Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới 
Ngày 22/10/2010, Bộ Chính trị khoá X ban hành Chỉ thị số 48-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới (gọi tắt là Chỉ thị số 48).

Qua hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, công tác phòng, chống tội phạm đã có nhiều chuyển biến tích cực, các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia. Triển khai nhiều nội dung, biện pháp rất quyết liệt, sáng tạo, nhất là tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, các thành phố lớn. Công tác phòng ngừa tội phạm được coi trọng; công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm được đẩy mạnh; nhiều mô hình phòng, chống tội phạm hoạt động hiệu quả được xây dựng, nhân rộng. Công tác đấu tranh chống các loại tội phạm được tập trung chỉ đạo quyết liệt, không có vùng cấm; triệt phá nhiều tụ điểm, đường dây, băng nhóm tội phạm nguy hiểm; điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các hành vi phạm tội, đặc biệt là các vụ án trọng điểm, phức tạp về kinh tế, tham nhũng lớn, tỉ lệ thu hồi tài sản tăng lên rõ rệt; tội phạm được kiềm chế; nhiều nội dung đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra. Lực lượng chuyên trách đấu tranh phòng, chống tội phạm tiếp tục được củng cố, kiện toàn, tinh gọn, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật được nâng cao và tăng cường về cơ sở. Đầu tư trang bị, phương tiện kỹ thuật từng bước đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đặt ra trong thực tiễn.

 

Ra mắt mô hình “Kết nối thông tin ANTT vùng biên” ở xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy (Ảnh: Cổng TTĐT Công an tỉnh Quảng Bình) 

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 48 tại một số nơi, nhất là ở cơ sở còn hình thức, chưa quyết liệt, thiếu kiểm tra, giám sát; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa huy động được hết sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Một số nơi còn bị động, chưa làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm; một số loại tội phạm có thời điểm gia tăng và diễn biến phức tạp; việc khắc phục nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm chưa giải quyết được triệt để; tệ nạn xã hội vẫn tiềm ẩn phức tạp, số người nghiện ma tuý ngoài xã hội còn nhiều, làm ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống tội phạm. Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do: Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan chuyên trách ở một số nơi chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm. Công tác nắm, dự báo tình hình, tham mưu giải quyết một số vụ, việc phức tạp về an ninh, trật tự có lúc, có nơi chưa chủ động. Nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, nhất là kinh phí, phương tiện còn hạn chế…

Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm sẽ còn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm có xu hướng tăng; ngày càng xuất hiện nhiều thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi, xảo quyệt, nguy hiểm hơn; thành phần tội phạm đa dạng, có xu hướng trẻ hoá; các loại tội phạm có xu hướng quốc tế hoá…

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém và chủ động hơn trong công tác phòng, chống tội phạm, góp phần "Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương" mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, ngày 16/8/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 13-KL/TW tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”.

Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch với các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện

Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấpthường xuyên tổ chức phổ biến, quán triệt Kết luận số 13-KL/TW,Chỉ thị số 48-CT/TW; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm triển khai thực hiện tốt từng nội dung, nhiệm vụ; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên trách các cấp trong công tác phòng, chống tội phạm.Đồng thời, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030 và các Chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 -2025 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 26-KH/TU ngày 09/01/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư về việc “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (khoá X)”.

Quá trình chỉ đạo, triển khai thực hiện phải xác định công tác phòng, chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, phải thực hiện mọi lúc, mọi nơi, mọi địa bàn, lĩnh vực, có trọng tâm, trọng điểm; lấy “chủ động phòng ngừa” từ sớm, từ xa, từ cơ sở là chính, lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm tập trung các biện pháp phòng, chống tội phạm;kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa và tích cực phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ với những hành vi phạm tội.

Đấu tranh mạnh mẽ, phản bác những quan điểm, tư tưởng sai trái, luận điệu xuyên tạc, thông tin không đúng sự thật về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống tội phạm.

Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của đơn vị, địa phương. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, địa phương,cơ quan, đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện.Có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm.

Hai là: Công tác tuyên truyền

Tiếp tục đẩy mạnh, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng. Công tác tuyên truyền phải được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phản ánh khách quan, toàn diện công tác phòng, chống tội phạm.Tập trung tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm; nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm; kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm để Nhân dân cảnh giác, chủ động phòng, chống và hỗ trợ các lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý tội phạm và tệ nạn xã hội.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 01/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác xây dựng phong tràotoàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.

