Cơ chế “chuông cứu hỏa” trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng hiện nay Bài 1: Người dân khinh ghét tham nhũng nhưng nhiều người còn “khoanh tay đứng nhìn” 

“Chuông cứu hỏa” là tên gọi mà các chuyên gia quốc tế dùng để chỉ cơ chế phòng, chống tham nhũng (PCTN) từ bên ngoài, thông qua việc phát huy vai trò tích cực của người dân. Đây cũng là vấn đề được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề cập: Quán triệt quan điểm “dân là gốc”, mọi hoạt động của Nhà nước phải thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân để “kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, lãng phí”.

Tại sao lại gọi là cơ chế “chuông cứu hỏa”? Vì người dân chính là nạn nhân của tham nhũng và chính người dân là lực lượng có “trăm tai nghìn mắt” để phát hiện tham nhũng. Nếu Đảng, Nhà nước có cơ chế phát huy vai trò của người dân, đề ra một quy trình hoạt động dựa trên các thủ tục, quy định, luật lệ giúp người dân dễ dàng tham gia PCTN, đó sẽ là những chiếc chuông phát tín hiệu báo “cháy” kịp thời, chính xác nhất.

Có thể khẳng định, từ trong bản chất, Đảng ta, nhân dân ta rất khinh ghét tham nhũng. Chưa bao giờ, công tác PCTN được Đảng ta lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như nhiệm kỳ XII của Đảng; tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn. Nhưng thành công chỉ là bước đầu, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, mà cụ thể là công tác PCTN ở một số địa phương, bộ, ngành chuyển biến chưa rõ rệt. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là việc kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn yếu; tình trạng tham nhũng trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao Đảng và toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm chính trị cao độ như vậy mà công tác PCTN vẫn chưa đạt kết quả tương xứng? Trước đây, chúng ta vẫn nêu lý do cơ chế PCTN chưa hoàn thiện. Nhưng giai đoạn 2013-2020 vừa qua, chúng ta đã chứng kiến nỗ lực rất lớn để hoàn thiện cơ chế PCTN của cả hệ thống chính trị. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu của Đảng đã ban hành hơn 200 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và PCTN; Quốc hội khóa XIII và XIV ban hành hơn 250 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 2.600 nghị định, quyết định, chỉ thị; cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương ban hành hơn 45.000 văn bản; các bộ, ngành, địa phương ban hành gần 88.000 văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện PCTN. Rõ ràng, thể chế PCTN của chúng ta tương đối đầy đủ, bộ máy (thanh tra, kiểm tra, nội chính, công an, viện kiểm sát, tòa án...) PCTN từ bên trong rất mạnh mẽ, hùng hậu. Vậy nhưng, điểm cốt lõi là phát hiện tham nhũng để xử lý thì chưa nhiều. Số lượng các cuộc họp bàn về PCTN ở các cấp gấp rất nhiều lần số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý. Trong đó, số vụ việc tham nhũng do nội bộ các cơ quan công quyền tự phát hiện thông qua tự kiểm tra, tự phê bình và phê bình hầu như không có. Hầu hết các vụ tham nhũng là do người dân và báo chí phản ánh, tố giác. Như vậy, xét đến cùng, người dân là lực lượng nòng cốt, chủ yếu phát hiện ra tham nhũng.

Bài 1: Người dân khinh ghét tham nhũng nhưng nhiều người còn “khoanh tay đứng nhìn”
Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn. 

