Ý kiến các sở, ban, ngành tại kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khoá XVIII 
 Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành đã nêu những vấn đề cử tri quan tâm.
 Kịp thời phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm công nghệ cao
 
*Đại tá, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công tỉnh
 
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, bên cạnh các tiện ích mà internet, mạng xã hội mang lại thì hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá ngày càng phức tạp, phương thức, thủ đoạn tinh vi, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình.
 
Trước tình hình đó, Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, tổ chức có hiệu quả các kế hoạch, phương án phòng ngừa đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao và đạt được những kết quả quan trọng, triệt xóa nhiều đường dây, ổ nhóm tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua các ứng dụng mạng xã hội (Zalo, Viber, Facebook…), trong đó nhiều vụ tổ chức đánh bạc, đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá quy mô lớn với nhiều đối tượng tham gia.
Lãnh đạo Công an tỉnh triển khai công tác đấu tranh với tội phạm công nghệ cao.
Lãnh đạo Công an tỉnh triển khai công tác đấu tranh với tội phạm công nghệ cao.
Từ năm 2019 đến nay, Công an tỉnh đã đấu tranh thành công 34 chuyên án, vụ án với tội phạm trên không gian mạng. Trong đó có 6 chuyên án lớn với tang số hàng nghìn tỷ đồng, bắt giữ, khởi tố hơn 70 bị can. Đặc biệt trong thời gian diễn ra giải vô địch bóng đá châu Âu-Euro 2020 và Nam Mỹ-Copa America 2021 (từ ngày 15-5-2021 - 14-7-2021), các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố, thị xã đã triệt phá thành công 13 vụ đánh bạc trên không gian mạng, liên quan 117 đối tượng; trong đó 11 vụ, 43 đối tượng đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá.
 
Điển hình là: Ngày 25-6-2021, phá “Chuyên án 321Đ”, triệt phá 3 đường dây đánh bạc bằng hình thức số lô, số đề với quy mô giao dịch hơn 36 tỷ đồng/tháng, liên quan 56 đối tượng. Ngày 8-7-2021, phá “Chuyên án TĐN7”, triệt phá đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá, liên quan 10 đối tượng; chỉ tính từ tháng 5-2021 đến thời điểm phá án, tổng số tiền đánh bạc của các đối tượng khoảng 60 tỷ đồng.
 
Những kết quả trên đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, được lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Thời gian tới, Công an tỉnh đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm lợi dụng không gian mạng chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
 
Minh Văn (thực hiện)
 
 
“Quảng Bình sẵn sàng đón, phục vụ khách du lịch trong tình hình mới...”
 
                                                                      *Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch
 
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Quảng Bình nói riêng đã bị ảnh hưởng nặng nề. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Du lịch triển khai kịp thời, linh hoạt các biện pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động du lịch.
 
Theo đó, Sở Du lịch đã tập trung theo dõi, nắm bắt, tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn thực hiện các biện pháp du lịch an toàn tại các địa điểm cung cấp dịch vụ du lịch; quảng bá du lịch trên các nền tảng số, liên kết hợp tác phát triển du lịch với các điểm đến và duy trì sự liên kết với các thị trường khách trong nước, quốc tế; phát động, phối hợp các doanh nghiệp thực hiện chương trình kích cầu du lịch nội địa, chương trình “Người Quảng Bình đi du lịch Quảng Bình” phù hợp với diễn biến dịch Covid-19, góp phần tạo lượng khách nội tỉnh ổn định, khẳng định thương hiệu Quảng Bình điểm đến an toàn và khác biệt.
Các tour mạo hiểm, khám phá hang động là thế mạnh của du lịch Quảng Bình.
Các tour mạo hiểm, khám phá hang động là thế mạnh của du lịch Quảng Bình.
Trong 7 tháng năm 2021, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 541.970 lượt khách, giảm 62% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khách du lịch nội địa ước đạt 537.958 lượt khách, giảm 61%; khách du lịch quốc tế ước đạt 4.012 lượt khách, giảm 93%. Quảng Bình tiếp tục được các tạp chí du lịch uy tín đánh giá là điểm đến hấp dẫn tại Việt Nam. Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng được TripAdvisor đánh giá là 1 trong 15 vườn quốc gia được yêu thích hàng đầu thế giới; tạp chí Lonely Planet bình chọn là 1 trong 2 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam. Hang Sơn Đoòng được Hãng thông tấn CNN chọn là 1 trong 10 điểm đến tuyệt vời nên khám phá ở Việt Nam.
 
