Chẩn bệnh, kê đơn cho công bộc họ "hứa" Bài 1: Lời hứa và văn hóa công bộc 

Hứa và bổn phận thực hiện lời hứa là một trong những giá trị cốt lõi của văn hóa công bộc. Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, hiệu quả thực hiện lời hứa chính là thước đo năng lực, trách nhiệm và phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên.

 Hứa mà không làm, nói một đằng làm một nẻo, nói và làm trái nghị quyết, trái chủ trương của Đảng chính là những biểu hiện của suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống, gây xói mòn lòng tin của tổ chức, nhân dân, là mầm mống của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nguy hại khôn lường...


Hứa, từ lời nói đến thói quen

Tôi về quê tham dự hội khóa cùng nhóm bạn học thời phổ thông. Trong tiệc liên hoan, một anh bạn đang làm cán bộ ở địa phương nâng ly kính mời thầy giáo cũ đã vào ngưỡng bát thập. Anh nói:

- Thầy như người lái đò qua sông. Học trò ai cũng nhớ thầy. Riêng em, vẫn nhớ mãi ký ức những lần nghịch dại, bị thầy ghi sổ đầu bài. Nhưng thầy thì chắc là không còn nhớ em nữa?

Thầy giáo vỗ vai bạn tôi:

- Thầy nhớ chứ! Em là Hứa Văn T...

Bạn tôi đáp:

- Dạ, thầy nhớ nhầm họ của em rồi. Em là Nguyễn Văn T... ạ!

Thầy giáo cười:
 

Bài 1: Lời hứa và văn hóa công bộc
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt Đại hội. Ảnh:Chinhphu.vn

- Tất nhiên là thầy nhớ em họ Nguyễn. Nhưng em có biết dư luận một bộ phận nhân dân trong xã họ nói gì không? Họ bảo là ông T... mang họ “hứa” rồi. Có con đường vài trăm mét lầy lội mấy năm nay, bà con kiến nghị mãi, em và lãnh đạo xã đã nhiều lần hứa sẽ làm nhưng hứa xong thì đâu lại vào đấy. Hứa mà không làm nên bà con mất niềm tin. Nếu thầy vẫn còn quyền được phạt em, lỗi này đáng bị hạ hạnh kiểm đấy nhé.

Lời nhắc của thầy giáo chủ nhiệm năm xưa khiến bạn tôi một thoáng lúng túng. Vì là trong cuộc vui nên thầy trò cũng nhanh chóng chuyển câu chuyện sang đề tài khác cho rôm rả. Sau buổi họp mặt ấy, anh bạn tôi tâm sự rằng, anh làm cán bộ địa phương, giữ nhiều cương vị từ thấp đến cao đã gần hai nhiệm kỳ. Trong quá trình ấy, vì nhiều lý do, đúng là anh đang nợ đảng viên và bà con nhiều lời hứa, trong đó có tuyến đường liên thôn thầy giáo cũ vừa nhắc. Trước đại hội Đảng bộ địa phương, khi tiếp xúc với bà con, anh lại hứa rằng nếu tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ mới, sẽ đề xuất Đảng ủy đưa vào nghị quyết và chương trình hành động những nguyện vọng, đề xuất của đảng viên và bà con, nhất định sẽ có phương án tổ chức cải tạo, nâng cấp tuyến đường này. Thế nhưng sau đại hội, công việc nhiều quá nên anh quên bẵng luôn chuyện đó. “Lúc đó dự sinh hoạt chi bộ ở các thôn, nghe đảng viên kiến nghị thế, tôi nghĩ đơn giản là mình cứ hứa để lấy lòng mọi người đã. Việc thực hiện tính sau. Người hứa dễ quên nhưng người chờ đợi lời hứa ấy thành hiện thực thì họ nhớ dai lắm. Đây là những là bài học lớn cho mình”-bạn tôi cảm thán! Tiếp thu ý kiến phê bình, góp ý, anh bạn tôi đã thực hiện lời hứa. Con đường liên thôn đã được giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đổ bê tông, dự kiến sẽ hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay.

Chuyện cán bộ hứa rồi quên, hứa nhưng không làm xảy ra không hiếm ở các tổ chức đảng và hệ thống chính trị các cấp. Với một số cán bộ, việc hứa trước dân giống như là một cách để nhằm hạ nhiệt, né tránh, giảm bớt không khí căng thẳng, bức xúc trong các cuộc họp, các cuộc tiếp dân. Những câu đại loại như: “Bà con yên tâm, chúng tôi hứa sẽ giải quyết”; “Tôi lấy danh dự để hứa...”; “Vấn đề này chúng tôi đã có kế hoạch rồi, nhất định sẽ làm”... trở thành những câu cửa miệng của một bộ phận công bộc.

