Nâng cao sức mạnh của công tác thanh tra, kiểm tra toàn ngành Tài chính 

 Tập trung, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát trong công tác thanh tra, kiểm tra, ứng dụng công nghệ… là chìa khóa để Thanh tra Bộ Tài chính và thanh tra ngành Tài chính thu được những kết quả, thành tích đáng khích lệ trong thời gian vừa qua.

 Đổi mới cách thức làm việc để thích ứng, tăng hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra

Theo Thanh tra Bộ Tài chính, trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó có nỗ lực rất lớn của ngành Tài chính, công tác thu ngân sách đã hoàn thành dự toán được giao. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của công tác thanh tra, kiểm tra ngành Tài chính.

Cụ thể, trong năm vừa qua Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện 75.254 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 1.011.106 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 13.413 vụ; kiến nghị xử lý tài chính 60.341,710 tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu hồi nộp 13.410,578 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác 43.741,662 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 3.189,470 tỷ đồng); số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước 11.584,119 tỷ đồng.

Có được kết quả trên Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã chủ động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra, đổi mới cách thức làm việc để thích ứng linh hoạt với bối cảnh mới, như tích cực trao đổi, phối hợp, nắm thông tin từ các cơ quan liên quan; nghiên cứu kỹ tài liệu, các dữ liệu do cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc quản lý và thu thập hồ sơ niêm yết trên thị trường chứng khoán... áp dụng nguyên tắc thanh tra, kiểm tra theo cơ chế quản lý rủi ro, hạn chế tối đa việc thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại đơn vị; yêu cầu các đơn vị tự kiểm tra, báo cáo, gửi hồ sơ tài liệu về trụ sở cơ quan, kết hợp với trao đổi, thông tin, cung cấp tài liệu qua hệ thống thông tin trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra.

Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, đơn vị này đang còn gặp một số khó khăn do có nhiều nội dung mới được quy định chi tiết, cụ thể trong các Thông tư mới ban hành như: quy định về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, về thu thập thông tin, tài liệu để chuẩn bị đoàn thanh tra, lập hồ sơ đoàn thanh tra, thành lập đoàn thanh tra (các trường hợp không được tham gia Đoàn thanh tra, việc thay đổi trưởng đoàn thanh tra...); việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo quy định cụ thể các trường hợp được quyền từ chối tiếp công dân, trách nhiệm của người tiếp công dân, trách nhiệm người đứng đầu trong việc tiếp công dân, quy định cụ thể hơn về công tác quản lý, theo dõi, xử lý đơn.

Ngoài ra, ở bước đầu thực hiện Thông tư mới, các đơn vị còn một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện như cách thức và thời hạn thực hiện báo cáo theo quy định tại Thông tư số 02/2021/TT-TTCP ngày 22/3/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng.


Một Hội nghị của Thanh tra Bộ Tài chính: Ảnh: T.L


Tập huấn, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác thanh tra

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cũng như hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời chia sẻ những thuận lợi, khó khăn vướng mắc khi thực hiện các quy định mới, Thanh tra Bộ Tài chính thường xuyên tổ chức trao đổi kinh nghiệm trong công tác thanh tra đối với một số lĩnh vực đang được xã hội quan tâm liên quan đến ngành Tài chính như: việc phát hành, cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp tại một số doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán; dự án đầu tư có sử dụng đất tại địa phương; chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh bất động sản; quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Thường xuyên chú trọng quán triệt, phổ biến các nội dung của 6 Thông tư do Thanh tra Chính phủ vừa mới ban hành về quy định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân; quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; quy định quy trình tiếp công dân; quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh; quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Đồng thời, tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm thanh tra đối với các lĩnh vực, một số nội dung như: thanh tra về thu ngân sách nhà nước đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất tại địa phương; thanh tra công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản; thanh tra chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh bất động sản; thanh tra việc phát hành, cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp tại một số doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán…

Đặc biệt, Thanh tra Bộ Tài chính yêu cầu lãnh đạo các đơn vị quan tâm, chỉ đạo hệ thống thanh tra, kiểm tra ngành Tài chính thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Thanh tra Chính phủ và áp dụng kinh nghiệm thanh tra một số lĩnh vực mà Thanh tra Bộ đã trao đổi để nâng cao chất lượng công tác thanh tra ngành Tài chính. Các cuộc thanh tra, kiểm tra nội bộ ngành bổ sung nội dung kiểm tra về kê khai tài sản thu nhập của các đối tượng theo quy định.

Cùng với đó, các đơn vị thực hiện chế độ báo cáo đảm bảo thời gian, chất lượng theo quy định, phối hợp tốt với Thanh tra Bộ Tài chính để đơn vị này tổng hợp báo cáo, làm việc với Đoàn Giám sát của Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Với mục tiêu chung góp phần nâng cao sức mạnh của công tác thanh tra, kiểm tra toàn ngành Tài chính nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới và phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Bộ Tài chính giao./.

 

Theo ThanhtraVietNam.vn