Còn khó khăn trong công tác thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông 

 Qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực thông tin và truyền thông (TTTT) cho thấy, Thanh tra ngành TTTT gặp một số khó khăn nhất định. Do đó, thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Khó kiểm tra, giám sát nội dung có yếu tố nước ngoài

Năm 2021, Bộ TTTT tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19. Các đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra thuộc Bộ đã rà soát khu vực có dịch bệnh và kế hoạch thanh tra, kiểm tra để sắp xếp, điều chỉnh lịch thực hiện cho phù hợp, không ảnh hưởng đến các tổ chức, cá nhân được thanh kiểm tra theo kế hoạch.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc nên Bộ TTTT đã nghiên cứu, đánh giá tình hình dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội để điều chỉnh kế hoạch thanh tra năm 2021 theo hướng tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp ổn định hoạt động và phát triển.

Bên cạnh việc triển khai kế hoạch năm 2021, cơ quan thanh tra thuộc Bộ TTTT đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ và qua công tác giám sát phát hiện các vi phạm.


Thanh tra Thông tin và Truyền thông làm việc và xử lý cá nhân có dấu hiệu vi phạm. Ảnh: Mic.gov.vn


Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ TTTT đã chỉ ra những thiếu sót, tồn tại trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động báo chí, viễn thông, công nghệ thông tin, tần số vô tuyến điện và bưu chính. Các cơ quan báo chí, doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra đã nghiêm túc, chủ động thực hiện các biện pháp khắc phục thiếu sót, tồn tại, hạn chế, thực hiện các kiến nghị và nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, qua công tác xử lý vi phạm hành chính, Thanh tra ngành TTTT gặp một số khó khăn, như: Sự hợp tác trong quá trình xác minh, xử lý vi phạm của các tập đoàn của nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam như Facebook, Google còn lỏng lẻo, nhiều bất cập, dẫn đến nhiều vụ việc vi phạm chưa xử lý được; hoạt động giám sát gặp nhiều khó khăn do nhân sự ít, vì vậy hiệu quả còn hạn chế.

Đáng nói, tình trạng phát tán thông tin sai sự thật, tin xấu độc vẫn diễn ngày càng phổ biến và tập trung ở các trang thông tin điện tử có tên miền quốc tế và các mạng xã hội do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới (chủ yếu là Facebook, YouTube). Công tác phát hiện, xử lý vi phạm trên các nền tảng này mặc dù đã được Thanh tra Bộ, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, các Sở TTTT đẩy mạnh nhưng kết quả đạt được còn khá hạn chế.


Sự hợp tác trong quá trình xác minh, xử lý vi phạm của các tập đoàn của nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam như Facebook, Google còn lỏng lẻo, nhiều bất cập. (Ảnh: Minh Nguyệt)


Ở địa phương, việc xử lý thông tin xấu độc chủ yếu vẫn chỉ diễn ra ở các tỉnh, thành phố lớn song tỷ lệ chưa cao; chưa có công cụ hữu hiệu chung để ngăn chặn, xử lý việc cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam bao gồm các website tiếng Việt sử dụng tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài, hạ tầng mạng xã hội Facebook, Google với nhiều thông tin độc hại, sai sự thật, không phù hợp thuần phong mỹ tục dân tộc, quảng cáo lừa đảo, quảng cáo không đúng tính năng, tác dụng của sản phẩm, phát hành các trò chơi vi phạm pháp luật Việt Nam...

Việc phán tán tin nhắn rác đã được hạn chế nhưng vẫn còn tiếp diễn. Bên cạnh việc phát tán tin nhắn rác bằng hình thức SMS truyền thống, các đối tượng còn ứng dựng ứng dụng công nghệ như Imessage, Facebook để phát tán. Các sản phẩm in lậu còn tràn nhiều trên thị trường với hình thức, chất lượng ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Giám sát chặt chẽ hoạt động báo chí thông tin tuyên truyền

Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai kế hoạch thanh tra năm 2022, Bộ TTTT theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra. Tăng cường giám sát hoạt động, phát hiện kịp thời các sai phạm của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực TTTT.

Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh, kiểm tra, giám sát. Tăng cường công tác kiểm tra thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, phối hợp giải quyết các vi phạm trong hoạt động TTTT. Đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính trong nhiệm vụ được giao.

Đáng chú ý, Bộ tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ và các cơ quan đơn vị thuộc bộ, ngành khác trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị thuộc lĩnh vực quản lý. Tiếp tục làm tốt chức năng tham mưu trong quản lý định hướng thông tin và theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động báo chí thông tin tuyên truyền, phát hiện và xử lý kịp thời những thông tin sai phạm, độc hại phát tán trên mạng. Vì Bộ TTTT cho rằng, thực hiện tốt công tác này sẽ giảm thiểu việc phát sinh đơn thư khiếu nại.

Bên cạnh đó, Bộ TTTT sẽ thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực TTTT khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc do Lãnh đạo Bộ giao.

Về công tác thể chế, Bộ hoàn thiện việc xây dựng nội dung và hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định xử phạt vi phạm hành chính một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Trên cơ sở đó, ngày 27/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của hai Nghị định nêu trên./. 

 

Theo ThanhtraVietNam.vn