Để phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới, ngành Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp triển khai các hoạt động quảng bá các chương trình kích cầu, thu hút khách du lịch; liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố, các tổ chức trong nước và quốc tế; tham mưu UBND tỉnh về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển đối với ngành Du lịch; triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19…
 
Ngọc Hải (thực hiện)
 
 
Quyết liệt kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc
 
                                                Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT
 
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi; trong đó, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) và viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đã gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến tình hình phát triển chăn nuôi của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, DTLCP đã xảy ra tại 37 xã, phường/8 huyện, thị xã, thành phố làm 1.895 con lợn chết, bị tiêu hủy. Bệnh VDNC trên trâu, bò xảy ra tại 125 xã/phường trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố làm 10.044 con trâu, bò mắc bệnh.
 
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên đàn gia súc, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; tổ chức phun tiêu độc khử trùng; tiêm phòng vắc-xin; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận chuyển động vật qua lại trên địa bàn; thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương, nhất là các nơi đang bùng phát DTLCP, VDNC và vùng có nguy cơ cao; kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, giết mổ động vật…
Cán bộ Thú y kiểm tra chất lượng giống lợn nái hậu bị trước khi hỗ trợ người dân tái đàn.
Cán bộ Thú y kiểm tra chất lượng giống lợn nái hậu bị trước khi hỗ trợ người dân tái đàn.
Các địa phương trong toàn tỉnh đã phun 11.183 lít hóa chất và rải 159.570kg vôi bột để tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh VDNC trên trâu, bò và DTLCP; tiêm 80.300 liều vắc-xin phòng bệnh VDNC trên trâu, bò. Nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của ngành NN, các địa phương và người chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn gia súc đã được kiểm soát, khống chế. Hiện tại, 50 xã, phường/7 huyện, thị xã, thành phố đã công bố hết dịch bệnh VDNC với hơn 7.500 con bò được chữa lành bệnh; 33 xã đã công bố hết DTLCP, còn 4 xã chưa qua 21 ngày.
 
Để tiếp tục ổn định và phát triển sản xuất, ngành NN đang tập trung thực hiện các biện pháp hướng dẫn và hỗ trợ người chăn nuôi thực hiện tái đàn theo hướng có kiểm soát và bảo đảm an toàn dịch bệnh. Sở NN-PTNT đã hỗ trợ giống lợn nái hậu bị cho người dân tái đàn; xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học với kinh phí hơn 900 triệu đồng.
 
Để bảo đảm tái đàn ổn định, các trang trại phải có biện pháp bảo vệ đàn lợn nái; tăng cường áp dụng các biện pháp nuôi an toàn sinh học, có sự liên kết trong chăn nuôi; thực hiện tăng đàn tại chỗ ở các cơ sở chăn nuôi tập trung đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học trên cơ sở bảo đảm nguồn con giống tự sản xuất; kiểm soát chặt chẽ nguồn giống từ bên ngoài vào.
 
Lan Chi (thực hiện)
 
 
Chủ động, linh hoạt ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới
 
*Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế
 
Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là trách nhiệm của các cấp, các ngành, toàn xã hội và mỗi người dân, trong đó, ngành Y tế giữ vai trò nòng cốt về tham mưu các giải pháp chuyên môn, nghiệp vụ. Thời gian qua, toàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động kiểm soát dịch bệnh Covid-19, khống chế thành công các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
 
Tính từ ngày 20-7-2021 (thời điểm phát hiện 3 ca dương tính tại bản Bãi Dinh, xã Dân Hoá, huyện Minh Hóa) đến nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp. Số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng, đặc biệt phát hiện nhiều trường hợp trở về từ các tỉnh phía Nam mắc Covid-19. Tuy nhiên, nhờ triển khai tốt các hoạt động truy vết, phát hiện sớm người về từ vùng dịch, các trường hợp có liên quan đến ca mắc Covid-19 để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 kịp thời nên tỉnh đã chủ động kiểm soát được dịch. Bệnh viện dã chiến tỉnh đã tiếp nhận, điều trị cho 69 bệnh nhân Covid-19 (tính đến ngày 11-8), trong đó có 6 trường hợp đã được điều trị khỏi. Các bệnh nhân Covid-19 được theo dõi, chăm sóc, điều trị theo đúng hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, chưa có trường hợp bệnh nhân nặng phải chuyển tuyến.
Ngành Y tế đang tập trung đẩy mạnh hoạt động tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Ngành Y tế đang tập trung đẩy mạnh hoạt động tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Tỉnh cũng đã triển khai tốt hoạt động tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Qua 3 đợt triển khai tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ, toàn tỉnh đã có trên 48.190 người được tiêm, trong đó, 8.352 người đã tiêm đủ 2 mũi. Hoạt động tiêm chủng được diễn ra an toàn và hiệu quả.

