Vạch trần tham nhũng, tiêu cực giữa cuộc chiến cam go chống Covid-19 
 Nhiều vụ án bị “lật tẩy”, không ít cán bộ bị phát hiện tham nhũng, tiêu cực liên quan đến Covid-19, cho thấy bản chất tham lam của một số “quan chức” thoái hoá về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, làm giàu bản thân trong lúc cả nước gồng mình chống dịch bệnh.

 

Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm hầu toà vì tội tham nhũng tại Hà Nội. Ảnh: Danh Trọng


“Ăn chặn” trên nỗi đau người bệnh

Dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta đầu năm 2020, và đây cũng là thời gian “hé lộ” bản chất tham lam của những quan chức làm trong ngành Y tế.

Vụ tham nhũng lớn đầu tiên được phát hiện trong cuộc chiến chống Covid-19 là trường hợp của Nguyễn Nhật Cảm - Cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội.

Thay vì cống hiến cho đất nước, chăm lo cho người bệnh tại Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm lại cấu kết với cán bộ, nhân viên cấp dưới để “ăn chặn” gần 4 tỷ đồng thông qua “đấu giá, mua bán vòng vèo, thủ tục nhì nhằng, nhiều khâu nhiều bước”.

Với mục tiêu chiếm đoạt, ông Cảm đã chỉ đạo cấp dưới nâng khống giá một chiếc máy xét nhiệm Covid-19 lên 7 tỷ đồng (cao gấp 3 lần), trong khi giá gốc chỉ 2,3 tỷ đồng. Số tiền thu lợi bất chính này, lẽ ra đủ để cứu sống hàng trăm bệnh nhân F0 trở nặng, dư sức để mua hàng ngàn bộ kít xét nghiệm cho người dân.

Sáng 10/12/2020, ông Cảm và đồng bọn đã phải đứng trước “vành móng ngựa” để cúi đầu nhận án với tội “chủ mưu, lợi dụng dịch bệnh, vì động cơ vụ lợi, thông đồng nâng giá máy xét nghiệm Covid -19 lên 7 tỉ đồng, gấp 3 lần giá nhập, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Hà Nội”.

Cái giá phải trả cho lòng tham những là những năm tháng “bóc lịch” trong tù, nhưng điều lớn nhất là ông Cảm đã đánh mất, đó là thanh danh của một cán bộ làm trong ngành Y lấy “đức làm nghề, lấy nhân làm lẽ sống, lấy danh dự để tồn tại”.

 


Ông Trần Vinh bị khống chế, đưa về Công an phường Nại Hiên Đông. Ảnh: Thân Lai


Hay như, ông Trần Vinh, Phó Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND thành phố Đà Nẵng đã tát nữ nhân viên y tế trước mặt bác sĩ và nhân dân khi ông này đi tets nhanh Covid-19 tại khu Nại Hưng 2, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà vào sáng 1/8.

Thay vì cảm thông chia sẻ với áp lực, căng thẳng mà lực lượng y tế ở địa phương này đang dốc tâm dốc sức ngày đêm làm việc, thì ông Vinh lại có hành xử không thể chấp nhận.

Mới 2 tháng trước đó, ở tuổi 45, ông Trần Vinh được bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Đà Nẵng.

Chiều 8/8/2021, ông Trần Vinh đã bị Chi bộ Công tác Quốc hội thuộc Đảng uỷ Cơ quan Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Đà Nẵng kỷ luật cảnh cáo và giáng chức...

Các trường hợp khác, ông Đỗ Khắc Minh - Chủ tịch UBND xã Minh Nghĩa; ông Lương Khắc Nam - Chủ tịch UBND xã Tế Lợi; ông Lê Văn Duệ - Chủ tịch UBND xã Tế Thắng cùng ông Ngô Minh Trung - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Tế Lợi (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá) tổ chức tập trung đánh bạc ăn tiền - một hành động không thể chấp nhận được giữa đại dịch.

