Toàn tỉnh thực hiện công tác bảo vệ trẻ em trên cả 03 cấp độ gồm phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp 

Thời gian qua, các chính sách, pháp luật, văn bản chỉ đạo thực hiện quyền trẻ em đã được các cấp, ngành của tỉnh triển khai kịp thời, hiệu quả đến tận địa phương, cơ sở và toàn xã hội. Trong quá trình thực hiện, các cấp, các ngành thường xuyên rà soát, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp, phát sinh trong thực tiễn đời sống qua quá trình thực hiện, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác bảo vệ trẻ em được thực hiện trên cả 03 cấp độ gồm phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp. Từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức, năng lực về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, cán bộ nòng cốt, phụ huynh và chính bản thân các em. Trung tâm Bảo trợ xã hội thực hiện tốt việc tiếp nhận, hỗ trợ, can thiệp và tư vấn trực tiếp cho các đối tượng cần sự trợ giúp và tư vấn hỗ trợ qua số đường dây nóng 1800 92 93. Từ tháng 7/2020 - tháng 8/2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 26 lớp tập huấn cho cán bộ nòng cốt, cha mẹ, người chăm sóc trẻ, trẻ em về kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực, tai nạn đuối nước cho 4.173 người tham gia. Trung tâm Bảo trợ Xã hội đã tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho hơn 151 cán bộ kết nối cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em cấp xã; hỗ trợ, can thiệp cho 02 trẻ em bị xâm hại tình dục, 02 trẻ em bị bạo lực, 02 trẻ em có nguy cơ bị bỏ rơi; đồng thời triển khai thực hiện 02 mô hình gồm Mô hình cung cấp kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn và Mô hình kết nối, tìm gia đình thay thế cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại huyện Minh Hóa. Công an tỉnh đã xây dựng, nhân rộng mô hình tự quản về trật tự an toàn xã hội và chương trình phòng, chống đuối nước trẻ em phù hợp với địa bàn, nhất là các tuyến sông, địa bàn có nguy cơ xảy ra tai nạn, đuối nước cao; chú trọng công tác tổ chức, hướng dẫn trẻ em qua lại trên các tuyến phương tiện chở khách, những nơi trẻ em phải đến trường bằng đường thủy, kỹ năng bơi lội, phương pháp sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh nhằm hướng tới việc giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ mất an toàn về đuối nước đối với trẻ em.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 07 vụ có hành vi xâm hại trẻ em liên quan đến 09 đối tượng và tiến hành khởi tố 04 vụ (04 bị can), xử lý hành chính 01 vụ (03 đối tượng), đang tiếp tục điều tra 02 vụ (02 đối tượng). Sở Tư pháp đã tổ chức triển khai tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ chăm sóc trẻ em; chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh thực hiện tốt hoạt động trợ giúp pháp lý, trong đó chú trọng nội dung trợ giúp pháp lý cho trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em theo quy định của pháp luật; khảo sát, đánh giá tình hình phát triển con nuôi trong nước tại cấp xã và tình hình trẻ em sinh sống tại cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập; thực hiện 08 trường hợp nuôi con nuôi trong nước; không có trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ, chấm dứt việc nuôi con nuôi; tiếp nhận, đang giải quyết 02 trường hợp đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình xây dựng và phát sóng phóng sự về chủ đề: "Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh"; phát thông điệp tuyên truyền phòng, chống về tai nạn đuối nước, xâm hại tình dục trẻ em cũng như hướng dẫn địa phương, cơ sở tuyên truyền về phòng, chống xâm hại, bạo lực, tai nạn đuối nước trẻ em trên hệ thống loa truyền thanh của xã.

Trong công tác chăm sóc trẻ em, toàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế và bác sỹ làm việc, 98,67% trạm y tế xã, phường, thị trấn có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi, 88,6% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí Quốc gia về y tế. Bên cạnh công tác xã hội hóa về y tế đã có bước phát triển, góp phần phục vụ chẩn đoán và nâng cao chất lượng điều trị, việc cấp phát Thẻ Bảo hiểm Y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi đảm bảo theo đúng trình tự về thủ tục, thời gian quy định. Tính đến nay, 100% trẻ em dưới 06 tuổi được cấp Thẻ Bảo hiểm Y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đạt cao (95%) góp phần làm giảm số trẻ em mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh hiểm nghèo; số trẻ từ 06 - 60 tháng tuổi được uống vitamin A đạt 99,08%. Từ tháng 7/2020 - 8/2021, địa phương thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho 163 trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; 611 trẻ khuyết tật đặc biệt nặng, 1.107 trẻ khuyết tật nặng; tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cho 399 trẻ em khuyết tật tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

Đối với công tác giáo dục trẻ em, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường giải quyết vấn đề về trẻ em, chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em như phòng, chống xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích, đặc biệt tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông; hỗ trợ trẻ em khuyết tật; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào vấn đề về trẻ em; xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, không có bạo lực; tiếp tục thực hiện phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; có kế hoạch phòng ngừa việc học sinh bỏ học cũng như hình thức dạy học, giáo dục phù hợp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Song song với đó, địa phương đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhà trường, gia đình và cộng đồng trong công tác bảo vệ trẻ em, đảm bảo an toàn cho trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt kỹ năng về phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực đối với trẻ em cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh; tích hợp việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử tích cực, tự phòng ngừa xâm hại cho trẻ em, học sinh vào chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa; đảm bảo môi trường vật chất, môi trường tâm lý an toàn trong trường học; tăng cường, nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Trẻ em, đảm bảo thực hiện tốt việc xây dựng môi trường sống, học tập và sinh hoạt an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh; thông qua thực hiện phong trào thi đua tạo môi trường học tập, sinh hoạt, giáo dục lành mạnh, xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện, không bạo lực; đảm bảo môi trường giáo dục người học được tôn trọng, đối xử công bằng, bình đẳng và nhân ái, được phát huy dân chủ, tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện. Ngoài ra, công tác giáo dục cho trẻ khuyết tật được ngành Giáo dục và Đào tạo quan tâm chỉ đạo thực hiện, trong đó hầu hết các em trong độ tuổi đi học có khả năng đến trường, có nhu cầu học tập đều được tạo điều kiện để đi học.

