Những đóng góp của các tôn giáo ở Quảng Bình trong công tác an sinh xã hội 

Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Công giáo và Phật giáo là 02 tổ chức tôn giáo lớn với số lượng tín đồ chiếm trên 12% dân số của tỉnh. Trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương; đời sống bà con giáo dân, tín đồ ngày càng được nâng cao; chức sắc, chức việc tín đồ các tôn giáo được tạo mọi điều kiện trong thực hành đức tin; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, góp phân xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng phát triển.

Sự đóng góp của đồng bào các tôn giáo ở tỉnh ta trên lĩnh vực phát triển kinh tế, giảm nghèo luôn đạt hiệu quả cao; trong đó phải kể đến mô hình đánh bắt xa bờ với tàu cá công suất lớn cùng ngư lưới cụ hiện đại đem lại hiệu quả kinh tế cao của nhiều hộ gia đình ngư dân các giáo xứ Tân Mỹ (phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn), Văn Phú (Quảng Văn, Ba Đồn), Trừng Hải (Quảng Phú, Quảng Trạch)…; tổ hợp ươm ghép giống cây lâm nghiệp của gia đình giáo dân Trần Văn Bường, ở giáo xứ Chợ Sàng (xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch); các mô hình chăn nuôi lợn rừng, gà thả vườn, trồng tiêu của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Bảy, giáo dân xứ Khe Ngang (xã Phúc Trạch, Bố Trạch) và chị Nguyễn Thị Nguyện, giáo xứ Troóc (xã Phúc Trạch); mô hình nuôi cá trắm và cá chình phục vụ nhu cầu của khách du lịch của hộ gia đình giáo dân Hoàng Xuân Thái, giáo xứ Hà Lời (thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch); các tổ hợp chế biến thủy, hải sản của hộ gia đình ở giáo xứ Nhân Thọ (Quảng Thọ)…

 

Linh mục và Hội đồng mục vụ giáo họ Bàu Sen tích cực tham gia bảo vệ rừng Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

 

Trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng nông thôn mới; các tổ chức đạo Công giáo và Phật giáo trên địa bàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng, tham gia ký kết Chương trình phối hợp về phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ gìn và bảo vệ vệ sinh môi trường, thực hành nếp sống văn minh trong khu dân cư và nơi cơ sở thờ tự, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; đóng góp công sức, tiền của tham gia xây dựng cơ sở vật chất, cầu đường, tu sửa cơ sở thờ tự khang trang, sạch đẹp góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới. Điển hình là các giáo xứ, giáo họ thuộc vùng phụ cận Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng như Hà Lời, Chày, Bàu Sen đã tích cực phối hợp với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong công tác bảo vệ sinh thái, bảo vệ rừng trong khu vực Di sản; các chùa Đại Giác (thành phố Đồng Hới), chùa Hoằng Phúc (huyện Lệ Thủy); giáo họ Thanh Hải, giáo xứ Gia Hưng (huyện Bố Trạch)… đã tham gia đóng góp hàng trăm triệu đồng ủng hộ việc xây dựng nông thôn mới.

Các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh cũng đã phát huy vai trò, thế mạnh của mình trong các hoạt động từ thiện nhân đạo như nhận nuôi, chăm sóc trẻ khuyết tật, mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn; điển hình như Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi thuộc cộng đoàn Mến Thánh giá Hướng Phương (huyện Quảng Trạch); giáo họ Bàu Sen (huyện Bố Trạch), chùa Đại Giác (thành phố Đồng Hới); hoạt động cấp phát gạo hằng tháng hỗ trợ người nghèo, người già cả, neo đơn, bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện của chùa Đại Giác (thành phố Đồng Hới), giáo họ Hội Nghĩa (huyện Bố Trạch)..; mô hình “Nồi cháo tình thương” của bà con Phật tử huyện Quảng Ninh, huyện Bố Trạch… Đặc biệt, trong đợt lũ tháng 10/2020, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tích cực giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào vùng lũ với tổng số tiền mặt và nhu yếu phẩm trên hàng chục tỷ đồng.

Trong lĩnh vực giáo dục, nhiều xứ đạo thành lập quỹ khuyến học - khuyến tài, hằng năm tổ chức tuyên dương và thưởng cho những em học giỏi, giúp đỡ các em có gia cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, khích lệ những em thi đỗ đại học, cao đẳng. Trong lĩnh vực y tế, tuy chưa có cơ sở y tế nào của tổ chức tôn giáo được thành lập song ở một số nơi, linh mục quản xứ đã liên kết, mời các đoàn bác sỹ trong nước và nước ngoài về khám sức khỏe, mổ mắt miễn phí cho bà con giáo dân (giáo xứ Đan Sa, giáo xứ Hướng Phương, giáo xứ Diên Trường)... Những hoạt động này đã góp phần nâng cao sức khỏe cho bà con giáo dân, tín đồ; nâng cao chất lượng học tập ở các giáo xứ, giáo họ, số lượng học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng mỗi năm một tăng, số lượng học sinh là con em gia đình giáo dân bỏ học ở các cấp giảm đáng kể.

Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Quảng Bình ủng hộ phòng chống dịch Covid

 

Trong đại dịch Covid-19, các chức sắc, chức việc, tín đồ Công giáo và Phật giáo  trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc tích cực, với các hoạt động đáng ghi nhận. Các vị chức sắc đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, vận động, nhắc nhở bà con giáo dân, tín đồ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; hoãn, hủy hoặc giảm quy mô tổ chức đối với nhiều cuộc lễ trọng của tôn giáo; tuyên truyền, đăng tải các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng và tổ chức tôn giáo cấp trên nhằm quán triệt, nhắc nhở giáo dân, tín đồ nâng cao ý thức phòng chống dịch; đóng góp ủng hộ hàng trăm triệu đồng vào “Quỹ vaccine phòng COVID-19”, góp phần cùng chính quyền địa phương đẩy lùi dịch bệnh (Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh ủng hộ 50 triệu đồng; giáo xứ Kim Lũ (huyện Tuyên Hóa), giáo xứ Văn Phú (thị xã Ba Đồn), giáo họ Bàu Sen và Hội Nghĩa (huyện Bố Trạch)… đã ủng hộ tổng cộng hơn 150 triệu đồng). Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp tại các tỉnh phía Nam, đồng bào các tôn giáo lại tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, chung tay cùng các cấp chính quyền ủng hộ nhân tài, vật lực để tiếp tế cho các vùng dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh bị ảnh hưởng.

Ngoài việc thực hiện tốt các quy định pháp luật trong sinh hoạt tôn giáo, thi đua phát triển kinh tế - xã hội; bà con giáo dân trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp tích cực trong việc bảo vệ trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh. Trong cuộc bàu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, trên địa bàn tỉnh có 248 đại biểu là chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp, có 134 vị trúng cử.

Đồng chí Trần Đức Thủy - Trưởng Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ  cho biết: Những kết quả đạt được của đồng bào các tôn giáo tỉnh Quảng Bình đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững tình hình chính trị, an ninh quốc phòng ở địa phương. Tin tưởng rằng, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể, đồng bào các tôn giáo tỉnh Quảng Bình tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, từ đó, góp phần tích cực củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp.

 

Theo Hoàng Huế (Ban Tôn giáo)