V- “Dù ai nói ngả nói nghiêng...”(tiếp theo và hết) 
Ngày 31-7, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1063/CĐ-TTg về phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng yêu cầu “ai ở đâu ở đấy”, tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú sau ngày 31-7 tới khi hết giãn cách...
 Chỉ đạo của Thủ tướng giúp các địa phương, nhất là ở những vùng tâm dịch, có hành động kịp thời, giải pháp hiệu quả ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh từ địa phương này đến địa phương khác. Vậy nhưng, nhiều phương tiện truyền thông hải ngoại và các trang mạng thù địch với Việt Nam lại nhân cơ hội, lu loa lên rằng Việt Nam“vi phạm nhân quyền”...

Lá bài “nhân quyền” trong thế giới phẳng

Bất cứ ai, khi theo dõi diễn biến dịch bệnh và quá trình tổ chức phòng, chống dịch ở Việt Nam, cũng đều có khả năng nhận thức đúng đắn, công điện của Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời điểm này là hết sức cần thiết. Trước thực trạng một bộ phận người dân sử dụng phương tiện cá nhân rời TP Hồ Chí Minh trở về quê hương một cách tự phát những ngày qua, cần phải có sự chỉ đạo kịp thời, thống nhất để chấn chỉnh việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao hiệu quả kiểm soát, dập dịch. Nếu tiếp tục để tình trạng này tái diễn, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ địa phương này qua địa phương khác là rất lớn. Nhiệm vụ chống dịch sẽ thêm khó khăn, phức tạp hơn. Bên cạnh đó là việc bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Việc hành trình bằng xe gắn máy trở về quê trên quãng đường dài, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao. Để bảo đảm cho mọi người dân “ai ở đâu ở đấy”, công điện của Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải: Tổ chức hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân...

Nhấn mạnh điều này để thấy rõ hơn tính cấp thiết, tính nhân văn xã hội chủ nghĩa trong các chỉ đạo của Thủ tướng về phòng, chống dịch Covid-19. Dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng quan điểm, chủ trương của Đảng và Chính phủ Việt Nam, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là ưu tiên trên hết, trước hết. Mọi hành động của Chính phủ và cả hệ thống chính trị đều hướng đến thực hiện mục tiêu trên hết và trước hết này.

V- “Dù ai nói ngả nói nghiêng...”(tiếp theo và hết)
Các địa phương tuân thủ nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là một trong những biện pháp cần thiết để dập dịch. Ảnh:  TP Hà Nội trong những ngày áp dụng Chỉ thị 16 / qdnd.vn

Đặt lên hàng đầu mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho nhân dân là thể hiện sinh động, đầy đủ nội hàm của bảo đảm quyền con người ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Việc một số tổ chức, cá nhân, nhân danh cái gọi là “đấu tranh vì nhân quyền”, “dân chủ” cho nhân dân Việt Nam, cáo buộc Chính phủ Việt Nam lợi dụng chống dịch Covid-19, vi phạm quyền tự do đi lại, tự do tụ họp... là một kiểu quy chụp vô căn cứ, thể hiện rõ ý đồ chống phá. Thực chất, chính họ mới là những người, những tổ chức lợi dụng “nhân quyền”, “dân chủ” để tung tin bịa đặt, lèo lái dư luận, kích động người dân chống lại chủ trương, giải pháp chống dịch ở một đất nước có chủ quyền, độc lập. Hầu hết các nước trên thế giới, trước đại dịch Covid-19 đều đã, đang và chắc hẳn sẽ còn phải áp dụng biện pháp giới hạn, phong tỏa các địa phương, hạn chế tự do đi lại của người dân vì mục đích hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Bám vào lá bài “dân chủ”, “nhân quyền” để kích động, chống phá Việt Nam là thủ đoạn đã có từ lâu và được thực hiện thường xuyên của các thế lực thù địch. Kể từ khi đại dịch Covid-19 tái bùng phát, nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội, làn sóng cáo buộc, chỉ trích Việt Nam lợi dụng chống dịch, xâm phạm quyền con người lại bùng lên. Họ vu cáo Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt chính kiến khi cơ quan chức năng một số địa phương triệu tập, xử phạt, khởi tố, bắt tạm giam những đối tượng tung tin giả, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong lúc Chính phủ và các địa phương, doanh nghiệp đang nỗ lực huy động các nguồn lực xã hội tìm nguồn cung, thực hiện tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho toàn dân, thì những tổ chức, cá nhân, nhân danh cái gọi là “đấu tranh bảo vệ nhân quyền”, lại xuyên tạc xã hội Việt Nam đang tạo ra sự bất bình đẳng, mất dân chủ về khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội và hỗ trợ của Chính phủ?! Lợi dụng những thông tin, hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội (MXH) trong nước về hoàn cảnh khó khăn của một số trường hợp người dân rời vùng tâm dịch về quê, họ lu loa rằng, dân nghèo đang bị “bỏ rơi”, “bỏ đói” trong đại dịch Covid-19.

Dù ngụy trang dưới lá bài “dân chủ”, “nhân quyền”, gán ghép vào nhiệm vụ phòng, chống đại dịch Covid-19 để lèo lái dư luận nhằm ý đồ phá hoại, nhưng thực tiễn đã chứng minh, đó là sự gán ghép khiên cưỡng. Trong thế giới phẳng của thông tin, thực tiễn đời sống xã hội là lời giải thích, chứng minh đúng đắn, thuyết phục nhất trên mọi phương diện lập luận. Sự quan tâm, bảo đảm quyền con người cho nhân dân của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong đại dịch Covid-19, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân đối với chủ trương, chiến lược chống dịch là thực tiễn không thể bóp méo, bôi đen.