Hứa để lấy lòng, hứa rồi để đó, hứa cho có là một thực trạng tạo nên điểm nghẽn trong thi hành trách nhiệm công bộc của một bộ phận cán bộ. Dư luận quần chúng nhân dân và một bộ phận mạng xã hội ví von những trường hợp này là công bộc mang họ “hứa”. Đặc biệt, ở các vùng nông thôn, miền núi, những địa phương còn khó khăn, những nơi mặt bằng dân trí không đồng đều, hoặc ở một số "điểm nóng” về tranh chấp quyền lợi kinh tế, khiếu kiện, khiếu nại... tình trạng cán bộ hứa mà không làm không phải là ít. Từ nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng đã được điều tra, xử lý những năm vừa qua cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ việc chây ì, rắc rối kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng chính là do cán bộ cam kết nhưng không làm, hứa nhiều, làm ít, nói một đằng, làm một nẻo, nói và làm trái nghị quyết, đường lối, chủ trương của Đảng. Đây là một dạng của suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Hậu quả của kiểu hứa suông, hứa lèo

Bên cạnh kiểu hứa trước dân, còn có kiểu cán bộ họ “hứa” diễn ra trong chính nội bộ tổ chức đảng. Có những trường hợp để tranh thủ phiếu bầu trước đại hội Đảng thì ra sức hứa hẹn với tổ chức, cam kết đủ lời hay ý đẹp, nhưng sau khi được đại hội tín nhiệm bầu, việc đã xong rồi thì thay đổi đến lạ lùng. Họ quên ngay lời hứa, rơi vào vết xe đổ những khuyết điểm, sai lầm của người tiền nhiệm, quan liêu, xa rời quần chúng. Một số trường hợp cán bộ yếu bản lĩnh, bị dụ dỗ, lôi kéo vào lợi ích nhóm. Cán bộ họ “hứa” kiểu này rất nguy hại, vì nó là tác nhân trực tiếp gây mâu thuẫn, kéo bè kết cánh trong nội bộ, khiến cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng rối ren, cán bộ, đảng viên nghi kỵ lẫn nhau, ở đâu cũng tụm năm, tụm ba xì xào bàn tán. Môi trường công tác, văn hóa công sở vì thế mà dần mất đi sự trong sáng, mẫu mực. Chất lượng, hiệu quả công việc khó mà tốt được.

Thực trạng cán bộ mang họ “hứa” không phải bây giờ mới có mà nó là một trong những lực cản mang tính hệ thống. Nguyên nhân căn bản, vừa trực tiếp, vừa sâu xa của vấn đề này chính là chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi. Thực trạng này đã được Đảng ta nhấn mạnh trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), đó là kiểu công bộc: “Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán...”. Cũng có trường hợp cán bộ tốt, rất gương mẫu, trách nhiệm, nhưng trong một số hoàn cảnh cụ thể, khi về công tác ở cơ sở đã ghi nhận, hứa hẹn giải quyết những đề xuất của cấp dưới, nhưng vì lý do công việc nên sau đó lại quên. Những trường hợp này không xuất phát từ bản chất, thói quen mà là lỗi của chủ quan, đơn giản. Cán bộ cấp càng cao thì lời hứa trước Đảng, trước dân càng quan trọng. Một lời hứa bị bỏ quên liên quan đến quyền lợi, cuộc sống của rất nhiều người. Công bộc hứa suông, dù xảy ra ở cấp độ, phạm vi, hoàn cảnh nào cũng đều là tác nhân gây hại đến uy tín cá nhân và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, cần phải đấu tranh, phê phán. Vấn đề này đã được chỉ rõ trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn chưa ngang tầm nhiệm vụ. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng, Nhà nước chưa thật đầy đủ, đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả chưa cao”. Những biểu hiện, hạn chế này là mầm mống của suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống, đưa cán bộ đến gần hơn với nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, là mảnh đất màu mỡ để chủ nghĩa cá nhân phát triển, lấn át mục tiêu, lý tưởng của Đảng...

(còn nữa)

Theo PHAN TÙNG SƠN, qdnd.vn