Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội vùng biên giới 
Nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biên giới quốc gia, Quảng Bình đã huy động tối đa mọi nguồn lực để tập trung phát triển kinh tế-xã hội vùng biên giới của tỉnh.
 Bằng những chương trình, mô hình, dự án phù hợp với tiềm năng, điều kiện thực tế của từng địa phương, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng biên giới được đầu tư ngày càng đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây được cải thiện và nâng lên.
 
Bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, quản lý, bảo vệ chủ quyền, bảo đảm quốc phòng-an ninh biên giới quốc gia, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, địa phương trong tỉnh đã tăng cường phối hợp xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) ở khu vực biên giới.
 
Đặc biệt, chú trọng phát triển các ngành kinh tế có lợi thế ở địa phương, chương trình sản xuất nông nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng, triển khai chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chính sách đối với người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS).
 
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến ngày càng phức tạp, Ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan nghiêm túc thực hiện các chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và bộ, ngành về triển khai công tác phòng, chống dịch.
 
Các lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt 100% người, phương tiện, hàng hóa xuất nhập cảnh qua biên giới; kiểm dịch y tế biên giới đối với các cơ sở chế biến, dịch vụ phục vụ hành khách trong khu vực cửa khẩu biên giới.
 
Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và các doanh nghiệp hai bên biên giới đầu tư sản xuất, kinh doanh, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng-an ninh.
 
Với chủ trương tập trung mọi nguồn lực để phát triển KT-XH vùng biên giới, UBND tỉnh đã quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương và của tỉnh để xây dựng, cải tạo nhiều công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, như: Đường giao thông, hệ thống đê, kè, điện lưới, trạm y tế, trường học, công trình nước sạch...
 
Chính quyền các địa phương đã tích cực, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng đóng trên địa bàn hỗ trợ, giúp đỡ các thôn, bản khó khăn.
Hệ thống đường giao thông vùng biên giới được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại cho ĐBDTTS.
Hệ thống đường giao thông vùng biên giới được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại cho ĐBDTTS.
Từ đầu năm 2021 đến nay, các lực lượng đã hỗ trợ 2.854 ngày công giúp dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo; sửa chữa, xây dựng 17,6km đường giao thông, nạo vét 6,2km kênh mương, kêu gọi đầu tư 7 giếng nước sạch sinh hoạt cho nhân dân, với trị giá 350 triệu đồng; xây dựng, sửa chữa 6 phòng học; mở 2 lớp xóa mù chữ cho 45 học sinh; vận động 439 học sinh bỏ học trở lại trường; tặng sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh với trị giá trên 150 triệu đồng.
 
Đối với biên giới biển, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với bảo đảm an ninh, chủ quyền biên giới biển được các sở, ngành, lực lượng và địa phương liên quan đầu tư về nội dung, đi vào chiều sâu và chuyên biệt hóa cho từng phân khúc thị trường.
 
Tỉnh đã đầu tư xây dựng và nâng cấp các khu neo đậu, tránh trú bão, hậu cần nghề cá, góp phần bảo đảm an toàn cho tàu thuyền trong mùa mưa bão, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hải sản của ngư dân.
 
Theo đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, trên địa bàn khu vực biên giới, các hoạt động mua bán trái phép chất ma túy, pháo nổ, tình trạng khai thác lâm sản trái phép, vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn còn diễn ra. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội tại khu vực biên giới vẫn tồn tại nhiều bất ổn. Một số hoạt động phối hợp giữa các lực lượng, các cấp, ngành trong quản lý, bảo vệ biên giới, phòng, chống dịch Covid-19 có lúc chưa thường xuyên, kịp thời. Dẫu đã ưu tiên mọi nguồn lực để đầu tư, nhưng đến nay, hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng khu vực biên giới vẫn còn thiếu; đa số người dân chưa có mô hình sản xuất kinh tế, việc làm ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh.
 
“UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Ngoại vụ nghiên cứu các phương án và tập trung kêu gọi các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài đầu tư, hỗ trợ các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển KT-XH vùng biên giới của tỉnh. Tỉnh sẽ huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc phối hợp triển khai các đề án bảo đảm sinh kế cho ĐBDTTS; tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án phát triển KT-XH tại khu vực biên giới. Đặc biệt là tăng cường các chính sách phát triển kinh tế, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu nhằm đẩy mạnh giao lưu hàng hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm chia sẻ.
 
Trong 7 tháng năm 2021, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tổ chức khánh thành và bàn giao 25 công trình “Ánh sáng vùng biên”, dài trên 24km, trị giá khoảng 865 triệu đồng. Thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg, ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng thủy hải sản và dịch vụ khai thác trên các vùng biển xa, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 1.024 tàu tham gia; hỗ trợ ngư dân tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa với tổng số tiền trên 233 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí lớn, tạo nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất khai thác thủy hải sản của tỉnh.
 
Theo baoquangbinh.vn