Nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật 
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng văn bản QPPL thời gian qua và tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu ban hành văn bản QPPL thời gian tới, đồng thời triển khai thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 01/7/2021 về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2021, ngày 16/8/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công văn số 1555/UBND-NCVX về nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL).
Theo đó, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh cần:

Thứ nhất: Chỉ đạo, tổ chức huy động các nguồn lực để tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng văn bản QPPL. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng tham mưu văn bản, hạn chế tối đa việc xin điều chỉnh tiến độ xây dựng ban hành văn bản QPPL; khắc phục triệt để việc chậm tham mưu văn bản quy định chi tiết, chậm trong xử lý văn bản sau rà soát.

Quá trình xây dựng văn bản QPPL cần phát huy tinh thần cao nhất vì lợi ích xã hội, tránh tình trạng cục bộ, lợi ích nhóm; kiểm soát chặt chẽ các quy định, thủ tục hành chính gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ, toàn diện, kịp thời, hiệu quả hệ thống văn bản QPPL của HĐND và UBND tỉnh trên mọi lĩnh vực, công tác tổ chức thực thi pháp luật phải được coi trọng và thực hiện nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả.

Thứ hai: Trong quá trình lập đề nghị xây dựng quyết định của UBND tỉnh hoặc lập đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh, cơ quan chủ trì phải phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành có liên quan để xác định rõ sự cần thiết, đối tượng, phạm vi điều chỉnh, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và nguồn lực tài chính đảm bảo, nhất là việc đề nghị xây dựng văn bản quy định về chính sách, biện pháp thi hành văn bản pháp luật cấp trên hoặc chính sách, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đảm bảo tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết có chất lượng, đúng tiến độ, đúng thẩm quyền.

Thứ ba: Về tham mưu xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành nghiêm túc thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục trong xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL; đảm bảo tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết có chất lượng, đúng tiến độ, đúng thẩm quyền.

Thứ tư: Tăng cường chỉ đạo việc rà soát văn bản QPPL do HĐND và UBND tỉnh ban hành thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo các kế hoạch rà soát văn bản QPPL hàng năm hoặc chuyên đề để kịp thời tham mưu UBND tỉnh xử lý hoặc trình HĐND tỉnh xử lý theo thẩm quyền những văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mai Thành (Phòng Nội chính)