Về việc ông Dương Đình Văn đề nghị chính sách như thương binh: Không có căn cứ xem xét, giải quyết 
Nhiều năm qua, ông Dương Đình Văn (tổ dân phố 7, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới) đã gửi đơn đến các cấp chính quyền đề nghị xem xét, giải quyết chính sách như thương binh đối với ông. Cục Người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã có văn bản trả lời trường hợp của ông từ năm 2019. Theo đó, "không có căn cứ để xem xét, giải quyết chế độ người hưởng chính sách như thương binh đối với ông Dương Đình Văn".
Liên quan đến sự việc của ông Dương Đình Văn, ngày 2/3/2018, UBND tỉnh đã có Văn bản số 263/UBND-VX tổng hợp báo cáo Bộ LĐ-TB-XH như sau: Ông Dương Đình Văn, nguyên là cán bộ Công ty Ngoại thương Quảng Bình, bị thương ngày 17/6/1967 tại Đò Lèn, Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa) trong trường hợp áp tải chuyến xe mậu dịch biên giới Việt-Lào của Công ty Ngoại thương Quảng Bình, từ Hà Nội đi. Ông Văn đã được giám định thương tật ngày 16/8/1975 xác định tỷ lệ 32% và đã được hưởng chế độ cán bộ bị tai nạn theo Quyết định số 456 QĐ/BH, ngày 30/6/1975 (hiện Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Bình đang chi trả trợ cấp hàng tháng).
 
Tuy nhiên, ông Dương Đình Văn đã liên tục có nhiều đơn gửi đến các cấp lãnh đạo đề nghị xem xét, giải quyết chính sách như thương binh vì cho rằng ông đã trực tiếp phục vụ chiến đấu mà bị thương, chứ không phải bị tai nạn lao động. Mặt khác, ông cũng trình bày, cùng làm nhiệm vụ, khi ông bị thương còn có ông Trần Văn Đáo (lái xe) đã hy sinh, được suy tôn liệt sỹ và ông Võ Văn Vân, nguyên cán bộ Ty Thương binh-Xã hội Quảng Bình bị thương đã được giải quyết chính sách như thương binh.
 
Cũng liên quan đến sự việc của ông Dương Đình Văn, một số đồng chí cùng công tác tại đơn vị cũ và Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Bình đã có văn bản đề nghị giải quyết chính sách như thương binh đối với ông Dương Đình Văn.
Các văn bản, tài liệu liên quan đến sự việc của ông Dương Đình Văn ở tổ dân phố 7, phường Nam Lý (TP. Đồng Hới).
Các văn bản, tài liệu liên quan đến sự việc của ông Dương Đình Văn ở tổ dân phố 7, phường Nam Lý (TP. Đồng Hới).
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH kiểm tra hồ sơ và xác định có liệt sỹ Trần Văn Đáo, công nhân lái xe Công ty Ngoại thương Quảng Bình, hy sinh ngày 16/7/1967 tại Đò Lèn, Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa) trong trường hợp lái xe xuống phà bị máy bay gặc Mỹ ném bom trúng xe, người chết, xe cháy (ông Dương Đình Văn lý giải ngày hy sinh của liệt sỹ và ngày bị thương của ông không thống nhất là vì sự việc xảy ra lúc nửa đêm không xác định rõ mốc thời gian và gia đình liệt sỹ kê khai hồ sơ có thể lấy ngày giỗ để lập hồ sơ).
 
Sở LĐ-TB-XH cũng tích cực tìm kiếm hồ sơ người hưởng chính sách như thương binh của ông Võ Văn Vân nhưng không xác định được nơi thường trú nên không tìm thấy hồ sơ để đối chiếu làm căn cứ. Cùng với đó, các văn bản hướng dẫn giải quyết chính sách người có công tồn đọng của Bộ LĐ-TB-XH quy định không xem xét giải quyết xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đối với những trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện hoặc đã được giải quyết chế độ tai nạn lao động, tai nạn chiến tranh. Do vậy, UBND tỉnh không có cơ sở để giải quyết.
 
Tuy nhiên, nhận thấy đây là trường hợp cá biệt, do đó, UBND tỉnh đã có Văn bản số 263/UBND-VX, ngày 2/3/2018 đề nghị Bộ LĐ-TB-XH, Cục Người có công xem xét cho ông Dương Đình Văn được chuyển hưởng từ chế độ cán bộ bị tai nạn sang hưởng chính sách như thương binh, thời điểm hưởng kể từ ngày Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, ngày 9/4/2013 có hiệu lực thi hành.
 
Trả lời nội dung Văn bản số 263/UBND-VX của UBND tỉnh, Cục Người có công thuộc Bộ LĐ-TB-XH đã có Văn bản số 2783/NCC-CS1, ngày 20/11/2019 với nội dung: Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 27, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, ngày 9/4/2013 của Chính phủ, người bị thương trong trường hợp trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá là: Tải đạn, cứu thương, tải thương, bảo đảm thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp bảo đảm chiến đấu được xem xét giải quyết xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
 
Theo nội dung Văn bản số 263/UBND-VX, ông Dương Đình Văn bị thương trong khi áp tải chuyến xe mậu dịch biên giới Việt-Lào sang Lào không phải là trực tiếp phục vụ chiến đấu theo quy định nêu trên.
 
Do đó, không có cơ sở xem xét, xác nhận người hưởng chính sách như thương binh. Mặt khác, điểm b, khoản 2, Điều 27, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, ngày 9/4/2013 của Chính phủ còn quy định: Không xem xét xác nhận thương binh đối với những trường hợp bị thương từ ngày 31/12/1994 trở về trước, đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận thương binh hoặc đã giải quyết chế độ tai nạn lao động.
 
Trường hợp ông Dương Đình Văn đã được giải quyết chế độ tai nạn lao động, như vậy, đối chiếu quy định nêu trên, không có căn cứ để xem xét, giải quyết chế độ người hưởng chính sách như thương binh đối với ông…
 
Ông Hồ Tân Cảnh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết: “Trường hợp của ông Dương Đình Văn, thời gian qua, Sở LĐ-TB-XH đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan, tham mưu trình UBND tỉnh có công văn đề nghị Cục Người có công, Bộ LĐ-TB-XH xem xét giải quyết chính sách như thương binh đối với ông. Kết quả, Cục Người có công không đồng ý giải quyết chính sách như thương binh đối với ông Văn, lý do cụ thể đã được nêu rõ trong Văn bản số 2783/NCC-CS1 và Sở LĐ-TB-XH cũng đã gửi thông báo về kết quả giải quyết (Thông báo số 1893/SLĐTBXH-NC, ngày 10-12-2019) để ông Văn được biết…".
 
Theo Báo Quảng Bình