Gian nan thi hành án tồn đọng, kéo dài 
Những năm gần đây, các cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) của tỉnh đã nỗ lực thực hiện đạt và vượt hầu hết những chỉ tiêu, nhiệm vụ do Tổng cục THADS đề ra. Tuy nhiên, một số vụ việc THA còn tồn đọng, phức tạp, kéo dài…
Đó là: vụ việc Công ty cổ phần (CTCP) Cosevco 6 (liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng có số tiền lớn nhất từ trước đến nay, với gần 1.000 tỷ đồng); vụ việc bà Nguyễn Thị Hòa ở TX. Ba Đồn và vụ ông Đinh Minh Liêu ở huyện Minh Hóa...
 
Đối với việc THA liên quan đến bà Nguyễn Thị Hòa ở TX. Ba Đồn. Đây là vụ việc đã bán đấu giá thành, người mua tài sản nộp đủ tiền theo quy định, nhưng chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá.
 
Nguyên do người đang chiếm giữ tài sản bất hợp pháp là ông, bà Trương Quang Sự và Trần Thị Dứ (người bán tài sản cho bà Nguyễn Thị Hòa-P.V) chống đối, cản trở, không tự nguyện giao tài sản.
 
Vụ việc kéo dài từ năm 2013 đến giữa năm 2021 vẫn chưa được thi hành xong. Trong quá trình tổ chức thi hành vụ việc này, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo THADS tỉnh, Ban Thường vụ Thị ủy và UBND TX. Ba Đồn đã thống nhất quan điểm chỉ đạo phối hợp cưỡng chế giao tài sản cho người mua trúng đấu giá theo quy định của pháp luật.
 
Tuy nhiên, một số ngành liên quan trực tiếp chưa thống nhất kế hoạch bảo vệ Hội đồng cưỡng chế nên vụ việc đến nay chưa giải quyết xong... 
 
Tương tự, CTCP Cosevco 6 (người đại diện theo pháp luật là ông Cao Vĩnh Hợi, Tổng Giám đốc), có địa chỉ tại thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh) phải thi hành khoản án phí số tiền 568.154.574 đồng, đồng thời trả nợ cho Ngân hàng TMCP Đầu tư-Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) với tổng số tiền (tính đến ngày 13-8-2019) trên 530 tỷ đồng và hơn 16 triệu USD.
 
Được biết, tài sản thế chấp bảo đảm cho khoản nợ vay của CTCP Cosevco 6 tại BIDV và PVcomBank, gồm: các tài sản trên đất thuê hình thành trong tương lai của dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Xi măng lò quay Áng Sơn đã được CTCP Cosevco 6 lập ngày 25-10-2006 trên thửa đất số 317, tờ bản đồ số 30 tại xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh); xe ô tô Toyota BKS 73L-9277; máy xúc lật bánh lốp hiệu LiuGong ZL40B; quyền khai thác mỏ đá vôi Lèn Áng tại Km số 4 đường 10 (xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy); quyền khai thác mỏ đá sét tại Km số 3 đường 10 (thị trấn Nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy).
 
Để "gỡ vướng" cho công tác THA liên quan đến CTCP Cosevco 6, Cục THADS tỉnh đã xác minh tài sản bảo đảm và tiến hành kê biên xử lý, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật.
 
Tuy nhiên, trong số tài sản bảo đảm cho khoản nợ vay của CTCP Cosevco 6 có 2 quyền khai thác mỏ được cấp phép năm 2014 nhưng từ đó đến nay vẫn chưa thực hiện xây dựng cơ bản để khai thác.
 Nhà máy xi măng Áng Sơn.
Một góc nhà máy xi măng Áng Sơn.
Do vậy, khi thẩm định giá tài sản, Công ty cổ phần giám định và thẩm định giá Phương Đông (Văn phòng đại diện tại Quảng Bình)-đơn vị được Cục THADS tỉnh hợp đồng thẩm định giá đối với tài sản kê biên-đã không thẩm định giá đối với 2 quyền khai thác mỏ nói trên.
 
Lý do là tại thời điểm kê biên, thẩm định giá, khu mỏ chưa xây dựng hạ tầng cơ bản phục vụ việc khai thác; các chỉ số về mỏ và trữ lượng khai thác được tính toán căn cứ theo giấy phép khai thác khoáng sản…(Điều 58, Luật Khoáng sản, quy định sau 12 tháng đơn vị được cấp phép không tiến hành khai thác thì sẽ bị thu hồi nên không xác định giá trị đối với 2 quyền khai thác mỏ này).
 
Ngày 30-10-2020, các bên đương sự đã thỏa thuận dừng việc đấu giá tài sản của CTCP Cosevco 6 để làm rõ giá trị của 2 quyền khai thác mỏ nhằm bảo vệ quyền lợi cho các bên và việc thi hành án tạm dừng.
 
Ngày 30-3-2021, Cục THADS tỉnh đã chủ trì tổ chức họp liên ngành (gồm: Cục THADS tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh) để giải quyết các vướng mắc liên quan đến quyền khai thác mỏ.
 
Theo đó, ý kiến của đại diện TAND tỉnh và VKSND tỉnh đưa ra tại buổi họp liên ngành là: "Luật Khoáng sản năm 2010 không quy định thế chấp quyền khai thác khoáng sản, do đó, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP không có hướng dẫn. Quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự của TAND TP. Đồng Hới là trái pháp luật đối với nội dung công nhận tài sản bảo đảm cho khoản nợ vay là 2 quyền khai thác mỏ.
 
Đề nghị cơ quan THADS tỉnh có văn bản kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét lại Quyết định số 13/QĐST-KDTM, ngày 21-8-2019 của TAND TP. Đồng Hới theo thủ tục giám đốc thẩm để xem xét tuyên hợp đồng vô hiệu một phần đối với tài sản bảo đảm là 2 quyền khai thác mỏ nói trên…".
 
Ông Mai Công Danh, Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết, đối với các án tồn đọng, phức tạp, kéo dài, hiện còn những khó khăn, tồn tại, như: sự phối hợp giữa một số cơ quan chức năng liên quan chưa được thường xuyên, có lúc, có khi còn chưa thực sự chặt chẽ, thống nhất; một số đơn vị chưa thực hiện đúng tinh thần Thông tư số 03/2012/TT-BTP-BCA quy định việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong THADS; ý thức tuân thủ pháp luật của một số người phải THA vẫn chưa cao; một số trường hợp phải THA cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản, chống đối chấp hành viên, thư ký thi hành án...
 
Liên quan đến vụ việc CTCP Cosevco 6, vừa qua, Cục THADS tỉnh đã có công văn kiến nghị xem xét giám đốc thẩm Quyết định số 13/QĐST-KDTM, ngày 21-8-2019 của TAND TP. Đồng Hới gửi Chánh án TAND cấp cao và Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP. Đà Nẵng.
 
 
Theo Văn Minh - Báo Quảng Bình