Kiện toàn, nâng cao chất lượng công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình 

Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã đã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, quản lý và giải quyết các công việc tư pháp phát sinh ở cơ sở để kịp thời phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, trên thực tế, đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã đang bộc lộ những bất cập, hạn chế và có sự biến động lớn trong thời gian gần đây, rất cần được khẩn trương kiện toàn, nâng cao chất lượng công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, phát huy dân chủ ở cơ sở theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Công chức tư pháp - hộ tịch xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) là các công chức đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo Thông tư 13/2019/TT-BNV hướng dẫn quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố của Bộ Nội vụ và các tiêu chuẩn cụ thể theo Khoản 2, Điều 72, Luật Hộ tịch năm 2014: Có trình độ từ trung cấp luật trở lên và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch; có chữ viết rõ ràng và trình độ tin học phù hợp theo yêu cầu công việc. Căn cứ điều kiện thực tế về diện tích, dân số, khối lượng công việc tư pháp, hộ tịch của địa phương, Chính phủ quy định việc bố trí công chức tư pháp - hộ tịch đảm nhiệm công tác hộ tịch chuyên trách. Công chức làm công tác hộ tịch tại Phòng Tư pháp phải có trình độ cử nhân luật trở lên và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch.

Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã đã được củng cố, kiện toàn về số lượng, nâng cao về chất lượng để tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, quản lý và giải quyết các công việc tư pháp phát sinh ở cơ sở để kịp thời phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Hiện nay, theo quy định pháp luật, vai trò của đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã ngày càng quan trọng, nhiệm vụ ngày càng nhiều (đang phải đảm nhận thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ). Trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, phát huy dân chủ ở cơ sở theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhiệm vụ công tác tư pháp cấp xã và trực tiếp là của công chức tư pháp - hộ tịch ngày càng được mở rộng, khối lượng công việc gia tăng, tính chất công việc ngày càng phức tạp.

Công chức tư pháp - hộ tịch mang tính hệ thống chuyên sâu về pháp luật và sự kiện hộ tịch có tính dân sự, gắn liền với nhân thân của người dân ở cơ sở, công chức tư pháp - hộ tịch cần phải có sự chuyên trách, ổn định, có kinh nghiệm thực tiễn, nắm vững địa bàn, tình trạng hộ tịch của hộ gia đình, cư dân trên địa bàn để bảo đảm việc quản lý và đăng ký hộ tịch được chính xác, chất lượng và có hiệu quả.

Tuy nhiên, trên thực tế, đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã đang bộc lộ những bất cập, hạn chế và có sự biến động lớn trong thời gian gần đây. Số lượng công chức tư pháp - hộ tịch ở một số địa phương còn mỏng; có những xã, phường loại 1 và loại 2 khối lượng công việc nhiều, tính chất công việc phức tạp song chỉ bố trí 1 công chức tư pháp - hộ tịch chuyên trách. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận công chức tư pháp - hộ tịch chưa đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định. Một số địa phương bố trí các chức danh khác (công chức địa chính xây dựng, công chức văn phòng - thống kê, công chức văn phòng - thống kê, công chức văn hóa - xã hội, Phó Chỉ huy Quân sự, Phó trưởng Công an xã…) kiêm nhiệm chức danh tư pháp hộ tịch, hoặc điều chuyển Công an xã sang giữ chức danh công chức tư pháp - hộ tịch. Có địa phương thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã dù công việc mà đội ngũ này phải đảm nhận có phạm vi rộng hơn so với vị trí phải định kỳ chuyển đổi là “cải chính tư pháp, chứng nhận tư pháp”. Thực tế này đã ảnh hưởng đến chất lượng triển khai công tác tư pháp cấp xã, đồng thời chưa bao quát được hết các nhiệm vụ tư pháp theo quy định, đặc biệt là trong lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, phổ biến pháp luật, giáo dục pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật. 

Trong tình hình chung của cả nước, bên cạnh những ưu điểm, kết quả, đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn bộc lộ những bất cập, hạn chế về số lượng, chất lượng và có sự biến động trong thời gian gần đây.