Thực tế cho thấy, tham nhũng là một “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, rất khó chống và khủng khiếp hơn, nó có thể tự thích nghi với các nỗ lực đánh bại nó. Điều quan trọng nhất của công tác PCTN hiện nay là chúng ta chưa thực sự huy động được sức mạnh của quần chúng nhân dân. Nhân dân ta rất khinh ghét tham nhũng nhưng các cuộc khảo sát cho thấy, người dân không mặn mà với công tác chống tham nhũng mặc cho các cơ quan có trách nhiệm ra sức tuyên truyền, vận động, kêu gọi. Số người dân sẵn sàng tham gia tố cáo tham nhũng vẫn còn rất khiêm tốn. Một cuộc khảo sát được thực hiện ở các thành phố lớn, với câu hỏi “Lý do để không tố cáo tham nhũng” thì có 68% người được hỏi trả lời là do không xác định được hành vi tham nhũng, 14% nghĩ rằng không có hiệu quả; 5% không biết quy trình; 5% sợ không đủ biện pháp bảo vệ và các lý do khác là 8%. Ông Jairo Acuna, cố vấn chính sách của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, một nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy có hơn 85% cán bộ, công chức và gần 80% người làm trong doanh nghiệp khi được hỏi đều trả lời rằng họ không quan tâm đến tố cáo tham nhũng (1). Một khảo sát khác của Tổ chức Minh bạch quốc tế về quan điểm của người dân Việt Nam đối với tham nhũng thì chỉ có 38% số người được hỏi sẵn sàng tố cáo tham nhũng; 51% người dân sợ rằng tố cáo tham nhũng không thay đổi được gì và 28% sợ phải gánh chịu hậu quả (2). Một báo cáo của dự án chống tham nhũng của Ban Nội chính Trung ương thì mức độ phát hiện các vụ tham nhũng ở nước ta chỉ khoảng 5% (3)

Tham nhũng được Đảng ta xác định là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ từ hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII (tháng 1-1994). Như vậy, tính từ thời điểm đó, đã có gần 30 năm chúng ta tiến hành cuộc chiến PCTN nhưng mới chỉ giành được thắng lợi bước đầu. Tại sao người dân lại chưa mặn mà, chưa sẵn lòng tự giác tham gia chống lại một thứ “giặc” mà nhân dân ngàn đời khinh ghét như vậy?

Nguyên nhân trước hết phải tìm từ văn hóa xử thế truyền thống của người Việt Nam. Trải qua nhiều hoạn nạn binh đao trong các cuộc chiến tranh giành và giữ nước, người dân quen với triết lý sống cầu an, ngại va chạm chốn công đường, đề cao "3 không": “Không nhìn, không nghe, không nói”, “mũ ni che tai” nhằm bảo toàn bình yên cho cá nhân và gia đình, dòng họ. Khinh ghét tham nhũng, họ gửi gắm vào ca dao, hò vè, tục ngữ để tự ru ngủ chính mình chứ không dám có hành động đấu tranh thực tế. Đặc biệt, ảnh hưởng từ nếp sống, nếp nghĩ phong kiến vẫn còn dai dẳng; tư duy “vô phúc đáo tụng đình”, thành kiến với những người hay thưa kiện chi phối không chỉ người dân mà cả tầng lớp trí thức.

Nguyên nhân kinh tế cũng là rào cản rất lớn đến hành động chống tham nhũng của người dân. Chi phí cho một vụ tố giác tham nhũng không hề nhỏ trong khi Việt Nam vẫn là nước thu nhập trung bình thấp, phần lớn người dân vẫn sống trong điều kiện “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Kinh tế khó khăn buộc mỗi công dân phải tính toán giữa việc được và mất khi tố giác tham nhũng; thậm chí nhiều người không có thời gian, công sức, tiền bạc để nghĩ đến việc chống tham nhũng. Cùng với đó là tâm lý “ăn theo”, tức là ai cũng muốn chống tham nhũng nhưng không ai chịu ra mặt, không muốn chi phí vào việc chống tham nhũng. Đa số người dân không chịu “vác tù và hàng tổng” mà muốn “khoanh tay đứng nhìn”, thay vì phải hành động thì ai cũng chờ đợi người khác làm. Khó khăn về kinh tế cũng khiến không ít người sẵn lòng đánh đổi, bị “quan tham” mua chuộc bằng lợi ích vật chất để đổi lại sự im lặng, cho qua; có những vụ mà cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra thì “quan tham” vẫn có thể “dàn xếp” với nhân chứng hoặc người phản ánh, tố cáo theo phương châm “cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền”.

