Tăng cường kiểm tra, giám sát để chống tham nhũng, tiêu cực 

 Trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát; tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, chống trục lợi chính sách… Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cần rà soát lại, xây dựng lộ trình khắc phục hiệu quả các tồn tại, hạn chế.

 Sáng ngày 8/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với BHXH Việt Nam về tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong thời gian qua và các định hướng lớn trong thời gian tới.

Thời gian qua, ngành BHXH đã đạt những kết quả nổi bật trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bảo hiểm; giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm; quản lý tài chính, đầu tư quỹ; thanh tra, kiểm tra; cải cách hành chính; chuyển đổi số…

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 11/2021, số người tham gia BHXH tiếp tục tăng trưởng so với năm 2020, đạt 16,202 triệu người (tăng 38,7 nghìn người), BHXH tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, đạt 2,6% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức (vượt 1,6% chỉ tiêu được giao); 88 triệu người tham gia BHYT, đạt hơn 90% dân số. Như vậy, số người tham gia BHXH đã tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là BHXH tự nguyện, vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết của Trung ương; BHYT cơ bản hoàn thành mục tiêu bao phủ toàn dân, về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết của Trung ương.

Công tác chuyển đổi số được đặc biệt chú trọng, giúp nâng cao hiệu quả nhiều mặt hoạt động của BHXH Việt Nam. Ngành đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu hơn 98 triệu dân, là nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.

Việc kết hợp giữa thanh tra, kiểm tra, giám sát theo phương thức truyền thống với thanh tra, kiểm tra, giám sát theo phương thức điện tử giúp tăng hiệu quả, chất lượng, giảm nhân lực, thời gian thanh tra, kiểm tra, giảm số cuộc thanh tra, kiểm tra, nhưng phát hiện, xử lý được nhiều vi phạm hơn. Kết quả, từ năm 2017 tới nay đã từ chối thanh toán, giảm chi quỹ BHYT hơn 9.359 tỷ đồng.

BHXH đặt mục tiêu đến hết năm 2025, số người tham gia BHXH là 23,1 triệu, đạt 45% lực lượng lao động trong độ tuổi; tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 18 triệu người, đạt 35% lực lượng lao động trong độ tuổi; tham gia BHYT là 95 triệu người, bao phủ 95% dân số.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Ảnh: Chinhphu.vn)


Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của BHXH trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nhất là trong thực hiện Nghị quyết số 28 của Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu BHXH Việt Nam tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Đồng thời, xác định an sinh xã hội có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; lấy người dân là chủ thể, là trung tâm, là mục tiêu và là động lực phát triển; góp phần vào sự ổn định chính trị, sự lành mạnh của xã hội và sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu BHXH Việt Nam cần tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Mặt khác, có thể lập tổ công tác để rà soát các vướng mắc của cơ chế, chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT để đề xuất, tham mưu các cấp có thẩm quyền. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thất thoát, lợi ích nhóm, tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm…

Đặc biệt, làm tốt hơn nữa công tác chuyển đổi số và xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu; nâng cao năng lực, trình độ quản trị theo hướng hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để vừa tạo nhanh chóng, thuận lợi cho người thụ hưởng chính sách, vừa phòng chống trục lợi chính sách.

Đối với những tồn tại, hạn chế, BHXH Việt Nam cần rà soát lại, xây dựng lộ trình khắc phục hiệu quả; chú trọng nâng cao hiệu quả công tác truyền thông để dân hiểu, dân biết, dân tin, dân nghe, dân theo, dân làm trong thực hiện chính sách BHXH…/.

 

Theo ThanhtraVietNam.vn