Vì vậy, để kiện toàn, nâng cao chất lượng công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, ngày 26/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 199-CV/TU yêu cầu Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:

Một là: Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã đủ số lượng, ưu tiên bố trí công chức tư pháp - hộ tịch làm công tác hộ tịch chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn là đơn vị hành chính cấp xã loại 1, loại 2 có đông dân cư, số lượng công việc hộ tịch nhiều theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sử đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

Hai là: Thực hiện việc tuyển dụng, bố trí cán bộ đảm nhận công tác tư pháp - hộ tịch có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hộ tịch năm 2014, Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn; bảo đảm cán bộ thực hiện nhiệm vụ theo đúng chức danh được phân công. Định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã theo hướng đảm bảo hài hoà giữa việc thực hiện các quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng và yêu cầu công việc tư pháp được giao, đặc biệt là lĩnh vực chuyên sâu và am hiểu tình hình, phong tục tập quán tại địa bàn dân cư của công tác hộ tịch cấp xã theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Ba là: Bố trí, tạo điều kiện cho đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch, nhất là các trường hợp hiện nay chưa có đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ được tham gia đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hoá, nâng cao trình độ chuyên môn luật và nghiệp vụ về công tác hộ tịch, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Bốn là: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về nguồn nhân lực và các điều kiện đảm bảo khác để công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã có thể triển khai thực hiện đầy đủ, toàn diện, chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực hơn nữa vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.

 

12 nhiệm vụ của công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã

1. Tổ chức thực hiện việc tự kiểm tra văn bản QPPL do UBND cấp xã ban hành; rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL do HHDND, UBND cấp xã ban hành theo quy định tại Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (sửa đổi năm 2020), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ).

2. Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý tại địa phương; xử lý theo thẩm quyền của UBND cấp xã hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ) và các văn bản QPPL hướng dẫn thi hành.

3. Tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) theo trách nhiệm quản lý trên địa bàn; hướng dẫn nội dung, hình thức, tổ chức Ngày Pháp luật, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tổ chức Ngày Pháp luật; xây dựng, tập huấn, bồi dưỡng, quản lý đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật ở cấp xã theo quy định tại Luật PBGDPL năm 2012, Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PBGDPL, Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật.

4. Tổ chức thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở; xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hòa giải; thành lập, kiện toàn tổ hòa giải và công nhận, quyết định thôi làm tổ trưởng tổ hòa giải, hòa giải viên ở địa phương theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và các văn bản QPPL hướng dẫn thi hành.

5. Tự đánh giá việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật tại cơ sở; thực hiện các biện pháp xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

6. Thực hiện đăng ký hộ tịch theo quy định pháp luật; quản lý, cập nhật, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và cấp bản sao trích lục hộ tịch; quản lý, sử dụng sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch, lưu trữ sổ hộ tịch, hồ sơ đăng ký hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch năm 2014 và các văn bản QPPL quy định chi tiết thi hành.

7. Thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước; ghi chú việc nuôi con nuôi có yêu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật; quản lý, cập nhật, khai thác, sử dụng phân hệ đăng ký nuôi con nuôi trong nước thuộc Hệ thống đăng ký quản lý hộ tịch; ghi chép, sử dụng, quản lý sổ đăng ký nuôi con nuôi, biểu mẫu nuôi con nuôi, hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi theo quy định của Luật Nuôi con nuôi năm 2010 và các văn bản QPPL quy định chi tiết thi hành.

8. Thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch; quản lý, sử dụng Sổ chứng thực; lưu Sổ chứng thực theo quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 về cấp bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch; thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

9. Quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản QPPL hướng dẫn thi hành.

10. Phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trên địa bàn theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi năm 2014) và các văn bản QPPL hướng dẫn thi hành.

11. Báo cáo thống kê về tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác tư pháp được giao với Ủy ban nhân dân cấp huyện và Phòng Tư pháp theo quy định tại Thông tư số 03/2019/TT-BTP ngày 20/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo quy định một số nội dung về hoạt động thống kê của ngành Tư pháp và quy định báo cáo, thống kê theo các chuyên ngành trong lĩnh vực tư pháp.

12. Thực hiện các nhiệm vụ khác về công tác tư pháp theo quy định của pháp luật.

(Theo Công văn số 81-CV/BCSĐ ngày 22/7/2021 của BCS Đảng Bộ Tư pháp)

Theo Đoàn Thị Thanh Hoan, Phòng Nội chính