Về công tác văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí cho trẻ em, trong điều kiện đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, theo tình hình thực tế của từng địa phương, cơ sở, việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, vui chơi giải trí cho trẻ em vẫn thường xuyên được các cấp, ngành quan tâm như nhiều mô hình, sản phẩm văn hóa, trò chơi phù hợp với mức độ phát triển và tư duy của trẻ xuất hiện; hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao, hệ thống điểm vui chơi ngày càng được mở rộng; gia đình, cộng đồng ngày càng quan tâm về nhu cầu vui chơi giải trí cho trẻ em. Các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, nâng cao phẩm chất, năng lực cho học sinh được nhiều trường học quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 15 chương trình phát thanh, truyền hình về thực hiện quyền trẻ em và 20 chuyên trang, chuyên mục trên báo, tạp chí, báo mạng, trang thông tin chuyên ngành truyền thông về thực hiện quyền trẻ em được phổ biến ở địa phương. Hoạt động tuyên truyền vấn đề liên quan đến trẻ em trên địa bàn tỉnh được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú như tổ chức văn hóa nghệ thuật, thể dục - thể thao, tập huấn, hội nghị, hội thảo, trưng bày, giới thiệu, luân chuyển sách, tuyên truyền trên loa phát thanh cơ sở để hướng dẫn gia đình thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, giáo dục trẻ em giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị truyền thống của gia đình. Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức 03 lớp tập huấn về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cho đối tượng cán bộ cốt cán tại các thôn của xã Liên Trường, Quảng Thạch, Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch) với số lượng 252 học viên. Thông qua lớp tập huấn đã lồng ghép nội dung về tuyên truyền nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 01 Nhà Thiếu nhi cấp tỉnh, 06 điểm vui chơi dành cho trẻ em cấp huyện, 186 điểm vui chơi dành cho trẻ em ở cấp xã; hệ thống thư viện được hình thành và phát triển nhằm thu hút đông đảo trẻ em tham gia; 01 thư viện cấp tỉnh, 07 thư viện cấp huyện. Các mô hình thư viện thân thiện trong các nhà trường ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng và 100% thư viện trường tiểu học đạt chuẩn trở lên.

Trong vấn đề thực hiện quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em, để tạo điều kiện cho trẻ em được tham gia, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề liên quan đến quyền và bổn phận của mình, các cấp, ngành, địa phương và tổ chức xã hội đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thiết thực như: Hội đồng Trẻ em tỉnh và Hội đồng Trẻ em huyện Quảng Ninh, Đội Tuyên truyền Măng non, Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ, Câu lạc bộ Quyền trẻ em, Câu lạc bộ nghi thức Chim họa mi, Câu lạc bộ Nhật Lệ xanh, Câu lạc bộ Nhạc cụ dân tộc... thu hút hàng nghìn lượt trẻ em tham gia.

Tuy nhiên, tình hình tai nạn thương tích, xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn xảy ra nhiều nơi trên địa bàn, nhất là tai nạn đuối nước. Từ tháng 7/2020 - 8/2021, toàn tỉnh có 07 vụ xâm hại tình dục trẻ em, 35 vụ tai nạn đuối nước là trẻ em làm chết 44 trẻ; tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng vẫn còn cao; tình trạng trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra với 57 vụ liên quan đến 102 đối tượng là người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật và đã tiến hành khởi tố 15 vụ (17 bị can), xử lý hành chính 31 vụ (57 đối tượng), giao cho gia đình quản lý 01 vụ (03 đối tượng), biện pháp khác 02 vụ (03 đối tượng). Ngoài ra, cơ sở vật chất phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần ở một số địa phương chưa đáp ứng nhu cầu của trẻ em, các địa điểm sinh hoạt, vui chơi, đồ chơi và trò chơi lành mạnh cho trẻ em còn nhiều thiếu thốn, đặc biệt là xã miền núi, vùng sâu, vùng xa...

Nhằm góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thời gian tới, tỉnh đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội giúp có chính sách đào tạo, thu hút, bồi dưỡng đội ngũ nhân viên xã hội làm công tác xã hội; ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng quy định của pháp luật trong lĩnh vực hộ tịch để giảm thiểu những thiếu sót, chưa đầy đủ khi áp dụng trong thực tế; đồng thời có văn bản pháp luật giải quyết những chồng chéo giữa quy định của pháp luật trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, nuôi con nuôi. Cùng với đó, địa phương cũng đề xuất kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chi tiết hơn về quyền được tham gia và cách thức thực hiện quyền được tham gia của trẻ em, nhất là trong quá trình xây dựng chính sách liên quan đến trẻ em của chính quyền các cấp, những nội dung liên liên quan đến hoạt động bảo vệ trẻ em như dịch vụ bảo vệ trẻ em, trợ giúp pháp lý đối với trẻ em...

Theo quangbinh.gov.vn