Làm tốt công tác quản lý các đối tượng có nguy cơ phạm tội, vi phạm pháp luật ngay tại địa bàn cơ sở. Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp phù hợp, thiết thực, đầu tư nguồn lực cho công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ, tái hoà nhập cộng đồng đối với người được đặc xá, người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Giám sát và thực hiện các kiến nghị, khiếu nại chính đáng của Nhân dân ở cơ sở, góp phần phòng ngừa và giảm thiểu các yếu tố phát sinh tội phạm.

Ba là: Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm

Nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, chủ động triển khai các đợt cao điểm, chương trình, kế hoạch chuyên đề đấu tranh với các loại tội phạm nổi lên ở từng thời điểm.Thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia; tội phạm lợi dụng thiên tai, dịch bệnh; tội phạm về ma tuý, tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen“, kinh doanh đa cấp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông; tội phạm về môi trường; tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự con người, tội phạm mua bán người, xâm hại trẻ em…

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao, hành động mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả hơn. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm minh những hành vitiêu cực,tham nhũng, bao che và dung túng, tiếp tay cho tội phạm, vi phạm pháp luật.

Triệt xóa nhiều ổ nhóm cho vay lãi nặng, tại các địa bàn thành phố Đồng Hới, huyện Bố Trạch và thị xã Ba Đồn (Ảnh: Cổng TTĐT Công an tỉnh Quảng Bình)

Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; có biện pháp hữu hiệu bảo vệ người phát hiện, tố cáo hành vi phạm tội, nhất là tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự; tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Nắm chắc nguyên nhân nảy sinh các xung đột xã hội, các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân để kịp thời giải quyết, hòa giải, không để phát sinh tình hình phức tạp về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

Bốn là: Công tác hoàn thiện chính sách, hệ thống pháp luật

Lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp những chủ trương, chính sách, giải pháp đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, bảo đảm an ninh con người, an ninh, trật tự phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm trong từng năm, từng giai đoạn và từng địa bàn cụ thể, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm; kết hợp giữa cải cách tư pháp với cải cách hành chính. Rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách phát triển nhằm bảo đảm chặt chẽ, không để tội phạm lợi dụng hoạt động.

Năm là: Xây dựng, củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực của lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm

Tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm theo hướng tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả thực chất. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan bảo vệ pháp luật, lực lượng trực tiếp chiến đấu đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; nâng cao đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp, năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm, thái độ ứng xử với tinh thần vì Nhân dân phục vụ, xứng đáng là chỗ dựa và niềm tin của Nhân dân trong phòng, chống tội phạm. Có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật... Nâng cao hơn nữa cơ chế phối hợp liên ngành trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, giải pháp phòng, chống tội phạm.

Tập trung xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống tội phạm. Tăng cường lực lượng, cơ sở vật chất cho lực lượng Công an cơ sở, nhất là Công an xã để kịp thời giải quyết từ đầu, từ sớm các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự nảy sinh tại cơ sở.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự; chú trọng hoàn thiện, thực hiện có hiệu quả Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự và phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ trong công tác phòng, chống tội phạm. Quan tâm, đầu tư phân bổ kinh phí, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, nâng cao năng lực của các lực lượng chuyên trách, đáp ứng yêu cầu, thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.

Sáu là: Hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm

Đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm; tổ chức quán triệt, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các Công ước quốc tế, Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, Hiệp định hợp tác phòng, chống tội phạm mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh, nhất là tăng cường hợp tác với nước bạn Lào trong công tác phòng, chống tội phạm. Duy trì thường xuyên luân phiên tổ chức giao ban và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phòng, chống tội phạm với các lực lượng chức năng của 02 tỉnh Khăm Muộn và Sạ Vẳn Nạ Khệt (Lào). Chú trọng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trao đổi thông tin về tội phạm.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh có trách nhiệm phổ biến, quán triệt và xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện Kết luận số 13-KL/TW và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đảng ủy Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả thực hiện Kết luận số 13-KL/TW và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Theo Văn Chính (Phòng Nội chính)