Trao đổi về một số giải pháp nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng 

Cụ thể hóa và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định thành một chương riêng và sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng. Theo đó, người đứng đầu phải gương mẫu, liêm khiết; chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về PCTN, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời kiến nghị xử lý tham nhũng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người báo cáo, tố cáo tham nhũng...

Trách nhiệm của người đứng đầu trong PCTN được Ban Nội chính Trung ương tập trung nghiên cứu - Ảnh: TTXVN

 

Nhằm tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh cần chú trọng một số nội dung như sau: 

Đại diện UBMTTQVN tỉnh góp ý đối với đề tài nghiên cứu khoa học lĩnh vực PCTN của Ban Nội chính Tỉnh ủy - Ảnh: BBT

Tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt như: Quy định số 101- QĐ/TW, ngày 07/06/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt; Quy định số 55- QĐ/TW, ngày 19/12/2016 quy định của Bộ Chính trị “về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ Đảng viên”; Quy định số 08 -QĐ/TW, ngày 25/10/2018 quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ Đảng viên trước hết là ủy viên Bộ chính trị, ủy viên ban bí thư, ủy viên Bộ chính trị Trung ương; Quy định số 01- QĐ/TU, ngày 03/03/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và các Chỉ thị, Quy định có liên quan… 

Người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc; nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy định việc tiếp công dân, tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân theo đúng quy định; trước hết, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu thực hiện và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao. 

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp; xử lý ngay người đứng đầu có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái.

Chấn chỉnh công tác quản lý; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp; đảm bảo giải quyết dứt điểm, kịp thời các kiến nghị, phản ánh, tố cáo của người dân và doanh nghiệp, tránh tình trạng giải thích không rõ ràng thay vì giải quyết.


Lê Văn Mạnh, Phòng theo dõi công tác PCTN