Ứng dụng công nghệ giúp công khai, minh bạch trong lĩnh vực giao thông vận tải 

 Một trong những hình thức công khai, minh bạch được Bộ GTVT triển khai trong công tác phòng, chống tham nhũng là xây dựng hệ thống phần mềm công khai, minh bạch, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các thủ tục hành chính...

 

Ứng dụng công nghệ giúp công khai, minh bạch trong lĩnh vực giao thông vận tải (Ảnh PV)


Cụ thể, Bộ GTVT luôn xác định việc công khai, minh bạch là một biện pháp phòng ngừa hữu hiệu trong công tác phòng, chống tham nhũng; việc công khai, minh bạch được triển khai trên nhiều lĩnh vực, như: Công tác chuẩn bị đầu tư, quy hoạch, kế hoạch và điều chỉnh các nguồn vốn, công khai dự toán thu, chi ngân sách, các hoạt động thu chi tài chính, mua sắm tài sản công, các chế độ, định mức tiêu chuẩn, công tác tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Một trong những hình thức công khai, minh bạch được Bộ GTVT triển khai là xây dựng hệ thống phần mềm công khai, minh bạch (phần mềm tPublic) nhằm phòng, chống tham nhũng. Tính đến nay, Bộ GTVT và các đơn vị trực thuộc đã công khai 1.302 văn bản trên hệ thống. Ngoài ra, việc thực hiện công khai, minh bạch được triển khai bằng nhiều hình thức như: Công khai tại cuộc họp, niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị, phát hành ấn phẩm, tổ chức họp báo hoặc cung cấp thông tin cho báo chí; xây dựng danh mục “Hỏi đáp” trên cổng thông tin điện tử.

Bộ GTVT cũng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính, đến nay đã ứng dụng 458 thủ tục hành chính, duy trì cung cấp 241 dịch vụ công trực tuyến (trong đó có 48 mức độ 3 (20%), 193 mức độ 4 (80%)). Như vậy, trong những tháng đầu năm 2021 các đơn vị thuộc Bộ đã dừng cung cấp 34 dịch vụ công do 4 thủ tục hành chính đã được bãi bỏ; xây dựng bổ sung 46 dịch vụ công mức độ 4. Về tổng số hồ sơ 9 tháng đầu năm có 112/220 thủ tục phát sinh hồ sơ (50%), các cơ quan, đơn vị tiếp nhận và giải quyết 345.502 hồ sơ trực tuyến và 30.009 hồ sơ thông qua hệ thống một cửa điện tử (số hồ sơ trực tuyến/tổng số hồ sơ đạt tỷ lệ 81,59%). So với cùng kỳ năm 2020, số lượng hồ sơ giảm 6.294 hồ sơ (tỷ lệ 2%), tuy nhiên tỷ lệ hồ sơ thực hiện trực tuyến tăng 12,5%.

Về xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) nền tảng dùng chung Bộ GTVT: Đã cơ bản hoàn thành xây dựng CSDL kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đang triển khai xây dựng CSDL kết cấu hạ tầng: hàng hải, hàng không, đường thuỷ nội địa, đường sắt; đã và đang hoàn thành CSDL phương tiện, CSDL người điều khiển phương, CSDL doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT.

Bên cạnh đó, Bộ đã hoàn thành xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu (LGSP) của Bộ GTVT, kết nối với Hệ thống Trung ương (NGSP). Hoàn thành tích hợp: Danh mục dùng chung phát triển chính phủ điện tử; CSDL đăng ký doanh nghiệp; đang thực hiện kết nối CSDL quốc gia về Dân cư; đã chia sẻ các dữ liệu của Bộ GTVT với Hệ thống thống thông tin của 5 Bộ và 9 địa phương.

Để minh bạch, tránh tiêu cực, thất thoát trong quản lý dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BOT và hướng tới sự hài lòng cao nhất cho người tham gia giao thông, hiện nay Bộ GTVT đang phối hợp với các Nhà đầu tư, Ngân hàng triển khai áp dụng công nghệ thu phí không dừng tại các trạm thu phí theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020.

 

Theo ThanhtraVietNam.vn