Ban Nội chính Tinh ủy: Tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài khoa học cấp tỉnh 

Chiều ngày 11 tháng 8 năm 2022, Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng công tác cải cách tư pháp ở tỉnh Quảng Bình trong tình hình mới”. Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở, Phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và công nghệ; lãnh đạo Ban và Trưởng các phòng chuyên môn của Ban Nội chính Tỉnh ủy.

 

 

Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở gồm 5 thành viên, gồm: Đồng chí Trương Văn Hởi - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng; đồng chí Nguyễn Minh Tâm - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh là Phản biện 1; đồng chí Trần Hữu Sỹ - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh là Phản biện 2; đồng chí Trần Tiến Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh: Thành viên và đồng chí Nguyễn Thanh Tân - Trưởng Phòng Tổng hợp, tiếp dân và theo dõi xử lý đơn thư, Thư ký Hội đồng Khoa học và công nghệ Ban Nội chính Tỉnh ủy là Thư ký Hội đồng.

Đ/c Nguyễn Thanh Long - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy trình bày tóm tắt nội dung, kết quả nghiên cứu, tình hình thực hiện Đề tài

Hội nghị đã được nghe đồng chí Nguyễn Thanh Long - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy, thay mặt Nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt nội dung, kết quả nghiên cứu, tình hình thực hiện Đề tài. Theo đó, qua 13 tháng thực hiện, Nhóm nghiên cứu đã hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra. Để đạt được các mục tiêu đó, Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, điều tra đối với cán bộ có chức danh tư pháp trong hệ thống Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh; đội ngũ luật sư tỉnh; các đối tượng đang bị tạm giam, tạm giữ tại Trại Tạm giam Công an tỉnh và Trại Giam Đồng Sơn; cán bộ, công chức Văn phòng các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, Sở Tư pháp, UBMTTQ Việt Nam tỉnh; giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Quảng Bình và Trường Cao đẳng luật Miền Trung; Phòng Nội chính - Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh; với tổng số là 900 phiếu. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành đi học tập, nghiên cứu kinh nghiệm về cải cách tư pháp tại tỉnh Lâm Đồng. Đây là những cứ liệu quan trọng để Nhóm nghiên cứu có những đánh giá khách quan, toàn diện và đưa ra giải pháp phù hợp, xác đáng phục vụ công tác nghiên cứu.

Chương 1 Đề tài trình bày đầy đủ các vấn đề lý luận cơ bản về công tác cải cách tư pháp như: Khái niệm, nội dung, mục tiêu, quan điểm công tác cải cách tư pháp...; các nhân tố tác động đến công tác cải cách tư pháp, như: Tình hình kinh tế, xã hội; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp; chế độ, chính sách đối với cán bộ tư pháp; hệ thống chính sách pháp luật; phương thức lãnh đạo của Đảng...

Chương 2 Đề tài đánh giá thực trạng công tác cải cách tư pháp ở tỉnh Quảng Bình trong thời gian qua, với hệ thống các bảng, biểu hết sức dày công và mang tính nghiên cứu khoa học nghiêm túc, trên 8 phương diện của cải cách tư pháp, theo Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, gồm:(1) Về việc tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp của các cơ quan tư pháp và ngành Tư pháp của tỉnh; (2) Về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy của các cơ quan tư pháp trong tỉnh; (3) Về hoàn thiện các chế định trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp của các tổ chức bổ trợ tư pháp; (4) Về xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp của các cơ quan tư pháp; (5) Về thực hiện cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân đối với cơ quan tư pháp; (6) Về hợp tác quốc tế của các cơ quan tư pháp tỉnh trong lĩnh vực tư pháp; (7) Về đầu tư và cấp, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động tư pháp; (8) Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với công tác tư pháp và 02 nhiệm vụ phát sinh từ thực tiễn công tác cải cách tư pháp ở tỉnh là: Công tác phối hợp của các cơ quan tư pháp trong việc thực hiện quyền tư pháp và Hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh. Nổi bật là:

- Tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp được củng cố, kiện toàn, điều chỉnh, sắp xếp lại để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp; chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền ngày càng được xác định rõ hơn.

- Chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp tiếp tục được nâng lên. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo thận trọng, khách quan, chính xác, việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can do không phạm tội được hạn chế; tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán và hội đồng xét xử giảm dần, đặc biệt là đã khắc phục được triệt để việc oan, sai trong công tác thụ lý, giải quyết án trong giai đoạn trước.

