới đánh giá là điểm sáng. Thủ tướng cũng biểu dương các doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu như Viettel, VNPT, BKAV… đã đóng góp nhân lực, tài lực vào phòng chống dịch, đầu tư xây dựng các ứng dụng xử lý, phân tích tình hình dịch bệnh, truy vết tiếp xúc người nhiễm bệnh như Bluezone, NCovi…
 
Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, các nền tảng CPĐT được phát triển nhanh. Số lượng các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh được xây dựng tăng đột biến, trong 6 tháng qua, tỉ lệ bộ, tỉnh có nền tảng này tăng hơn 3 lần (tháng 2-2020 mới chỉ có 25 bộ, tỉnh có nền tảng tương ứng 27%, nhưng đến tháng 7 đã có 76 bộ, tỉnh có nền tảng, tương ứng 82,6%). Hiện nay, tỷ lệ DVCTT mức độ 4 được cung cấp khoảng 15,9%, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước đi vào nền nếp, với tỷ lệ đạt khoảng 88,5% (sát với mục tiêu năm 2020 đạt 90% nêu trong Nghị quyết 17).
 
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại cần sớm khắc phục. Đó là môi trường pháp lý cho CPĐT chưa hoàn thiện, một số nghị định quan trọng vẫn chưa được ban hành (bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh, xác thực điện tử). Tỷ lệ DVCTT mức độ 4 vẫn thấp và nếu không có cách làm mới sẽ không thể đạt mục tiêu 30% trong năm 2020. Đến thời điểm hiện nay, vẫn còn 8 bộ, 25 tỉnh tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 dưới 10%, đây là con số đáng báo động. Một số cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển CPĐT vẫn chậm được triển khai, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai; vấn đề an toàn, an ninh mạng chưa được đầu tư đúng mức. 
 
Thủ tướng đề nghị triển khai ngay một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Trước hết là về thể chế, Bộ Công an cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ xem xét ban hành trong năm 2020. Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ TT-TT hoàn thành các thủ tục trình Chính phủ xem xét ban hành nghị định về định danh và xác thực điện tử, phấn đấu hoàn thành trong quý III/2020. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cung cấp DVCTT mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020, hướng đến năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4… 
 
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh trong tháng 10-2020 và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải làm gương về áp dụng CNTT. Các bộ, ngành, địa phương hoàn thành triển khai biện pháp giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung và kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trong năm 2020…
Theo baoquangbinh.vn