Đoàn Luật sư tỉnh: Những kết quả bước đầu qua 1 năm thực hiện Kết luận số 69-KL/TW ngày 24/02/2020 của Ban Bí thư 

Tỉnh Quảng Bình hiện có 49 luật sư, với tỷ lệ 1 luật sư/27.395 người dân (tỷ lệ trung bình của cả nước 01 luật sư/14.000 người dân); 16 tổ chức hành nghề luật sư đang hoạt động hành nghề , với 44 luật sư hoạt động tại 12 Văn phòng Luật sư và 4 Công ty luật, 05 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân; có 36 luật sư là đảng viên. Tất cả luật sư đều có trình độ cử nhân luật. Đa số luật sư là thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên nghỉ hưu tham gia hành nghề; 7 luật sư đã qua đào tạo nghề luật sư, các luật sư được đào tạo nghề luật sư chủ yếu là các luật sư trẻ thuộc đối tượng không được miễn đào tạo nghề và tập sự hành nghề luật sư.

 

Sau 12 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW và 01 năm triển khai thực hiện Kết luận số 69-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư, công tác luật sư ngày càng nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của các ngành, các cấp, các tổ chức và Nhân dân. Tổ chức và hoạt động của luật sư trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển, ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong hoạt động hành nghề luật sư, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo sự công bằng, tránh oan sai trong quá trình giải quyết vụ án của các cơ quan có thẩm quyền. Nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về về vị trí, vai trò của luật sư và hành nghề luật sư trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; bảo vệ công lý; bảo vệ pháp chế XHCN có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của các tổ chức, cá nhân trong các giao dịch dân sự, thương mại ở tỉnh có xu hướng tăng. Sự tham gia của luật sư trong các vụ việc hành chính, dân sự, hình sự... ngày càng nhiều, khách hàng và phạm vi hoạt động hành nghề của các luật sư được mở rộng. Nhiều luật sư đã tham gia sâu để hỗ trợ pháp luật cho các doanh nghiệp, như: đăng ký thành lập doanh nghiệp; thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh; mua bán, tách nhập doanh nghiệp, tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các doanh nghiệp trong trường hợp tranh chấp khởi kiện ra Tòa án để giải quyết...

Đoàn Luật sư tỉnh và các luật sư thành viên đã tích cực tham gia góp ý vào các dự thảo luật và các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh góp phần quan trọng vào việc thực thi pháp luật và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương. Đoàn Luật sư tỉnh đã tổ chức các buổi tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, người hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,… tạo niềm tin cho Nhân dân, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật, thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Các tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư thành viên đã đăng ký với Sở Tư pháp thực hiện việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách xã hội theo quy định, bảo đảm 100% người thuộc diện được trợ giúp pháp lý được luật sư trợ giúp pháp lý miễn phí khi có yêu cầu tại các tổ chức hành nghề luật sư. Các luật sư đã thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của pháp luật khi tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý; tích cực tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí nhiều vụ án dân sự, hôn nhân gia đình cho những đối tượng thuộc diện gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người chưa thành niên… Các hoạt động này đã thể hiện trách nhiệm của luật sư đối với cộng đồng.

Từ đầu năm 2020 đến nay, các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư thành viên đã thực hiện 209 vụ việc, trong đó án hình sự 21 vụ, dịch vụ pháp lý khác 161 vụ việc và tư vấn pháp lý miễn phí 27 vụ việc, với 53 bị can, bị cáo (trong đó: tội phạm về ma túy 32 bị can; giết người 04 bị can; tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 08 bị can; tội hiếp dâm 02 bị can; tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi 02 bị can; tội vận chuyển vật liệu nổ 02 bị can; tội vi phạm khai thác và bảo vệ rừng 01 bị can; tội đánh bạc 01 bị can, tội vi phạm an toàn giao thông 1 bị can). 100% án chỉ định đều có luật sư tham gia, góp phần vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên, số lượng luật sư và tổ chức hành nghề luật sư còn ít so với dân số; quy mô tổ chức hành nghề còn nhỏ. Các tổ chức hành nghề luật sư phát triển chưa đồng đều trên địa bàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở thành phố Đồng Hới, các huyện: Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch chưa có tổ chức hành nghề luật sư và luật sư. Quá trình hoạt động, chưa hình thành được đội ngũ các luật sư chuyên sâu về tranh tụng hoặc tư vấn chuyên sâu trong từng lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài; chủ yếu hành nghề trong hai lĩnh vực dân sự và hình sự, các lĩnh vực pháp luật khác như hành chính, lao động, kinh tế... tỷ lệ vụ việc các luật sư tham gia còn thấp. Số lượng luật sư được đào tạo nghề luật sư chưa nhiều, số luật sư trẻ có trình độ về ngoại ngữ, tin học còn ít. Hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư chưa đáp ứng đầy đủ dịch vụ pháp lý của tổ chức, cá nhân ở địa phương; việc tham vấn cho các cấp lãnh đạo về những vấn đề liên quan đến hội nhập quốc tế, tham gia hỗ trợ giải quyết các tranh chấp quốc tế… còn nhiều hạn chế. Vai trò tự quản của Đoàn Luật sư tỉnh trong quá trình chỉ đạo, điều hành hoạt động của Đoàn, việc thực hiện các biện pháp khác nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ luật sư, nhất là phục vụ hội nhập quốc tế chưa được phát huy đầy đủ.

Để tiếp tục phát triển đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy cần có kế hoạch xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư tại các địa phương, bảo đảm hoạt động hành nghề luật sư đa dạng, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế; chú trọng đội ngũ luật sư trẻ, luật sư có uy tín.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động của luật sư. Có chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề cho đội ngũ luật sư, để xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, có trình độ ngoại ngữ, tin học, đáp ứng yêu cầu công tác. Phát huy vai trò tự quản, nâng cao năng lực của Đoàn Luật sư tỉnh và hiệu quả hoạt động của Ban Chủ nhiệm; tuyên truyền, giáo dục đội ngũ luật sư thực hiện nghiêm Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm đối với tổ chức, hoạt động luật sư và kiểm tra, giám sát người tập sự hành nghề luật sư, bảo đảm hoạt động của luật sư được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tăng cường công tác giám sát của các cơ quan dân cử đối với tổ chức và hoạt động của luật sư, bảo đảm hoạt động của luật sư và hành nghề luật sư theo đúng pháp luật của Nhà nước; không để các thế lực thù địch móc nối, lôi kéo, kích động, lợi dụng luật sư tham gia các hoạt động gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thường xuyên củng cố, kiện toàn cơ quan lãnh đạo của Đoàn Luật sư đảm bảo về số lượng và nâng cao chất lượng.

Hiện nay, Đoàn Luật sư tỉnh chưa có tổ chức đảng nên còn thiếu sự tập trung, chưa gắn kết giữa tổ chức cơ sở đảng nơi đảng viên là luật sư sinh hoạt với cơ quan quản lý nhà nước về luật sư và Đoàn Luật sư tỉnh, vì vậy, cần nghiên cứu việc thành lập tổ chức Đảng trong Đoàn Luật sư tỉnh.

Thanh Minh, Phòng Nội chính