Để chủ động đáp ứng với các tình huống của dịch bệnh, ngành Y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm soát từ vòng ngoài (tăng cường chốt chặn, truy vết các trường hợp mắc Covid-19, các F1, F2 của ca bệnh, đẩy mạnh việc xét nghiệm SARS-CoV-2) và thực hiện tốt nhiệm vụ vòng trong (cách ly, điều trị cho bệnh nhân Covid-19). Ngành Y tế tiếp tục tập trung đẩy mạnh hoạt động tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên diện rộng với mục tiêu đến cuối năm 2021 sẽ đạt khoảng 92% người trên 18 tuổi được tiêm vắc-xin (nếu được Bộ Y tế cung ứng đủ nguồn vắc-xin).
 
Tỉnh cũng đã đưa vào sử dụng các khu cách ly y tế tập trung dịch vụ (các khách sạn) và chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc thành lập cơ sở điều trị Covid-19 cấp 1 tại khu ký túc xá Trường cao đẳng Luật miền Trung để thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng nếu thời gian tới bệnh nhân tiếp tục tăng vượt quá công suất của Bệnh viện dã chiến tỉnh.
 
                                                                                                Mỹ Huệ (thực hiện)
 
 
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công
 
                                  * Ông Phan Phong Phú, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư
 
Quán triệt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) là nhiệm vụ rất quan trọng của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã giao các nguồn vốn để các chủ đầu tư chủ động thực hiện và giải ngân các nguồn vốn năm 2021. UBND tỉnh cũng đã tổ chức hội nghị chuyên đề bàn các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư tập trung thực hiện.
 
Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC đến cuối tháng 7-2021 mới đạt 37,1% so với kế hoạch. Nguyên nhân do thực hiện vốn đầu tư trong 7 tháng năm 2021 gặp không ít khó khăn chủ yếu do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài; giá nhiều loại vật liệu xây dựng tiếp tục tăng cao, đặc biệt là giá sắt thép tăng 30-40% so cùng kỳ năm trước; nhiều dự án gặp vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), địa chất cần phải xử lý; các dự án ODA, các nguồn vốn kéo dài phải thực hiện nhiều thủ tục để trình bộ, ngành Trung ương...nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân.
Dự án Hệ thống thủy lợi Rào Nan được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là thực hiện tốt công tác giải ngân vốn ĐTC.
Dự án Hệ thống thủy lợi Rào Nan được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là thực hiện tốt công tác giải ngân vốn ĐTC.
Trước thực tế đó, để đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn ĐTC, nâng cao hiệu quả nguồn vốn, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC và xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021, nhằm tạo việc làm, kích cầu thị trường, tăng thu ngân sách... góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 63/NQ-CP, ngày 29-6-2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn ĐTC và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
 
Cùng đó, UBND tỉnh cần kiên quyết điều chuyển vốn ĐTC từ các ngành, đơn vị, địa phương và từng dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng thực hiện và giải ngân tốt; yêu cầu sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm giải ngân 100% vốn ĐTC năm 2021 và các nguồn vốn từ các năm trước chuyển sang. Tập trung giải quyết tốt các vướng mắc về GPMB, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh. Đặc biệt, phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp chậm, vi phạm quy định, thất thoát, lãng phí; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả thực hiện và giải ngân vốn ĐTC, xem đây là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021, là căn cứ để đánh giá cán bộ, bình xét thi đua khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ.
 
Thời gian tới, Sở Kế hoạch-Đầu tư sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao; tập trung kiểm tra thực tế tình hình triển khai và giải ngân các dự án trọng điểm, các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có biện pháp xử lý và tổng hợp, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.
 
                                                                                                           Bùi Thành (thực hiện)
 
 
Triển khai đồng bộ các giải pháp phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS
 
* Ông Đặng Ngọc Tuấn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT
 
Trước hết cần khẳng định, việc phân luồng sau tốt nghiệp THCS là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đã có những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, tỷ lệ phân luồng sau tốt nghiệp THCS chưa bảo đảm theo Đề án của Chính phủ.
 
Có một thực trạng rất rõ hiện nay là, nếu tăng tỷ lệ tuyển sinh vào THPT thì sẽ giảm tỷ lệ vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (theo hướng tăng, giảm tỷ lệ này thì phù hợp với nguyện vọng phụ huynh, học sinh) và ngược lại, nếu tăng tỷ lệ vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì sẽ giảm tỷ lệ vào THPT (theo hướng tăng, giảm tỷ lệ này thì thực hiện theo đúng kế hoạch phân luồng của tỉnh). Đây là một mâu thuẫn và là một bài toán cần phải có lộ trình, đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương trong toàn tỉnh mới thực hiện được.
 
