Người lái xe và những kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp 
10 năm lái xe phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là khoảng thời gian quý giá của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Duy Khoa với đầy ắp kỷ niệm về tình đồng hương, đồng chí, đồng đội. Giờ đây, khi nhắc đến những năm tháng không thể quên ấy, ông Khoa lại rưng rưng, xúc động...
 
 Người lính lái xe của Đại tướng
 
Mở đầu câu chuyện, CCB Nguyễn Duy Khoa nhớ lại: “Để được lái xe phục vụ Đại tướng là cả quá trình học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng và qua nhiều bước tuyển chọn, tôi thấy mình may mắn hơn nhiều người lính khác khi trở thành người kề cận Đại tướng trong suốt thời gian dài. Đây cũng là niềm vinh dự, có ý nghĩa lớn trong cuộc đời làm nhân viên lái xe như tôi.” 
 
Lật giở hành trình công tác của người lái xe, chúng tôi ghi được: CCB Nguyễn Duy Khoa sinh năm 1954 trong một gia đình có truyền thống cách mạng, ở thôn Dinh Mười, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh. Khi vừa tốt nghiệp lớp 10, cậu thanh niên Nguyễn Duy Khoa tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong ở đơn vị 305 Cảng Quảng Bình.
Vợ chồng CCB Nguyễn Duy Khoa trân trọng kỷ vật thiêng liêng được gia đình Đại tướng tặng.
Vợ chồng CCB Nguyễn Duy Khoa trân trọng kỷ vật thiêng liêng được gia đình Đại tướng tặng.
Vì thể hiện được bản lĩnh chính trị và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, năm 1974, Nguyễn Duy Khoa được cấp trên cử dự thi và tham gia học tại Trường Thủy lợi 1 Trung ương. Năm 1978, ngày tốt nghiệp cũng là ngày Nguyễn Duy Khoa lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ông được biên chế vào Tiểu đoàn 32, Trung đoàn 542, Quân khu 3 (ở Nho Quan, Ninh Bình) và được đào tạo lái xe tại Trường lái xe Quân khu 3 (tại Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương).
 
Tháng 5-1979, Nguyễn Duy Khoa được phân công tác tại Đại đội 3, Cục quản lý Giáo dục Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng. Tháng 7-1979, ông được điều nhận nhiệm vụ lái xe riêng phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại số nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội.
 
Đại tướng thân thương như người cha…
 
CCB Nguyễn Duy Khoa nhớ mãi buổi đầu tiên được gặp Đại tướng nhận nhiệm vụ: “Đại tướng nói rằng, đừng gọi tôi là thủ trưởng, thầy, chú hay bác mà hãy gọi tôi là anh xưng em, như thế cho dễ nghe, dễ làm việc và gần gũi. Kể từ đó, Bác Giáp thân thương như người cha, người anh cả để tôi toàn tâm toàn ý phục vụ và không làm gì phụ lòng tin yêu của Đại tướng”.
 
Phía dưới bức tượng đồng có danh sách những người phục vụ Đại tướng.
Phía dưới bức tượng đồng có danh sách những người phục vụ Đại tướng.
Suốt 10 năm (từ 1979-1989), CCB Nguyễn Duy Khoa được Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem như người thân, gắn bó với bao kỷ niệm vui buồn. Trong số những người phục vụ tại văn phòng nơi Đại tướng ở và làm việc thời điểm đó chỉ có lái xe Nguyễn Duy Khoa là người Quảng Bình, được Đại tướng luôn ân cần dặn dò và dành sự quan tâm, tình cảm đặc biệt.
 
Vì đường về quê và phương tiện lúc bấy giờ còn rất khó khăn và do đặc thù công việc nên CCB Nguyễn Duy Khoa gần như ở hẳn với gia đình Đại tướng, kể cả trong dịp Tết, lễ. “Nhưng chúng tôi thấy ấm áp như một gia đình, bởi giữa người phục vụ như tôi và Đại tướng không hề có khoảng cách thủ trưởng-nhân viên. Đại tướng luôn trao đổi, chuyện trò với chúng tôi như với người thân…”, ông Khoa rưng rưng nhớ lại.
 
