Phối hợp làm tăng hiệu quả trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng 

 Quy chế phối hợp số 03-QCPH/BNCTW-BCSĐTTCP được ký kết đã phát huy được vị trí, vai trò, trách nhiệm của 2 cơ quan Ban Nội chính Trung ương và Thanh tra Chính phủ và làm tăng tính hiệu quả trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.

 Trên nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; tuân thủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, đồng thời tích cực, chủ động trên tinh thần hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ, 2 cơ quan đã tổ chức ký quy chế phối hợp trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.

Theo đó, trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ phối hợp tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng những chủ trương, chính sách, quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác nội chính gồm: thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; về tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra... và công tác phòng, chống tham nhũng, thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hai cơ quan hoặc khi được cơ quan có thẩm quyền giao.

Đồng thời, tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng (có dấu hiệu tham nhũng, gây thiệt hại lớn về kinh tế, dư luận xã hội quan tâm...) được cơ quan Thanh tra Chính phủ phát hiện qua thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng hoặc khi được cơ quan có thẩm quyền giao.


Đại diện Ban Nội chính TW và Ban cán sự đảng TTCP tại buổi ký Quy chế phối hợp năm 2015. Ảnh: thanhtra.gov.vn


Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, thanh tra, phòng chống tham nhũng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hai cơ quan hoặc khi được cơ quan có thẩm quyền giao.

Phương pháp phối hợp mà Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ nêu ra là khi có yêu cầu cử cán bộ phối hợp, cơ quan có yêu cầu chủ động gửi văn bản cho cơ quan được yêu cầu cử cán bộ tham gia phối hợp. Hai cơ quan chủ động cung cấp thông tin, tài liệu, trao đổi bằng văn bản nhằm tạo điều kiện để mỗi cơ quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình. Ngoài ra, khi cần lấy ý kiến tham gia bằng văn bản, cơ quan có yêu cầu gửi văn bản kèm theo tài liệu liên quan cho cơ quan được yêu cầu.

Hai cơ quan thống nhất, định kỳ sáu tháng, Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ luân phiên chủ trì giao ban, trong trường hợp cần thiết có thể mời một số cơ quan có liên quan tham dự. Trong từng cuộc giao ban, Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ sẽ cung cấp thông tin, tài liệu đến trước 5 ngày làm việc để cơ quan chủ trì tổng hợp, phục vụ cuộc giao ban.

Đặc biệt, đối với những vấn đề quan trọng, cần trao đồi trực tiếp thì bên nêu vấn đề chủ trì tổ chức họp đại diện lãnh đạo hai cơ quan, trước khi quyết định theo thẩm quyền của mình. Đồng thời, đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương hoặc đại diện Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ sẽ tham dự các cuộc họp sơ kết, tổng kết, hội nghị do Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ hoặc Ban Nội chính Trung ương tổ chức về những vấn đề liên quan đến nội dung phối hợp.

Hàng năm hoặc khi cần thiết, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp, báo cáo Ban Bí thư./.

 

Theo ThanhtraVietNam.vn