Bàn một số giải pháp kiểm soát quyền lực trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian tới 

 Kiểm soát quyền lực là một điều kiện bảo đảm hiệu lực, hiệu quả  trong cơ chế vận hành của các thể chế chính trị nói chung, đồng thời cũng là một yếu tố quan trọng trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng nói riêng.

Quyền lực phải được bảo đảm các điều kiện để thực thi có hiệu quả, đồng thời phải được ràng buộc chặt chẽ bằng trách nhiệm. Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bởi cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc chặt chẽ với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu, trách nhiệm đến đó; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng quyền lực; từ đó, hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực cụ thể trên tất cả các lĩnh vực, trước hết là các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.

Đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương,

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũngchủ trì hội thảo khoa học kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng (Nguồn: Sưu tầm).

Đề xuất một số giải pháp kiểm soát quyền lực trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng như sau:
Một là: Cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu, đặc biệt là các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng các cấp như: Thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Công an Nhân dân. Đây là những cơ quan giúp nhà nước giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, pháp luật và kiểm soát quyền lực.
Hai là: Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu trong hoạt động công vụ; kiểm soát tài sản, thu nhập; thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo và giám sát của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp đối với hoạt động của bộ máy Nhà nước và của Đảng.
Ba là: Hoàn thiện và cụ thể hóa cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên trong, kiểm soát lẫn nhau và kiểm soát từ bên ngoài đối với các cơ quan trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan, trong đó có cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng, qua đó ngăn ngừa tha hóa quyền lực, lạm quyền, lộng quyền và tạo mọi điều kiện để người dân dễ dàng, thuận lợi trong tiếp cận thông tin về hoạt động của nhà nước, đặc biệt là những thông tin về những quyết định liên quan đến quyền và lợi ích của người dân. Việc công khai, minh bạch buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quyền phải thực hiện đúng đắn, nghiêm túc, công bằng các quyền hạn được giao, phải giải trình đầy đủ những vấn đề liên quan đến việc thực thi quyền hạn khi có yêu cầu.
Bốn là: Nhà nước cần hoàn thiện hệ cơ chế quản lý, kiểm soát ngân sách, vốn và tài sản của nhà nước, tài nguyên của đất nước; tránh để việc lợi dụng chức vụ để tham nhũng, chiếm đoạt tiền, đất đai... như trong thời gian vừa qua.
Năm là: Bảo đảm quyền giám sát của Nhân dân đối với việc thực hiện quyền lực, các cơ quan nhà nước phải đặt mình dưới sự giám sát của Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với cơ quan Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức. Những ý kiến, kiến nghị, khiếu nai, tố cáo của nhân dân về các hành vi lạm quyền, lộng quyền, sử dụng quyền lực vì mục đích cá nhân, lợi ích nhóm, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền cần phải được nghiêm túc lắng nghe, tiếp nhận và xử lý theo đúng quy định của pháp luật./.

Lê Văn Mạnh
Phòng TDCT PCTN