Mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm trong khai thác khoáng sản 
Để góp phần đưa hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản cũng như công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp và chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, một trong những giải pháp được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chú trọng thực hiện thời gian qua là tăng cường thanh tra, kiểm tra và mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm.
 
Ông Phạm Tiến Cảm, Chánh Thanh tra Sở TN-MT cho biết, từ năm 2017-2020, Thanh tra Sở TN-MT đã chủ trì thực hiện 4 cuộc thanh tra chuyên ngành về khoáng sản tại 60 đơn vị; 7 cuộc thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước tại 7 huyện, thị xã, thành phố; tham gia cùng đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh tiến hành 3 cuộc thanh tra về khai thác cát lòng sông và tiến hành hơn 50 cuộc kiểm tra đột xuất khi phát hiện có vi phạm và kiến nghị, phản ánh của cử tri, báo chí.
Lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản vi phạm.
Lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản vi phạm.
Qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, như: Khai thác khoáng sản mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép; khai thác vượt quá phạm vi ranh giới độ sâu cho phép; khai thác vượt quá công suất; khai thác vượt ra ngoài diện tích, ranh giới; không thực hiện thống kê, kiểm kê, báo cáo sản lượng khai thác đối với hoạt động khai thác khoáng sản; bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ không đúng quy định; nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên...
 
Đồng thời, kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 57 trường hợp với số tiền hơn 1,9 tỷ đồng; yêu cầu các đơn vị nộp hơn 10,3 tỷ đồng về cấp quyền khai thác khoáng sản và các khoản nghĩa vụ tài chính khác.
 
Riêng năm 2021, lực lượng thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính 17 trường hợp (15 tổ chức và 2 cá nhân) với tổng số tiền hơn 973 triệu đồng. Trong đó, lĩnh vực khoáng sản 6 trường hợp với số tiền 250 triệu đồng; chuyển Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt 2 tổ chức và 2 cá nhân với tổng số tiền 678 triệu đồng (lĩnh vực đất đai 3 trường hợp với số tiền 415 triệu đồng; khoáng sản 1 trường hợp với số tiền 263 triệu đồng).
 
Cùng với việc ra quyết định xử phạt và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Thanh tra Sở TN-MT còn đề xuất các biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý về TN-MT; tuyên truyền pháp luật về TN-MT... Qua đó, giúp cho tổ chức, cá nhân có vi phạm và mọi cá nhân hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản; đưa công tác quản lý nhà nước về TN-MT đi vào nền nếp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
 
Đáng chú ý, trước tình trạng trên địa bàn tỉnh có hàng trăm mỏ đất mang tên “cải tạo tận thu” được cấp phép với trữ lượng lên đến hàng trăm nghìn mét khối/năm, trong khi đó, chỉ có một số mỏ đất vật liệu xây dựng được cấp phép theo quy trình. Dưới vỏ bọc của mỏ đất tận thu, nhiều cá nhân, tổ chức đã khai thác quá trữ lượng cho phép, vượt phạm vi, thậm chí nhiều đối tượng lợi dụng danh nghĩa khai thác mỏ đất đã ngang nhiên khai thác đá và quặng sắt..., Sở TN-MT đã có nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý và kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.
 
Ông Phan Xuân Tuấn, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN-MT cho biết, để siết chặt quản lý cũng như xử lý các trường hợp vi phạm, Sở TN-MT đã triển khai nhiều biện pháp, như: Tăng cường công tác thanh kiểm tra, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm, giám sát công tác hoàn thổ sau khi dừng hoạt động, xem xét thu hồi giấy phép đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng… 
Một trường hợp lợi dụng danh nghĩa khai thác mỏ đất ngang nhiên khai thác đá trên địa bàn huyện Tuyên Hóa.
Một trường hợp lợi dụng danh nghĩa khai thác mỏ đất ngang nhiên khai thác đá trên địa bàn huyện Tuyên Hóa.
"Việc để xảy ra những vi phạm, trước hết là trách nhiệm thuộc chính quyền địa phương do đã buông lỏng quản lý, thiếu sự giám sát. Để tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, thời gian tới, Sở TN-MT sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương cơ sở để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn", ông Phan Xuân Tuấn thẳng thắn đánh giá.
 
Cụ thể, tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; đẩy mạnh kiểm tra các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khoáng sản nhằm chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật về khoáng sản; giám sát chặt chẽ công tác hoàn thổ sau khai thác...
 
Cũng theo ông Phan Xuân Tuấn, ngoài việc xử phạt, sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn. Đặc biệt, nếu phát hiện trường hợp vi phạm nghiêm trọng, Sở TN-MT sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét đóng cửa mỏ, thu hồi giấy phép hoạt động đối với các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản.
 
Còn theo ông Phạm Tiến Cảm, thời gian tới, Thanh tra Sở TN-MT tiếp tục triển khai thanh tra theo kế hoạch đã được Sở TN-MT, UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, sẽ tập trung kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản; kiểm tra thường xuyên và đột xuất khi có kiến nghị của cử tri và khi phát hiện vi phạm; tuân thủ sự chỉ đạo của Thanh tra Bộ TN-MT, Thanh tra tỉnh, lãnh đạo Sở TN-MT; phối hợp chặt chẽ để tham gia các đoàn thanh tra liên ngành khi có yêu cầu...
 
Tổng số giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2021 đang còn hiệu lực là 111 giấy phép, trong đó, 50 giấy phép đá làm vật liệu xây dựng thông thường với diện tích 248,18ha; 17 giấy phép cát xây dựng với tổng diện tích 67,29ha; 33 giấy phép cát, sỏi lòng sông với tổng diện tích 73,84ha; 5 giấy phép đất san lấp với tổng diện tích 33,6ha; 5 giấy phép sét gạch ngói với tổng diện tích 29,2ha; 1 giấy phép Titan với diện tích 23,10ha.
 
                                                                                                Thành Quảng, Báo Quảng Bình