Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được tăng cường 

 Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, củng cố, tăng cường lòng tin của Nhân dân, đối tác quốc tế và các nhà đầu tư.

Quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Đó là khẳng định tại thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong khối Chính phủ và chính quyền địa phương

Theo đó, trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được Chính phủ quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, liên tục từ Chính phủ đến các chính quyền địa phương và được thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện với quyết tâm chính trị cao đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào kết quả chung trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cả hệ thống chính trị, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, củng cố, tăng cường lòng tin của Nhân dân, đối tác quốc tế và các nhà đầu tư.

Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo để khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản tham nhũng; đồng thời, tập trung giải quyết các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm như việc xử lý 2 ngân hàng thương mại yếu kém, 5 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả; tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm các tồn tại, khó khăn của một số dự án giao thông trọng điểm, trong đó có đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện, xử lý những sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng được xây dựng, ban hành để hoàn thiện thể chế, khơi thông các điểm nghẽn, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với đó, công tác thông tin, truyền thông, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh gắn với việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được tăng cường, góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống tham nhũng trong khối Chính phủ và chính quyền địa phương còn có những khó khăn, tồn tại, hạn chế như công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế có nơi, có lúc còn chậm, nhất là cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn sơ hở, thiếu đồng bộ. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có mặt hạn chế, chưa quyết liệt, chưa đặt đúng tầm quan trọng.

Công tác giám định, định giá tài sản vẫn còn bất cập. Việc xử lý tài sản liên quan đến một số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế còn chậm; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp so với tài sản bị chiếm đoạt. Công tác phòng ngừa, chủ động phòng, chống tham nhũng vẫn còn những mặt hạn chế, có lúc, có nơi chưa thực sự quyết liệt; lực lượng thanh tra còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa được bảo đảm.

Nguyên nhân được chỉ ra, giữa quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và hành động thực tế của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, địa phương còn có khoảng cách; công tác phòng, chống tham nhũng ở Trung ương được thực hiện quyết liệt nhưng tại một số bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chuyển biến tích cực.

Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu chưa gương mẫu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đủ mạnh, chậm được hoàn thiện, việc tổ chức thực hiện còn khó khăn, vướng mắc, hiệu quả chưa cao.


Một phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh TTXVN


Tăng cường thanh tra trách nhiệm người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Nhiều bài học kinh nghiệm cũng được chỉ ra, xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế về quản lý kinh tế xã hội, phòng, chống tham nhũng đồng bộ, thống nhất, đi vào thực tiễn và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Cần phải coi trọng công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa; thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, đặc biệt là của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong xử lý công việc phải có quyết tâm chính trị cao, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu cho lãnh đạo các cấp để có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn hậu quả xảy ra.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp như bám sát sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; Tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng từ địa phương, cơ sở. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động kinh tế, xã hội để có các cơ sở dữ liệu và minh bạch hóa hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.

Tăng cường thanh tra trách nhiệm người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống tham nhũng; có biện pháp tốt hơn để bảo vệ người tố giác; nhân rộng cách làm mới, cách làm hay, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm.

Triển khai có hiệu quả các cuộc kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kiểm tra, thanh tra chuyên đề diện rộng.

Trong đó, chú trọng tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều nguy cơ hoặc dư luận về tham nhũng như: đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư công, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, cổ phần hóa doanh nghiệp liên quan đến đất đai, quy hoạch điện, quy hoạch năng lượng, quy hoạch, giao mỏ vật liệu xây dựng, những chương trình dự án lớn như: chương trình phòng, chống Covid-19, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội.

 

Theo ThanhtraVietNam.vn

 

Thủ tướng Chính phủ giao các ngành, các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giám sát thường xuyên công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Thanh tra Chính phủ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung, tài liệu báo cáo Chính phủ hàng quý về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tùy tình hình cụ thể theo từng tháng, Thanh tra Chính phủ báo cáo Thường trực Chính phủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.