Tư tưởng cục bộ, bản vị trong mỗi công dân cũng là “kẻ thù” của cộng đồng. Ai cũng khinh ghét tham nhũng nhưng lại sẵn sàng làm người hối lộ, nhằm “được việc” cho cá nhân mình. Cha mẹ sẵn sàng “chạy điểm, chạy trường” cho con. Người vi phạm giao thông sẵn sàng chi tiền cho lực lượng chức năng để được cho qua chứ không muốn đến kho bạc nộp phạt. Người nhà chủ động “lót tay” để bác sĩ “quan tâm” đến bệnh nhân. Doanh nghiệp thường xuyên “phong bao” cho công chức, viên chức khi thực hiện thủ tục hành chính... Những hành vi đó lặp đi lặp lại, càng ngày càng phổ biến, ăn sâu bén rễ thành "văn hóa phong bì", "văn hóa bôi trơn" dần dần nuôi dưỡng văn hóa tham nhũng và gây ra tác hại to lớn cho cộng đồng; làm xô lệch giá trị, chuẩn mực xã hội, khiến con người vô cảm trước sự thoái hóa đạo đức, chấp nhận “sống chung với tham nhũng”; mặt khác, nó kích thích một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức sa vào con đường tham nhũng, không còn thấy xấu hổ, không còn ngượng ngùng khi tham nhũng, coi đó như là sự hiển nhiên, kể cả những người lúc đầu còn lo lắng đến nhân cách bản thân, đến đạo lý và sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

Rào cản thứ tư ngăn người dân tham gia PCTN là tình trạng thiếu thông tin. Muốn phản ánh, tố giác, tố cáo tham nhũng đòi hỏi người dân phải có thông tin thật đầy đủ. Nhưng trong tình hình hiện nay, để có thông tin đầy đủ chứng minh hành vi tham nhũng là rất khó khăn. Người dân tuy đông, tuy là chủ thể quyền lực nhà nước nhưng không có quyền điều hành trực tiếp và khó tiếp cận các nguồn thông tin. Ngay trong nội bộ các cơ quan công quyền cũng vậy, nhân viên, quần chúng khó lòng biết các thông tin nội bộ về tình hình tài chính, kinh tế của cơ quan mà lẽ ra họ có quyền được biết. Trong khi đó, cán bộ, người có chức, có quyền lại là người nắm rõ thông tin, thậm chí độc quyền thông tin trong lĩnh vực mình quản lý. Do vậy, tình trạng “biết nhưng không thấy” dẫn quần chúng nhân dân đến tình trạng không đủ thông tin để đấu tranh PCTN.

Rào cản lớn nhất ngăn người dân PCTN là, người tham nhũng là người nắm giữ và thực thi quyền lực nhà nước. Họ nắm trong tay các công cụ cưỡng chế hợp pháp, trong khi người dân có rất ít công cụ, phương tiện khi đối đầu với quan chức tham nhũng. Khi người dân tố giác, người có quyền lực sẽ không từ một thủ đoạn nào để bảo vệ bản thân, sử dụng tối đa quyền lực, các công cụ cưỡng chế và những thế lực có trong tay để đối phó, chế áp những người dám tố giác họ. Đặc biệt, tham nhũng lớn thường liên kết lợi ích nhóm chặt chẽ, cơ chế “bảo vệ lẫn nhau”, “chung hội chung thuyền”, rất khó phá vỡ. Trong khi sự liên kết giữa những người dân chống tham nhũng rất lỏng lẻo, dễ vỡ, dễ bị phân hóa, “chia để trị”. Đáng sợ hơn là hiện tượng bảo kê, bao che cho cán bộ, đảng viên vi phạm và tham nhũng ngay trong các cơ quan, đơn vị PCTN mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020 (tháng 12-2020).

(còn nữa)

-----------------

(1). Sách "Tham nhũng, mưu mô và trừng phạt", Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, năm 2017, tr.146

(2). Sách “Cơ chế tham gia của người dân trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay”, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2014, tr.148

(3). Sách đã dẫn, tr.192

Theo NGUYỄN HỒNG HẢI qdnd.vn