Gần đây nhất, 3 cán bộ, nhân viên thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu buộc phải thôi việc vì không chấp hành giãn cách xã hội, lăng mạ, thách thức cơ quan chức năng khi ra đường không lý do, trong khi thành phố Vũng Tàu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Điều đáng nói hơn là, bản thân những cán bộ trẻ tuổi này, có hành vi thách thức “phạt đến 50 triệu đồng chứ mấy” và coi thường pháp luật, tháo khẩu trang, gác chân lên bàn, châm thuốc hút…

Những người hi sinh thầm lặng

Trong cuộc chiến cam go chống “giặc Covid-19”, từ người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến hơn 95 triệu người dân trên khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam đều dốc lòng, dốc sức, ngày đêm chống dịch.

Đồng hành với hàng ngàn người bệnh trong các khu cách ly, là những y, bác sĩ đầm đìa mồ hôi trong bộ bảo hộ “nóng như nung lửa”, “ngứa nhặm như kim châm”.

 


Bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: Mai Thắng


Để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan từ địa phương này đến địa phương khác, có hàng chục nghìn chiến sĩ công an, quân đội, thanh niên tình nguyện chốt chặn trong tâm dịch. Hàng ngàn chiến sĩ biên phòng chốt chặn giữa rừng sâu núi thẳm cả năm chưa một lần về thăm gia đình. Hàng vạn bác sĩ, y tá ngày đêm túc trực bên người bệnh chỉ biết nhìn con bé bỏng qua mạng zalo. Hàng nghìn chiến sĩ công an dầm mưa, dãi nắng chốt trực trên các tuyến đường, ngõ hẻm, khu phố. Nhiều chiến sĩ từ ngày vào quân ngũ chưa một lần về thăm gia đình, khi bố mẹ từ trần vì nhiễm Covid, đều phải nén lòng chịu tang người thân yêu nhất tại doanh trại quân đội.

Anh sĩ quan công an hi sinh khi làm nhiệm vụ đuổi bắt cướp giữa mùa đại dịch. Người chiến sĩ khoác áo màu xanh từ trần vì phơi nhiễm F0. Hàng ngàn chiến sĩ Quân khu 7 thầm lặng ngày đêm chuyển người bệnh tử vong vì Covid, đem đi hoả táng và gửi tro cốt về gia đình của họ…

Tất cả hành động mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang làm; các anh, chị đang thầm lặng quên mình, hi sinh, hiến dâng tuổi thanh xuân giữa mùa đại dịch, là hành động cao cả, nhân văn, đẹp đẽ nhất được đất nước ghi danh, nhân dân cả nước nhớ ơn. Tất cả vì sự bình yên của Tổ quốc.

Danh dự con người là điều thiêng liêng cao quí nhất

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhiều đến phẩm chất đạo đức cao quí của người cán bộ trong thời kỳ đất nước đổi mới. Sở dĩ Tổng Bí thư đề cập đến vấn đề “đạo đức, bản lĩnh, lẽ sống” của người cộng sản cách mạng, vì ông nhìn thấy “lòng tham vô đáy” của một số trong chốn “quan trường”, trong bộ máy cầm quyền ở hệ thống chính trị các cấp đã “bộc lộ” ngay cả khi đất nước lâm nguy, dịch Covid tàn phá nặng nề.

Trước tình trạng có cán bộ “bộc lộ lòng tham”, tham nhũng, tiêu cực, người đứng đầu Đảng ta chỉ rõ: “Kẻ thù khi đất nước hoà bình không mang súng là lòng tham, nảy sinh lòng tham. Người liêm khiết thì bất kỳ công việc gì cũng không động lòng tham. Kẻ ăn cắp quốc khố mãi hổ thẹn với lương tâm, dòng họ, gia đình và Tổ quốc”.

Phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, vin cớ rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí dẫn đến làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng này thì hãy dẹp sang một bên cho người khác làm! Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”…!

Đất nước ta đang ở giai đoạn cam go của cuộc chiến chống “giặc Covid-19”. Ngoài “giặc vô hình” lẩn khuất trong hơi thở, không khí ở địa phương, còn có loại “giặc nội xâm” đang “ẩn núp” trong các tổ chức đảng, chính quyền các cấp. Với sự đồng lòng chung sức của toàn xã hội, nhất định Việt Nam sẽ chiến thắng “giặc Covid-19”; đẩy lùi và tiêu diệt “giặc nội xâm” - loại “giặc” còn nguy hiểm hơn giặc “vô hình” hiện nay.

 

Theo Thanhtra.vn