Phòng ngừa, ngăn chặn các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực 

 Mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBGSTCGQ về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022 nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; nâng cao ý thức, trách nhiệm của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị trong công tác này.

 Kế hoạch còn nhằm triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và Thanh tra Chính phủ trong công tác PCTN, tiêu cực.

Nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật về PCTN, tiêu cực; xử lý các trường hợp vi phạm. Triển khai thực hiện tốt các quy định pháp luật về kiểm soát, tải sản, thu nhập; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về công tác PCTN, tiêu cực.

Đồng thời, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp PCTN, như: Kê khai minh bạch tài sản, thu nhập theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ; tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về trách nhiệm nêu gương, quy tắc ứng xử văn hóa, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.


Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trao Huân chương Lao động của Chủ tịch nước và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân thuộc Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. (Ảnh: congluan.vn)


Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chương trình hành động, kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về công tác PCTN, tiêu cực.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN, tiêu cực. Cụ thể, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và thực hiện nghiêm túc nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; tập trung vào các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản của Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ... về công tác PCTN, tiêu cực. Trọng tâm là Luật PCTN, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị...

Việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch số 36/KH-UBGSTCGQ của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia. Theo đó, công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan, đơn vị trong mua sắm, xây dựng; thực hiện nghiêm trách nhiệm giải trình; rà soát, thực hiện nghiêm chế độ, định mức, tiêu chuẩn về mua sắm, sửa chữa tài sản, sử dụng trang thiết bị làm việc...

Mặt khác, tiếp tục thực hiện nghiêm túc chuẩn mực đạo đức cơ quan, đơn vị, đạo đức công vụ, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy các cấp và người đứng đầu. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Tích cực tham gia với các bộ, ngành, cơ quan chức năng xây dựng chính sách, hoàn thiện cơ chế giám sát thị trường tài chính đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của thị trường tài chính, minh bạch trong điều hành chính sách góp phần PCTN, tiêu cực…/.

 

Theo ThanhtraVietNam.vn