Ngành Ngân hàng không phát sinh vụ việc tham nhũng 

 Đây là kết quả nổi bật về công tác phòng, chống tham nhũng của toàn ngành Ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2021.

 Theo báo cáo, ngành Ngân hàng đã quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) cho cán bộ, công chức, viên chức bằng nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức 1.411 lớp tuyên truyền, quán triệt pháp luật về PCTN; số lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp tập huấn, quán triệt pháp luật về PCTN là 133.146 lượt người; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ công nhân viên chức trong toàn Ngành, kịp thời chấn chỉnh đối với những cá nhân có biểu hiện sai trái hoặc có những hành vi tiêu cực, kết hợp công tác đấu tranh chống tham nhũng với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Mỗi đơn vị ngành Ngân hàng đều có bộ phận tiếp công dân, tiếp khách hàng để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo nói chung và tố cáo tham nhũng nói riêng. Các đơn vị đã chú trọng tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ theo định kỳ và theo chương trình công tác kiểm tra, kiểm soát. Qua đó, phát hiện, điều chỉnh kịp thời các quy định không còn phù hợp, đẩy mạnh các biện pháp chống tệ nạn quan liêu, vòi vĩnh hoặc hạch sách khách hàng, phát hiện sớm các sai phạm rủi ro tiềm ẩn để có các biện pháp khắc phục, chỉnh sửa kịp thời.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng đã thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động tham mưu ban hành chính sách, cơ chế, giải pháp điều hành về tiền tệ, tín dụng. Công khai minh bạch trong việc mua sắm trang thiết bị, phương tiện đi lại, sửa chữa tài sản, công cụ làm việc, nội dung dự án, số liệu dự toán, quyết toán, đấu thầu... Công khai kết luận thanh tra, kiểm tra, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong công tác phục vụ khách hàng, các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện thông báo công khai tại nơi giao dịch các quy chế, quy định về thủ tục gửi tiền tiết kiệm, vay vốn, lãi suất, tỷ giá... tạo thuận lợi cho khách hàng đến giao dịch và làm căn cứ cho khách hàng giám sát việc tuân thủ các quy định của cán bộ ngân hàng.


Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: baochinhphu.vn


Trong 9 tháng đầu năm 2021, toàn ngành Ngân hàng đã ban hành mới 709 văn bản và sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 289 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Các đơn vị đã thực hiện 687 cuộc kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Có 860 đơn vị ngân hàng thực hiện kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, qua đó đã phát hiện và xử lý 32 cán bộ, nhân viên vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Các cấp công đoàn trong Ngành đã tuyên truyền sâu rộng nội dung của “Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng” tới toàn thể đoàn viên, người lao động. Đồng thời, vận động đoàn viên, người lao động thực hiện nghiêm túc các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, cũng như các quy tắc ứng xử, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị đoàn kết, vững mạnh, xây dựng Ngành phát triển bền vững; tạo niềm tin, uy tín và hình ảnh của ngành Ngân hàng đối với toàn xã hội.

Tại các TCTD, việc luân chuyển cán bộ được thực hiện chủ yếu đối với những bộ phận thường xuyên tiếp xúc với tiền, tài sản và cán bộ làm việc tại các lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản; kế toán, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ, định giá, thẩm định dự án.... nhằm ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng xảy ra. Theo báo cáo của các đơn vị, trong 9 tháng đầu năm 2021, toàn ngành Ngân hàng đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 5136 cán bộ, công chức, viên chức chủ yếu là cán bộ làm công tác tín dụng, kho quỹ, giao dịch viên, kế toán thanh toán (Quý III/2021 chuyển đổi 98 cán bộ, công chức, viên chức).

Qua đánh giá Chỉ số CCHC (Par Index), trong 5 năm liên tiếp gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan duy nhất liên tục xếp thứ nhất trong số 19 bộ, cơ quan. Kết quả nổi bật này là minh chứng của sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, sự thống nhất từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ, công chức, người lao động ngành Ngân hàng. NHNN đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa công tác hành chính và dịch vụ công; 100% thủ tục hành chính của NHNN đã được cập nhật trên cơ sở đữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Cổng dịch vụ công NHNN đã tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia để đăng tải đầy đủ thông tin về các thủ tục hành chính của NHNN, phục vụ nhu cầu tìm hiểu, tra cứu thông tin của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành Ngân hàng.

Hiện nay, 100% các đơn vị trong ngành Ngân hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, trả lương qua tài khoản đối với cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành và cán bộ của các cơ quan, đơn vị khác. Các TCTD tiếp tục đẩy mạnh việc mở các điểm rút tiền tự động (ATM) phục vụ cho các cơ quan, đơn vị đăng ký trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức, kể cả các cán bộ đã nghỉ hưu qua tài khoản tại ngân hàng, đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người thanh toán tiền lương qua tài khoản.

Đối với khu vực ngoài nhà nước, NHNN đã triển khai kịp thời, đầy đủ các văn bản, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác PCTN, tội phạm đến toàn bộ các đơn vị trong ngành Ngân hàng, trong đó có các TCTD, nhằm tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa, hạn chế các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo ổn định, an toàn trong hoạt động của hệ thống Ngân hàng. NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD thành lập Ban chỉ đạo PCTN và tội phạm, xây dựng kế hoạch thực hiện công tác PCTN tại các đơn vị; tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung quy định về trách nhiệm của cán bộ, nhân viên đối với công tác phòng, chống tội phạm và xử lý trách nhiệm liên đới của cán bộ, nhân viên, phát hiện kịp thời những nguy cơ rủi ro để có biện pháp xử lý.

Ngoài ra, NHNN đã tổ chức thanh tra theo kế hoạch hàng năm, nội dung thanh tra được lựa chọn trọng tâm, trọng điểm ở các nghiệp vụ dễ phát sinh rủi ro, vi phạm; xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật và yêu cầu các đối tượng thanh tra nghiêm túc khắc phục các tồn tại, sai sót trong hoạt động. Giám sát chặt chẽ hoạt động của các TCTD, qua đó, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - NHNN đã ban hành các văn bản khuyến nghị, cảnh báo về các rủi ro hoạt động của các TCTD nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời kiểm tra, xác minh, kết luận rõ đúng, sai đối với những đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan hữu quan như: Bộ Công an, cơ quan cảnh sát điều tra các cấp, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN....trong việc cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu để phục vụ công tác điều tra và xử lý các hành vi tham nhũng; các TCTD trong ngành Ngân hàng đã thực hiện tốt việc phối hợp trong việc cung cấp thông tin các giao dịch đáng ngờ, phong tỏa tài khoản, khấu trừ/trích chuyển tiền trong tài khoản của các đối tượng/người có nghĩa vụ đề thu hồi tiền và tài sản cho Nhà nước.

Đặc biệt, NHNN đã phối hợp với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và các tổ chức quốc tế trong việc thực thi các chương trình, dự án và hoạt động hỗ trợ về công tác đấu tranh PCTN tại NHNN Việt Nam. Các chương trình hợp tác đa phương và song phương tiếp tục hướng vào chiều sâu góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN trong ngành Ngân hàng./.

 

Theo ThanhtraVietNam.vn