Nhớ tiếng mõ 
Vâng, chúng tôi đang nói đến tiếng mõ. Cuối tháng 8 dương lịch hàng năm, ai đến Lệ Thủy đều nghe tiếng mõ. Tiếng mõ càng rộn ràng hơn, hối hả hơn khi càng gần đến Ngày Quốc khánh 2-9.  
 Mỗi miền quê có những hoạt động chào mừng ngày lễ trọng của đất nước khác nhau. Với Lệ Thủy, hoạt động nổi bật, chủ đạo chào mừng Quốc khánh 2-9 là đua bơi trên dòng Kiến Giang. Mà đua bơi thì có thể coi tiếng mõ là… linh hồn. Vì sao vậy? Tiếng mõ vang xa và có một sắc thanh khá độc đáo, rất khó diễn tả bằng lời. Nhưng điều quan trọng mà không phải ai cũng tỏ tường là tiếng mõ đang làm một nhiệm vụ “đặc biệt” trên mỗi chiếc đò bơi.
 
Từ rất lâu, sau mỗi cuộc đua bơi, tôi đã nghe các bậc cha chú trong làng bàn chuyện rôm rả, như: “Khi nôốc làng ta trở xong, ông Lập thúc mọ (mõ), nôốc vọt lên là biết ta sẽ nhất rồi”, hay “Nôốc làng X đến đoạn trở mà thúc mọ kiểu nớ thì chìm là phải”…
 
"Thúc mọ" là tiếng mõ dày hơn, dồn dập hơn cùng với đó là nhịp chầm cũng nhanh hơn theo tiếng mõ… Ra thế, tiếng mõ là người chỉ huy nhịp chầm, mà nếu coi chầm là “động cơ”, thì nhịp chầm là cái “ga” trên chiếc đò bơi, có thể hiểu một cách “công nghiệp” như vậy.
  Đò bơi hạ thủy chuẩn bị cho cuộc đua.
Đò bơi hạ thủy chuẩn bị cho cuộc đua.
Và có lẽ, ai cũng muốn biết mõ làm bằng chất liệu gì mà… ghê gớm đến thế? Nó được làm bằng… củ tre. Vâng, nếu nói chi tiết về cây tre thì bộ phận này được gọi là củ cũng thấy… đung đúng vì nó không phải là thân tre, cũng chẳng phải rễ tre. Nhưng có lẽ cách gọi thông dụng nhất là gốc tre, mà tiếng địa phương là côộc tre.
 
Những cây tre to lớn, già được chọn đào lấy gốc về khoét ruột làm mõ. Ở làng tôi, tre được chọn làm mõ là giống tre tốt mọc ở bờ sông cuối làng, cạnh một ngôi miếu khá linh thiêng. Mõ có hình dáng vành trăng khuyết, phía ngoài được khoét một rãnh theo chiều cong của mõ. Que gõ mõ làm bằng gỗ tốt, chắc chắn, dài độ 30 phân. Mõ không quá lớn, vừa tay cầm…
 
Tất nhiên với nhiệm vụ đặc biệt như nói ở trên nên không phải ai cũng có thể “cầm mõ” trên chiếc đò bơi là “ý chí”, là “niềm hy vọng” của nghìn người trong làng được. Lớn lên, tôi thấy ông Lập là người gõ mõ đò bơi làng tôi. Ông có dáng tầm thước nhưng nhanh nhẹn. Ông còn hò hay, hát giỏi… Qua bao mùa bơi đua, bao lớp trai bơi lớn tuổi được thay bằng người trẻ hơn, nhưng ông Lập vẫn đứng đó trên chiếc đò bơi của làng với tiếng mõ, tiếng hô quen thuộc. Thế mới thấy rằng, gõ mõ đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao trên mỗi chiếc đò bơi…
 
Bên cạnh nhà tôi có ông bạn vì một tai nạn nghề nghiệp nên bị mù. Bù lại ông có đôi tai thính nhạy. Làng tôi ven sông Kiến Giang, ngược dòng độ nửa cây số là lên trung tâm huyện, nơi tổ chức đua bơi. Tất cả đò bơi các làng phía dưới đều đi ngang qua đoạn sông làng tôi. Ông láng giềng này có biệt tài nghe tiếng mõ có thể đoán được đò bơi của làng nào đang lên vào sáng sớm 2-9, đặc biệt đò bơi xã Hồng Thủy khó lọt qua tai ông.
 
Đấy là cái thời đò bơi xã Hồng Thủy đang “làm mưa, làm gió” trên dòng Kiến Giang mỗi mùa đua bơi cuối những năm bảy mươi. Có lẽ đò bơi Hồng Thủy ở xa trung tâm huyện nhất so với những đò bơi khác, nên sáng 2-9, họ đi từ rất sớm với chặng đi khá dài dễ hơn 10km. Nên để dưỡng sức trai bơi, tiếng mõ khoan thai, điểm từng tiếng một để nhịp bơi chậm rãi.
 
Bởi vậy, tiếng mõ của họ khác hẳn với tiếng mõ của đò bơi làng Mỹ Lộc Thượng, Mỹ Lộc Hạ ở dưới làng tôi tý chút. Đò bơi những làng này chẳng ngại ngần chi để tỏ rõ khí thế của “kẻ mạnh” qua tiếng mõ và chặng đường lên huyện của họ cũng mới làm nóng trai bơi, là sự khởi động cần thiết trước cuộc đua.
 
Những người lớn tuổi ở Lệ Thủy vẫn còn nhớ tới chiếc đò bơi của xã Hồng Thủy giai đoạn đó, nó về nhất mấy năm liền mà luôn bỏ rất xa đò về nhì, họ bơi rất nhàn nhã, ung dung, có thể nói rằng ở một “đẳng cấp” rất khác… Đến những năm gần đây, tôi đã tò mò hỏi lại về chiếc đò bơi này. Ông Lê Đại Xúng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thủy cho biết, đò ấy làm bằng gỗ de. Gỗ de là thứ gỗ khá tốt, nhẹ. Thông tin này chắc là chưa đủ để “giải mã” cho hiện tượng chiếc đò bơi năm nào của Hồng Thủy? Đáng tiếc là sau chiếc đò bơi “huyền thoại” này, Hồng Thủy “mất hút” trong làng bơi đua huyện Lệ Thủy đến bây giờ…
 
Hàng năm vào dịp lễ hội đua bơi, chúng tôi thường về quê. Sáng 2-9, từ rất sớm anh em tôi đã thức dậy. Thực tình có nhiều đêm không ngủ được, thao thức chờ trời sáng. Trời còn tối như mực đã nghe tiếng mõ đổ dồn. Tiếng của ai đó vang lên: "Đò mình đẩy rồi!". Chúng tôi cùng ào cả về bến Rộôc đầu làng để chứng kiến giây phút đò bơi xuống nước chuẩn bị cho trận quyết chiến trong tiếng mõ thúc giục, hối hả…
 
Năm nay, lễ hội đua bơi trên dòng Kiến Giang đã không diễn ra vì dịch bệnh-điều đáng tiếc cho hàng vạn người dân huyện Lệ Thủy và cả người hâm mộ khắp muôn phương. Nhưng tiếng mõ, tiếng reo hò của những mùa đua bơi trước vẫn còn vang vọng trong lòng người hâm mộ.
 
Chúng ta cùng hẹn nhau mùa bơi đua năm sau!
 
                                                                             Theo Văn Hoàng, baoquangbinh.vn