Một số điểm mới, điểm bổ sung trong quy định “về những điều đảng viên không được làm” góp phần tích cực trong việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới 
 Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương “về những điều đảng viên không được làm” đã thay thế Quy định số 47-QĐ/TW sau 10 năm thực hiện (viết tắt là Quy định số 37). Những điểm mới và bổ sung trong Quy định số 37 đã góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới, cụ thể:

 Tại Điều 3, quy định đảng viên không được "phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng". Đây là sự bổ sung rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu để phủ nhận chủ nghĩa Mác- Lênin, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận đường lối của Đảng. Đại hội XIII của Đảng vừa rồi tiếp tục nhấn mạnh điều này. Nên việc bổ sung là hoàn toàn chính xác trong bối cảnh hiện nay và có giá trị lâu dài.
Điều 13, cấm đảng viên "can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác". Thực hiện các nghị quyết đại hội gần đây và các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, chúng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong những năm qua, đã xuất hiện những cá nhân có hành động tác động đến tổ chức, cá nhân không đúng để giảm các hình phạt. Với tinh thần của các đại hội gần đây, nhất là Đại hội XIII là kiên quyết đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, nên việc Đảng quy định đảng viên không được làm những việc này là điểm mới, rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Mặt khác chúng ta đang hướng tới việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vì vậy, dù Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhưng lãnh đạo về chủ trương, đường lối chứ không can thiệp vào các quy trình truy tố, xét xử, thi hành án… Độc lập tư pháp là nguyên tắc quan trọng của nhà nước pháp quyền, vì vậy, nếu hoạt động tư pháp bị can thiệp bởi cá nhân nào đó sẽ làm cho tính độc lập mất đi và mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền theo chủ trương của Đảng sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, quy định mới này chính là để ngăn ngừa từ xa những vi phạm này.
Tại Điều 9, bổ sung nội dung mới nghiêm cấm đảng viên “nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định”. Thời gian qua, có nhiều cán bộ, đảng viên đã nhập quốc tịch nước ngoài. Vì vậy, nếu trong nước csn bộ, đảng viên vướng vào vấn đề gì đó họ sẽ “cao chạy, xa bay” đến nơi đã “dọn ổ” sẵn; hay một số cán bộ lãnh đạo khi bị phát hiện có sai phạm thì không ai có thể tìm thấy, vì họ đã chuẩn bị sẵn nơi để lẩn trốn. Do đó, bổ sung nội dung mới này để làm cơ sở cho công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hơn.

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, ngày 07 tháng 10 năm 2021 (Ảnh: sưu tầm)

Để quy định này được thực hiện nghiêm, Ban Chấp hành Trung ương đã giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện Quy định này và giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Với nhiều nội dung mới, bổ sung, phù hợp thực tiễn của công tác xây dựng Đảng hiện nay, Quy định số 37 được kỳ vọng sẽ góp phần cho công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả hơn trong tình hình mới./.

 

Lê Văn Mạnh – Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình