Tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng 

 Kết quả tích cực khi thực hiện quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ chính là việc tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo những chủ trương, chính sách, quan điểm, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về công tác nội chính và công tác PCTN.

 Cử đơn vị đầu mối để giúp lãnh đạo hai cơ quan triển khai thực hiện Quy chế

Ngày 12/3/2015, Ban Nội chính Trung ương, Cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nội chính của Đảng, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) và Thanh tra Chính phủ, cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN đã thực hiện ký kết Quy chế phối hợp số 03-QCPH/BNCTW-BCSĐTTCP giữa 2 cơ quan, việc thực hiện quy chế này đã giúp hai cơ quan hoàn thành nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan.

Cụ thể, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ luôn quan tâm đến công tác phối hợp giữa hai cơ quan. Triển khai thực hiện Quy chế, mỗi cơ quan đã phân công 01 lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo công tác phối hợp.

Đồng thời cử ra 2 đơn vị đầu mối là Vụ Cơ quan nội chính, Ban Nội chính Trung ương và Văn phòng Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ thực hiện nhiệm vụ giúp lãnh đạo hai cơ quan triển khai, đôn đốc, báo cáo định kỳ và đột xuất về việc thực hiện Quy chế. Ngoài trách nhiệm là đơn vị đầu mối của Ban Nội chính Trung ương trong việc thực hiện Quy chế, Vụ Cơ quan nội chính còn được lãnh đạo cơ quan giao nhiệm vụ làm đầu mối giữ liên hệ, theo dõi công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp, tổ chức và hoạt động của Thanh tra Chính phủ.

Phạm vi phối hợp trong Quy chế bao trùm nhiều nhiệm vụ chính trị trọng tâm của hai cơ quan, nên trong thực tế nhiều đơn vị thuộc hai cơ quan đã tham gia thực hiện một hay một số nội dung phối hợp, nhất là Vụ Cơ quan nội chính, Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Vụ Theo dõi xử lý các vụ án, vụ việc, Vụ Theo dõi công tác PCTN của Ban Nội chính Trung ương; Cục Phòng, chống tham nhũng, Ban Tiếp công dân Trung ương, Vụ Kế hoạch - Tổng hợp, Vụ Pháp chế của Thanh tra Chính phủ.

Kết quả tích cực khi thực hiện quy chế phối hợp chính là việc tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo những chủ trương, chính sách, quan điểm, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về công tác nội chính và công tác PCTN. Theo đó, khi chủ trì, tham mưu đề xuất, xây dựng các chủ trương, chính sách, mỗi cơ quan đều mời đại diện lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên của cơ quan phối hợp tham gia vào các ban chỉ đạo, tổ biên tập thực hiện nội dung công tác, đồng thời, luôn đề nghị cơ quan phối hợp đóng góp ý kiến, cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết liên quan đến nội dung tham mưu, đề xuất.

Một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhất của Ban Nội chính Trung ương và cũng là nội dung phối hợp thường xuyên, liên tục, tích cực nhất của hai cơ quan là: tổng hợp các thông tin, tài liệu liên quan đến tình hình, kết quả công tác thanh tra và PCTN; phục vụ các Phiên họp của Ban Chỉ đạo và Cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo. Tổ chức thực hiện các Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo và Kết luận tại các Phiên họp của Ban Chỉ đạo. Xây dựng báo cáo chuyên đề của Ban Chỉ đạo về tình hình, kết quả công tác PCTN từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay…


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại Hội nghị tổng kết. Ảnh: TTXVN


Tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra toàn diện nhiều dự án, vụ việc gây thất thoát, thua lỗ lớn

Đồng thời, Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương thực hiện nhiều nội dung tham mưu, đề xuất trong công tác xây dựng thể chế, nhất là về PCTN. Thanh tra Chính phủ đã giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua 02 dự án luật, tham mưu ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật PCTN 2018 và nhiều văn bản khác về công tác PCTN; hướng dẫn quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức, bộ máy cơ quan thanh tra các cấp...; sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010.

Liên quan đến công tác tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ thực hiện tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra toàn diện nhiều dự án, vụ việc gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm, kiến nghị xử lý nghiêm sai phạm; chỉ đạo ngành Thanh tra tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; ra thông báo chỉ đạo về việc giải quyết các nội dung sau thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật ở các cơ quan, tổ chức, địa phương,...

Cùng với đó, Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ cũng chỉ đạo phối hợp với Ban Nội chính Trung ương trong việc trao đổi thông tin về tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ; thường xuyên có báo cáo trao đổi thông tin về kết luận qua hoạt động thanh tra, thanh tra các vụ việc, dự án phức tạp được dư luận quan tâm; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bao gồm cả các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài; thanh tra công tác quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản; quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, môi trường... và chuyển hồ sơ nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện qua công tác thanh tra cho cơ quan điều tra tiếp tục xử lý theo quy định.

Hằng năm, Tổng Thanh tra Chính phủ, Thành viên Ban Chỉ đạo đã ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện các nội dung Kết luận, chỉ đạo và Chương trình công tác hằng năm của Ban Chỉ đạo. Kế hoạch đã cụ thể hóa các nhiệm vụ Thanh tra Chính phủ được giao thành nhiệm vụ của từng vụ, cục, đơn vị liên quan; yêu cầu các đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm tiến độ được giao; giao Cục PCTN là đầu mối giúp Tổng Thanh tra Chính phủ theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiên để báo cáo Ban Chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, khi tổ chức Hội nghị giao ban với thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra Chính phủ mời đại diện Ban Nội chính Trung ương tham dự để trao đổi thông tin, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành Thanh tra và đề ra nhiệm vụ, giải pháp công tác trong thời gian tới, đồng thời nắm bắt, cho ý kiến đối với các vụ việc vi phạm pháp luật được thanh tra bộ, ngành, địa phương phát hiện, báo cáo./.

 

 Theo ThanhtraVietNam.vn