Có một số nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đó là: Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về hướng nghiệp và phân luồng sau tốt nghiệp của một số trường học, một số cơ sở đào tạo nghề chưa thực sự sâu rộng trong xã hội; nhận thức của người dân và xã hội đối với công tác phân luồng học sinh chưa đầy đủ; học sinh chưa xác định đúng về năng lực của bản thân để lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai cho phù hợp.
Cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh về chủ trương phân luồng sau tốt nghiệp THCS.
Cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh về chủ trương phân luồng sau tốt nghiệp THCS.
Mặt khác, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn chưa làm tốt công tác tuyển sinh, đặc biệt là tại các địa bàn vùng khó khăn nên vẫn còn học sinh tốt nghiệp THCS chưa được tiếp cận giáo dục nghề nghiệp; cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
 
Bên cạnh đó, tỉnh chưa có nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất để thu hút nguồn lao động sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đa số học sinh, phụ huynh có nguyện vọng được tiếp tục học lên THPT mà không muốn đi học nghề.
 
Từ thực trạng trên, để thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS, theo Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh và toàn xã hội về chủ trương phân luồng sau tốt nghiệp THCS; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố đưa chỉ tiêu phân luồng sau tốt nghiệp THCS vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) và các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức khảo sát thực trạng nhu cầu học nghề của học sinh để thống nhất phương án tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển lớp, học sinh; không áp đặt việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS; nhằm bảo đảm chỉ tiêu phân luồng, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 và đáp ứng nguyện vọng được tiếp tục học lên THPT của học sinh.
 
Đồng thời, Sở GD-ĐT đề nghị Sở LĐ-TB-XH chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải làm tốt hơn nữa công tác tuyển sinh; kịp thời tuyên truyền vận động đối với những học sinh không trúng tuyển THPT để các em yên tâm tiếp tục học tập; nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường lao động để có kế hoạch đào tạo những ngành nghề phù hợp; chú trọng công tác giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp để thu hút học sinh tham gia học nghề.                                 
 
A.Tuấn (Thực hiện)
 
 
Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh 
 
* Ông Trần Thế Vương, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Nội vụ
 
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định: Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh là một trong bốn khâu đột phá quan trọng. Quán triệt tinh thần chỉ đạo đó, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã vào cuộc và xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị xuyên suốt của cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện CCHC, nhất là cải cách TTHC.
 
Trong 6 tháng đầu năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành 46 quyết định công bố đối với 361 TTHC, trong đó có 185 TTHC ban hành mới, 38 TTHC sửa đổi bổ sung và bãi bỏ 138 TTHC. Tổng số TTHC đang có hiệu lực thi hành được UBND tỉnh công bố và tổ chức công khai là 1.963 thủ tục. Số lượng hồ sơ được tiếp nhận trên toàn tỉnh là 289.972 hồ sơ (bao gồm 2.554 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến; 269.382 hồ sơ tiếp nhận trực tiếp qua dịch vụ bưu chính; 18.036 hồ sơ tiếp nhận từ kỳ trước chuyển sang). Trong đó 94,4% hồ sơ giải quyết đúng hạn; 5,1% hồ sơ đang giải quyết trong hạn.
Các TTHC quyết, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức.
Đẩy mạnh giải quyết các TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, tập trung hoàn thiện Trung tâm điều hành thông minh; giải quyết công việc trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành; cung cấp dịch vụ công trực tuyến giúp người dân, tổ chức giải quyết TTHC được thông suốt, hiệu quả; thực hiện sắp xếp cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp và các tổ chức bên trong kịp thời, đúng quy định; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; thực hiện tinh giản biên chế theo đúng lộ trình đề ra…
 
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đã đạt được, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế: Một số cơ quan, đơn vị, địa phương có nơi, có lúc chưa quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC; việc giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân một số nơi còn chậm so với quy định; việc triển khai rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá, công bố, công khai thủ tục hành chính một số nơi còn chậm; triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu…
 
Nhằm đẩy mạnh CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt để nâng cao các chỉ số CCHC (PAR INDEX), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong thời gian tới dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương phải chủ động rà soát xây dựng cụ thể, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao; quán triệt chủ trương của Đảng về CCHC là một trong những khâu đột phá phát triển đất nước; gắn CCHC đồng bộ với cải cách lập pháp và cải cách tư pháp và đổi mới phương thức lãnh đạo; CCHC phải xuất phát từ lợi ích của người dân và doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và thước đo đánh giá chất lượng phục vụ cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
 
Thanh Hải (thực hiện)
Theo baoquangbinh.vn