Chiến thuật “nội công, ngoại kích” và thế trận “kiềng ba chân”

Để thực hiện mưu đồ chống phá Việt Nam bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch liên tục đẩy mạnh những chiến dịch truyền thông rầm rộ bằng chiến thuật “nội công, ngoại kích”. “Nội công” là sử dụng các thành phần có tư tưởng bất mãn, chống đối trong nước làm cái loa phát ngôn, kích động gây bất ổn đời sống xã hội. “Ngoại kích” là sử dụng mạng lưới truyền thông hải ngoại, các phương tiện đài, báo nước ngoài phát tiếng Việt, thiếu thiện chí với Việt Nam, tận dụng các nền tảng MXH ở nước ngoài để tán phát các bài viết, video clip có nội dung xuyên tạc, chống phá, tấn công vào trận địa tư tưởng văn hóa của chúng ta. Chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, dù không còn yếu tố bất ngờ, nhưng chắc chắn sẽ còn tiếp tục được chúng lợi dụng, gắn với thúc đẩy tư tưởng “dân túy” thù địch với những hình thức tinh vi.

Người dùng MXH trong nước và kiều bào yêu nước trên thế giới không khó nhận ra bản chất “lòng lang dạ sói” của các “nhà” tự xưng, ẩn trong những danh xưng ngoa ngôn ở hải ngoại. Họ đấu tranh cho “nhân quyền” kiểu gì, “dân chủ” kiểu gì mà nhiều “nhà” tự xưng đăng đàn bằng những ngôn từ chợ búa để mỉa mai, thóa mạ, bày tỏ thái độ hả hê khi chứng kiến đồng bào mình đang vất vả, khó khăn, mất mát trong đại dịch. Trước những hành động đi ngược lại các tiêu chí dân chủ, nhân quyền và các chuẩn mực đạo đức của họ, nhiều người Việt Nam yêu nước ở nước ngoài đã  lên tiếng phản ứng. Các vị mang danh “nhà nghiên cứu”, “học giả”, “nhà đấu tranh”... cũng đều là người Việt Nam, đang nói tiếng mẹ đẻ. Các vị hả hê, hỉ xả trên nỗi đau mà nhiều đồng bào mình, ở quê hương mình đang phải gồng mình trải qua, thử hỏi, lương tâm các vị để đâu? Với cái tâm đen tối, vô cảm như thế, các vị lấy tư cách gì để phán xét về “dân chủ”, “nhân quyền”?... 

Ở trong nước cũng vậy. Theo dõi trang cá nhân trên MXH của không ít thành phần cực đoan, bất mãn, chúng ta thấy rõ, trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, họ không có bất cứ hành động gì đồng hành cùng chính quyền, hỗ trợ, chia sẻ với đồng bào khó khăn để cùng chống dịch. Ngược lại, bằng thứ “bánh vẽ” của các danh xưng ảo, họ tự cho mình cái quyền làm “anh hùng bàn phím”, dành thời gian săm soi những biểu hiện tiêu cực, những hình ảnh chưa đẹp trong đời sống xã hội thời dịch bệnh để làm đề tài “chém gió”. Với kiểu tư duy ngụy hàn lâm, thích phô trương, khoe mẽ, những đối tượng này theo đuôi, bám vào lá bài “dân chủ”, “nhân quyền” do các thế lực thù địch tung ra để lèo lái, cổ xúy phát triển “xã hội dân sự”.

Không có bất cứ khía cạnh nào của văn hóa cho phép dung túng, dung nạp thói vô ơn. Nói như thế là bởi, trong số những đối tượng có nhận thức lệch lạc như trên, nhiều người từng được tổ chức, đồng đội, nhân dân đùm bọc, nuôi nấng, cho ăn học đàng hoàng, có vị trí xã hội xứng đáng. Vậy mà sau khi nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển ngành... họ đã quên ngay bệ đỡ cho mình phát triển. Lợi dụng lúc đất nước khó khăn, hoạn nạn do dịch Covid-19 để thực hiện mưu đồ chống phá, tiếp tay cho các thế lực thù địch phản nước, hại dân.

Người dùng MXH dễ dàng nhận ra thói vô ơn của họ trong những bài viết, phát ngôn trên không gian mạng. Khi họ đã lật ngửa lá bài chống phá bằng “dân chủ”, “nhân quyền”, “xã hội dân sự”... không có lý do gì mỗi công dân yêu nước lại im lặng, làm ngơ. Đấu tranh thẳng thắn, trực diện một cách có văn hóa và đúng luật pháp ngay trên trang cá nhân, ngay dưới mỗi bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung mị dân, xuyên tạc, kích động, chống phá... là cách để mỗi người dân thực sự là một chiến sĩ trên không gian mạng.

Không ai, không một thế lực nào có thể làm thay công việc phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Nhắc lại chân lý ấy để mỗi công dân tự đề cao hơn nữa tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, coi việc đấu tranh với những hành vi sai trái, phản động trên không gian mạng, là góp phần bảo vệ đất nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và bảo vệ chính mình.

Khi lòng dân vững vàng niềm tin với Đảng, đồng lòng với Chính phủ thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Xin tạm khép lại loạt bài bằng câu ca dao đã được ông bà mình đúc kết như một chân lý:“Dù ai nói ngả nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân...”.

 Theo LỮ NGÀN, qdnd.vn