Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong mùa dịch Covid-19
Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là hình thức sử dụng các ứng dụng công nghệ số (ví điện tử, MobileBanking, InternetBanking, Ipay...) nhằm thanh toán qua ngân hàng với dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội…hoặc thanh toán gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng. Đây được xem là một giải pháp tiện ích và hợp lý nhất là trong thời điểm cả nước đang đối mặt với dịch bệnh Covid-19.
Tỷ lệ thanh toán điện tử tăng
Hiện nay, các tỉnh, thành trên cả nước nói chung và Quảng Bình nói riêng đang tích cực thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Để góp phần bảo đảm tình hình phát triển kinh tế cũng như đáp ứng nhu cầu hiện tại của người dân trong thời điểm khắc nghiệt này, giải pháp TTKDTM được nhiều người dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... lựa chọn.
TTKDTM góp phần hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình bán và mua hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế; đồng thời, phát triển các dịch vụ chuyên nghiệp về thu chi, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử mà không làm thay đổi giá trị tiền mặt quy đổi.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Quảng Bình cho biết, hiện nay, vẫn có một bộ phận người dân trong tỉnh chưa quen với việc sử dụng các công nghệ 4.0 trong việc thanh toán và giao dịch, người dân vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, tại thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Quảng Bình cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hơn nữa các dịch vụ TTKDTM thông qua các công cụ giao dịch và các dịch vụ giao dịch theo công nghệ 4.0 để giúp người dân thuận lợi và tiện ích hơn khi cần chuyển tiền giao dịch.
Đồng thời, việc TTKDTM còn góp phần giúp người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội, hạn chế nguy cơ lây nhiễm cao khi tiếp xúc gần, giảm được nhiều rủi ro khi dùng tiền mặt…
Trên thực tế, khi đẩy mạnh hoạt động TTKDTM, cũng như khuyến khích, hỗ trợ khách hàng ở các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều ngân hàng đang triển khai hàng loạt các chương trình ưu đãi khi mở tài khoản, cũng như thực hiện các giao dịch trực tuyến; phí dịch vụ được các ngân hàng miễn phí 100%.
Theo đại diện các ngân hàng, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ tăng trưởng giao dịch điện tử tăng từ 20-25% so với cùng kỳ năm trước.
Tiện ích ngân hàng số
Để đáp ứng nhu cầu người dân trong thời điểm dịch Covid-19, các ngân hàng đều chú trọng đầu tư đổi mới, phát triển dịch vụ bằng công nghệ số, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đặng Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) Chi nhánh Quảng Bình, cho hay, đơn vị hiện đang thực hiện chuyển khoản không dùng tiền mặt cho các khách hàng tham gia vay vốn; đồng thời hướng dẫn, khuyến khích khách hàng dùng app tài khoản của ngân hàng. Thông qua app này, khách hàng có cơ hội trải nghiệm các tính năng bao quát với rất nhiều tiện ích, như: chuyển tiền, mua sắm, thanh toán các dịch vụ cần thiết. Đặc biệt, khi sử dụng các loại dịch vụ, khách hàng đều được miễn phí khi giao dịch.
Bên cạnh đó, Vietinbank còn tăng cường sử dụng hệ thống ngân hàng số. Đơn vị đã có 18.000 khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Ipay Active (là ứng dụng ngân hàng trực tuyến qua thiết bị di động). Trong 6 tháng đầu năm 2021, 700.000 lượt khách hàng đã tham gia giao dịch này.
Không chỉ có Vietinbank Chi nhánh Quảng Bình, mà các tổ chức tín dụng khác trên địa bàn tỉnh cũng đang triển khai hiệu quả hình thức TTKDTM. Chị Lê Thị Khánh Quỳnh ở xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới, cho hay: "Bây giờ dịch bệnh lan nhanh, gia đình tôi mọi người rất ngại ra đường hay đến những nơi đông người. Mọi thứ từ hàng hóa, thực phẩm, đồ dùng…chỉ cần đặt trên mạng thì người ta sẽ đưa đến tận nhà và mình sẽ chuyển khoản cho họ. Việc sử dụng app thanh toán tiền của các ngân hàng rất tiện ích".
Có thể thấy rằng, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã dần làm thay đổi thói quen giao dịch của nhiều khách hàng, giúp dịch vụ ngân hàng điện tử tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này đặt ra yêu cầu cao hơn về vấn đề bảo mật thông tin khách hàng. Do đó, những phương thức xác thực mới nhất để tăng tối đa tính bảo mật cũng được các ngân hàng chú trọng triển khai nhằm mục đích tạo niềm tin cho khách hàng khi giao dịch điện tử.
Hiền Phương |
|||