CCB Nguyễn Duy Khoa kể: “Có rất nhiều kỷ niệm cảm động về những chuyến tháp tùng Đại tướng đi công tác xa… Năm 1984, nhân kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi lên Điện Biên trước chờ đón Đại tướng tại sân bay Mường Thanh. Rất đông người dân chen chúc nhau ở sân bay để được đón Đại tướng, vừa thoáng thấy Đại tướng, mọi người ào đến ôm Bác, khi ấy, tôi thấy rõ những nụ cười và cả những giọt nước mắt vui mừng của người dân khi gặp Đại tướng. Những cử chỉ, lời nói tuy giản dị của Đại tướng nhưng chúng tôi luôn khắc cốt ghi tâm và lấy đó làm bài học về cách đối nhân xử thế. Đại tướng thường nói lời cảm ơn sau mỗi lần chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ hay dùng từ xin lỗi vì những lần đến trễ hẹn…”.
 
Giờ Đại tướng đi xa, kỷ vật thiêng liêng nhất mà CCB Nguyễn Duy Khoa luôn nâng niu trân trọng là bức tượng đồng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, do gia đình Đại tướng trao tặng. Dưới bức chân dung có khắc tên những người phục vụ Đại tướng, trong đó có Nguyễn Duy Khoa.
 
Ngày về của người lính
 
Năm 1989, do hoàn cảnh gia đình, bố tuổi già, đau yếu, con thơ, CCB Nguyễn Duy Khoa xin Đại tướng được chuyển về quê công tác. Ông Khoa nhớ lại: “Khi chuẩn bị rời Hà Nội về quê, Đại tướng gặp và dặn rằng: “Về nhớ phục vụ huyện nhà cho tốt. Cậu hãy coi nhà tôi là gia đình thứ 2, khi nào có dịp ra Hà Nội công tác thì cứ tự nhiên vào nhà, không phải báo cáo, nhé”. Vì vậy, mãi từ đó đến nay, mỗi lần có công chuyện ra Hà Nội, tôi đều dành thời gian đến thăm gia đình Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu.”
Bức ảnh lưu niệm với vợ chồng Đại tướng (chụp năm 1982) được CCB Nguyễn Duy Khoa cất giữ, treo cẩn thận trong phòng khách. (Trong ảnh: ông Khoa đứng ngoài cùng bên trái
Bức ảnh lưu niệm với vợ chồng Đại tướng (chụp năm 1982) được CCB Nguyễn Duy Khoa cất giữ, treo cẩn thận trong phòng khách. (Trong ảnh: ông Khoa đứng ngoài cùng bên trái
Trong ngôi nhà khang trang ở tổ dân phố (TDP) 3, phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới, vợ chồng ông Khoa dành phòng khách rộng chừng 20m2 để lưu giữ những hình ảnh, kỷ vật, giấy khen, bằng khen trong suốt quá trình công tác. Trong đó, đáng chú ý là bức tượng đúc chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đặt vị trí trang trọng nhất.
 
10 năm (từ 1979-1989) lái xe phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ở tại dãy nhà công vụ số 30 Hoàng Diệu là 10 năm CCB Nguyễn Duy Khoa đón Tết cổ truyền cùng gia đình Đại tướng. CCB Nguyễn Duy Khoa cũng nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Quốc phòng, địa phương về những thành tích xuất sắc trong quá trình công tác.

Chia sẻ về những kỷ niệm với CCB Nguyễn Duy Khoa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Hải Châu cho biết: “Lái xe phục vụ qua nhiều thế hệ lãnh đạo huyện Quảng Ninh (từ năm 1989-2014) trong đó có tôi, CCB Nguyễn Duy Khoa chưa lần nào gặp sự cố hay va chạm giao thông bởi đức tính cẩn thận, chu đáo.

Với phong thái đỉnh đạc, mẫn cán, chân chất của người lính, tôi rất hài lòng khi làm việc với anh Khoa. Tôi quý anh ấy ở chỗ, anh còn là một CCB mẫu mực khi về hưu vẫn không nghỉ, tiếp tục tham gia vào các phong trào, hoạt động giữ gìn an ninh khu phố, xây dựng TDP văn minh kiểu mẫu, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp”.

Với bản chất người lính, từ khi về nghỉ hưu năm 2014 cho đến nay, CCB Nguyễn Duy Khoa được TDP, chính quyền địa phương tín nhiệm giao các nhiệm vụ và ông nhiệt tình tham gia, được người dân, cấp ủy, chính quyền địa phương quý mến, đánh giá cao.
 
 
 
 
 
 
 
 
Theo baoquangbinh.vn