Chủ động, tăng cường bám sát cơ sở phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo về lĩnh vực nội chính, đáp ứng yêu cầu thực tiễn tình hình mới 

Công tác nội chính của Đảng là việc Đảng lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; công tác xây dựng pháp luật; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cải cách tư pháp; tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính... Trong công tác nội chính, lĩnh vực nội chính biểu hiện tập trung trên các phương diện hoạt động như: Công tác bảo vệ an ninh quốc gia; công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội; công tác quân sự, quốc phòng liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; công tác lãnh đạo đối với tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính.

An ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Bảo vệ An ninh quốc gia là các hoạt động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại những hành vi xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; hay nói vắn tắt là: phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Trật tự, an toàn xã hội là trạng thái xã hội có trật tự, kỷ cương, là môi trường bảo đảm cuộc sống bình yên, an toàn cho mọi người trên cơ sở các quy phạm pháp luật, các chuẩn mực đạo đức xã hội. Giữ gìn trật tự, an toàn xã hội bao gồm các hoạt động phòng, chống vi phạm, tội phạm; bài trừ các tệ nạn xã hội; giữ gìn trật tự công cộng; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; bảo vệ môi trường; phòng ngừa tai nạn lao động; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh v.v... Công tác quân sự, quốc phòng liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, trọng tâm là những hoạt động phối hợp giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; phối hợp bảo vệ an ninh biên giới, biển đảo, an ninh chính trị trên các địa bàn trọng điểm; phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai v.v... 

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, Ban Nội chính Tỉnh ủy và đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy các cấp về công tác nội chính Đảng trong tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị  của Trung ương về lĩnh vực nội chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo được những chuyển biến tích cực. An ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trên toàn địa bàn tỉnh.

Ban Nội chính Tỉnh ủy, các cơ quan nội chính đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng khu vực phòng thủ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, từng bước tạo ra thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận biên phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Đã tổ chức thực hiện đồng bộ các chủ trương của Đảng về phòng chống tội phạm; từng bước kiềm chế, làm giảm các loại tội phạm, không để hình thành băng, nhóm tội phạm hoạt động trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường lành mạnh, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân. Nổi bật, trong năm 2021, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã xây dựng và ban hành các báo cáo chuyên đề về an ninh, trật tự. Báo cáo mang tính khái quát hóa những vấn đề nổi lên về tình hình nổi lên trong hằng tháng, quý và khi có vụ việc xảy ra; đề xuất ý kiến tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý các vụ việc kịp thời, dứt điểm, có hiệu quả. Để làm được điều đó, cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ theo dõi địa bàn, lĩnh vực đã thường xuyên đi cơ sở, bám sát cơ sở, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng và cấp ủy, chính quyền cơ sở để nắm tình hình, đảm bảo nắm thông tin kịp thời ngay từ khi xảy ra vụ việc, sự việc; đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin, quy định của pháp luật để hướng dẫn, áp dụng ở cơ sở và nghiên cứu, đề xuất ý kiến tham mưu, biện pháp chỉ đạo phù hợp với thực tiễn, có hiệu quả. Đây là một cách làm mới của Ban Nội chính Tỉnh ủy, mang tính sáng tạo trong công tác tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo về lĩnh vực nội chính, bảo đảm giữ vững sự ổn định về an ninh, trật tự trên địa bàn, không để phát sinh, hình thành thành điểm nóng, khiếu kiện đông người, phức tạp. Với cách làm này đã khắc phục được tình trạng “báo cáo qua báo cáo” đã tồn tại như là cố hữu trong thời gian dài đã qua.

Đ/c Nguyễn Lương Bình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy Ba Đồn về công tác nội chính 

Xuất phát từ thực tiễn các cấp ủy cấp huyện không có tổ chức cơ quan tham mưu về công tác nội chính, dẫn đến trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; cùng với kết quả trong thực hiện kế hoạch công tác đi cơ sở để nắm tình hình thực hiện công tác nội chính trên tất cả các lĩnh vực (nội chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp công dân và xử lý đơn thư) với 8 huyện, thị xã, thành phố, do đồng chí Nguyễn Lương Bình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy dẫn đầu đã làm thay đổi sâu sắc hơn nhận thức của cấp ủy và các cơ quan tham mưu, cơ quan trong khối nội chính cấp huyện về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác nội chính. Trên cơ sở đó, để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác nội chính, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã kiến nghị thành lập Tổ giúp việc về công tác nội chính Đảng của cấp ủy cấp huyện và ban hành Quy chế mẫu về hoạt động của Tổ giúp việc.

Công tác nội chính của Đảng rất quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp, liên quan đến các vấn đề về chính sách, pháp luật, con người và nhiều yếu tố khác, do vậy, trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, nhất là các chủ trương đổi mới, có tính đột phá trong lĩnh vực nội chính cần phải có quyết tâm chính trị cao, bảo đảm sự nhất quán trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; kiên quyết chống tư tưởng bảo thủ, cục bộ trong thực hiện một số chủ trương đổi mới. Muốn làm được điều đó, phải không ngừng xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác nội chính; chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, lực lượng làm công tác nội chính vững vàng về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, có bản lĩnh kiên cường trong công tác và chú trọng trang bị phương tiện từng bước hiện đại, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của đất nước để cán bộ, công chức yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa các ngành, các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, sự tham gia của nhân dân để công tác nội chính ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thế và lực mới.

Nguyễn Văn Lục

Trưởng Phòng Theo dõi công tác các cơ quan nội chính và cải cách tư pháp