Chuyện quản lý: Không để lỡ "vé thông hành" chỉ dẫn địa lý 

 

Khoai deo Quảng Bình (Ảnh: Internet)

 

1. Còn nhớ năm 2013, đề tài nghiên cứu “Khai thác, phát triển nguồn gen cam mật Hiền Ninh, tỉnh Quảng Bình” được triển khai, mở ra nhiều cơ hội “đổi đời” cho loại cây đặc sản giống bản địa này.

 
Giống cam mật Hiền Ninh có hương vị đặc trưng thơm ngon, hấp dẫn, nhiều giá trị kinh tế nếu được nhân rộng. Đề tài nghiên cứu cũng tạo cơ hội để bảo tồn và phát huy giống cam mật bản địa, từ đó, xây dựng bộ chỉ dẫn địa lý làm cơ sở thương hiệu cho sản phẩm cam mật Hiền Ninh. Những năm tiếp theo, cây cam mật Hiền Ninh tiếp tục được mở rộng quy mô tại nhiều địa phương gò đồi ở các huyện: Quảng Ninh, Lệ Thủy..., mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.
 
Tuy vậy, một chỉ dẫn địa lý về giống cam mật Hiền Ninh vẫn chưa thể thành hiện thực.
 
2. Theo thông tin từ Sở Khoa học-Công nghệ, tính đến thời điểm này, Quảng Bình vẫn chưa có một chỉ dẫn địa lý nào được bảo hộ. Nguyên nhân chủ yếu là do các sản phẩm có nguồn gốc Quảng Bình còn ít ỏi, nhất là các giống thuần chủng, chưa lai tạp; thêm nữa, quy mô sản xuất chưa đủ lớn, chưa mang tính đại diện vùng hay khu vực cao. Bên cạnh đó, kinh phí và công sức để thực hiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý khá lớn, đòi hỏi sự hợp sức chặt chẽ, bền vững từ chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người dân tham gia…
 
Hiện 2 tỉnh bạn là Quảng Trị và Hà Tĩnh đã có những sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho riêng mình. Trong đó, Quảng Trị có 1 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là “Hạt tiêu Quảng Trị” từ năm 2018 và đang xây dựng bộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê “Khe Sanh”. Hà Tĩnh có “nhung hươu Hương Sơn” (năm 2019) và “bưởi Phúc Trạch” (năm 2011) được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đáng chú ý, từ tháng 8-2020, bưởi Phúc Trạch đã được Liên minh châu Âu bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
 
3. Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện: Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý; sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.
 
Điều này cho thấy vai trò rất quan trọng của chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trên thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu. Đây là hướng đi hiệu quả để bảo vệ thương hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế của hàng hóa, mở ra nhiều tiềm năng cho thị trường xuất khẩu, thương mại điện tử; đồng thời, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẽ nỗ lực mở rộng sản xuất, hoàn thiện chuỗi liên kết, nâng tầm giá trị thương hiệu. Trong bối cảnh dịch Covid-19 và những biến đổi khó lường của thị trường, việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý chính là “vé thông hành” để tiến vào thị trường nội địa và quốc tế.
 
Được biết, Quảng Bình hiện đang dự định xây dựng chỉ dẫn địa lý cho chuỗi các sản phẩm gắn với phát triển du lịch (như: Sâm Bố Chính, khoai deo, nước mắm…) với kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển hơn cho nông sản bản địa. Kỳ vọng, tương lai không xa, nông sản tỉnh nhà sẽ có được “vé thông hành” để ra biển lớn.
Theo Báo QB