Ngành Ngân hàng: Loại bỏ sự phiền hà trong thủ tục hành chính khi giải quyết công việc cho khách hàng nhằm PCTN 

 Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Đảng ủy Cơ quan Ngân hàng Trung ương và các cấp ủy Đảng trong ngành Ngân hàng luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng yêu cầu các đơn vị trong ngành tập trung thực hiện tốt từ nay đến cuối năm 2021.

 Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động tài chính ngân hàng diễn ra sôi động. Bên cạnh những mặt tích cực, tình hình tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng vẫn còn xảy ra tại một số tổ chức tín dụng (TCTD). Các đối tượng phạm tội lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao; lợi dụng kẽ hở trong quy định của pháp luật, trong việc kiểm tra, kiểm soát của ngân hàng để tham ô tham nhũng, biển thủ công quỹ, có hành vi diễn ra trong thời gian dài, chỉ đến khi có đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất hoặc đối chiếu số sách cuối năm mới bị phát hiện.

Đối tượng phạm tội hầu hết là người giữ chức vụ tại các TCTD, có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng nên thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, lợi dụng vị trí, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các TCTD, chỉ đạo nhân viên dưới quyền thực hiện từ đó gây hậu quả, thiệt hại cho ngân hàng; lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền của ngân hàng hoặc quan liêu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, năng lực yếu kém để xảy ra tội phạm gây hậu quả nghiêm trọng cho ngân hàng. Bên cạnh đó, một số đối tượng phạm tội là cán bộ, nhân viên trong Ngân hàng trực tiếp liên quan đến các giao dịch với khách hàng cố tình lừa đảo nên khó phát hiện.

 


Ảnh minh hoạ: thoibaonganhang.vn

 

Từ nay đến cuối năm 2021, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng (PCTN) và tội phạm của ngành Ngân hàng yêu cầu các đơn vị trong ngành tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PCTN và tội phạm, bám sát nội dung các văn bản của Nhà nước, hướng dẫn thực hiện của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, Ban Chỉ đạo 138/CP về lĩnh vực này.

Cụ thể, chú trọng thực hiện công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp đồng thời nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức, đảng viên, nhân viên ngành Ngân hàng. Đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN và tội phạm để tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, của Nhà nước và của ngành Ngân hàng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức.

Triển khai thi hành Luật PCTN số 36/2018/QH14 ngày 21/11/2018 của Quốc hội và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và thi hành Luật PCTN. Thực hiện và triển khai có hiệu quả tới các đơn vị về Kế hoạch số 04/KH-NHNN Kế hoạch thực hiện công tác PCTN và tội phạm năm 2021 của ngành Ngân hàng.

Tiếp tục triển khai Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN; Công ước liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ công chức, viên chức ngành Ngân hàng; Quyết định số 1491/QĐÐ-NHNN ngày 29/7/2014 của Thống đốc NHNN về ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 312/QĐ-TTg ngày 28/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm trong ngành Ngân hàng.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị tới các đơn vị trong ngành Ngân hàng và Công văn số 252/TTCP-C.IV ngày 19/2/2021 của Thanh tra Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập. Kịp thời kiện toàn Ban chỉ đạo PCTN và tội phạm ngành Ngân hàng khi có sự thay đổi về nhân sự.

Các TCTD tăng cường đổi mới, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ, hiện đại hóa công nghệ, thường xuyên rà soát và hoàn thiện quy trình giao dịch một cửa; Hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý, quy trình nghiệp vụ, phân cấp, ủy quyền nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật, góp phần ngăn ngừa và hạn chế tổn thất cho TCTD. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm loại bỏ sự phiền hà trong thủ tục hành chính khi giải quyết công việc cho khách hàng.

Thực hiện nghiêm túc Kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác PCTN và tội phạm năm 2021 đã được Thống đốc NHNN phê duyệt, từ đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót trong công tác PCTN và tội phạm, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và cảnh báo đến các ngân hàng về tội phạm trong hoạt động ngân hàng. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kịp thời kiểm tra, xác minh, kết luận rõ đúng, sai đối với những đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.

Ngoài ra, NHNN cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ xây dựng văn bản hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực thi quy định pháp luật về PCTN được quy định trong Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ quy định chỉ tiết một số điều của Luật PCTN. Đề nghị tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề về PCTN; chia sẻ những kinh nghiệm trong triển khai thực hiện các giải pháp về PCTN.

Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin và cung cấp các thủ đoạn, hành vi phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng; đưa ra các dấu hiệu cảnh báo, nhận dạng đối tượng tham nhũng đối với từng lĩnh vực trong hoạt động ngân hàng để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tội phạm, tham nhũng xảy ra. Có văn bản hướng dẫn về việc nhận định tình hình tham nhũng, đánh giá công tác PCTN; hướng dẫn phương pháp tiến hành điều tra xã hội học tại từng đơn vị, quy mô thu thập thông tin dữ liệu và khảo sát, hướng dẫn đánh giá sau khi có điểm tổng hợp về đánh giá công tác PTCN của đơn vị.

Dự báo trong thời gian tới, tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng tiếp tục gia tăng theo chiều hướng ngày càng tinh vi. Hiện nay, các ngân hàng đang triển khai mạnh mô hình giao dịch một cửa hay ngân hàng bán lẻ, nếu không có biện pháp kiểm soát tốt thì đối tượng cũng sẽ lợi dụng những sơ hở để thực hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng. Công tác tín dụng là một trong những nghiệp vụ đối tượng thường lợi dụng để tiêu cực, tham nhũng như vay ké, thu nợ, thu lãi không nộp, lập hồ sơ giả để vay vốn. Vì vậy, công tác thanh tra, kiểm tra cần phải tập trung kiểm tra sâu, rộng trong công tác thẩm định, quy định cấp tín dụng./.

 

Theo ThanhtraVietNam.vn