- Mối quan hệ giữa các cơ quan tư pháp, giữa cơ quan tư pháp với tổ chức bổ trợ tư pháp và giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan tương đối chặt chẽ.

- Đội ngũ cán bộ trong các cơ quan tư pháp qua thực tiễn hoạt động đã có bước trưởng thành; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp được nâng lên, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp và cán bộ tư pháp cấp huyện.

- Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp ngày càng có hiệu quả. Vai trò của luật sư ngày càng được khẳng định, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa.

- Cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ quan tư pháp đã được chú trọng đầu tư, nâng cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác cải cách tư pháp.

Đặc biệt, vấn đề trung tâm của cải cách tư pháp, nói cách khác là mục tiêu mà cải cách tư pháp cần đạt đến là việc thực thi bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người  đã thực hiện tốt. Qua khảo sát ở Trại giam Đồng Sơn (Bộ Công an) và Trại tạm giam (Công an tỉnh), các phạm nhân và các trường hợp bị tạm giam, tạm giữ đều khẳng định rằng, việc cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành bắt, giữ người; khám xét, thu giữ đồ vật, tài liệu; việc tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ vụ án, vụ việc; lấy lời khai, tiến hành hỏi cung; điều kiện cơ sở vật chất nơi giam, giữ cho quá trình giam giữ, cải tạo và việc thực hiện các chế độ của phạm nhân, người đang bị tạm giam, tạm giữ đều đảm bảo các quy định của pháp luật. Đại đa số các phạm nhân cho rằng quyền bào chữa theo quy định của pháp luật đã được thực hiện và thỏa mãn với mức án đang chấp hành vì phù hợp với tội danh phạm tội; đồng tình với quy trình, thủ tục và quyết định của cơ quan chức năng trong xét giảm thời gian chấp hành án phạt tù, đặc xá.

Trên cơ sở đó, đã nhận xét, đánh giá và phân tích nguyên nhân ưu điểm, khuyết điểm và bài học kinh nghiệm về việc thực hiện công tác cải cách tư pháp của tỉnh trong giai đoạn 2015 - 2020.

Chương 3 là chương trọng tâm của Đề tài. Trên cơ sở thực trạng công tác cải cách tư pháp của tỉnh trong giai đoạn 2015 - 2020, dự báo về tình hình cải cách tư pháp trong thời gian tới và căn cứ vào phương hướng cải cách tư pháp của Đảng, Nhóm nghiên cứu đã đưa ra 10 giải pháp cụ thể, được sắp xếp thành 3 nhóm giải pháp, gồm:

Nhóm giải pháp về sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, gồm: (1) Bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với hoạt động tư pháp, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác cải cách tư pháp; (2) Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp các cấp; (3) Nâng cao vai trò của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh (Ban Nội chính Tỉnh ủy).

Nhóm giải pháp về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ và điều kiện phương tiện đảm bảo hoạt động, gồm: (1) Kịp thời sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp theo chủ trương của các cơ quan tư pháp Trung ương; phát triển các tổ chức bổ trợ tư pháp theo đúng lộ trình; (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; (3) Bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện, chế độ, chính sách và kinh phí phục vụ hoạt động tư pháp; (4) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tư pháp.

Nhóm giải pháp về sự phối hợp trong hoạt động cải cách tư pháp, gồm: (1) Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; (2) Thực hiện đúng quy định về giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và Nhân dân đối với hoạt động tư pháp; (3) Mở rộng hợp tác quốc tế về tư pháp, nhất là đối với các tỉnh thuộc Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài đã thể hiện năng lực nghiên cứu khoa học và cũng là điều kiện hết sức quan trọng để góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, thực tiễn công tác cho các thành viên Nhóm nghiên cứu và cán bộ, công chức Ban Nội chính Tỉnh ủy.

Các đề xuất, kiến nghị của Đề tài sẽ góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định về cải cách tư pháp để công tác cải cách tư pháp ngày càng khả thi, có hiệu quả; có thể sử dụng để chuẩn bị cho việc xây dựng Chiến lược mới về cải cách tư pháp theo tinh thần của Kết luận số 83-KL/TW và số 84-KL/TW của Ban Bí thư, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Những vấn đề nghiên cứu đặt ra trong Đề tài sẽ góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan tư pháp, tổ chức bổ trợ tư pháp và các cơ quan có liên quan về vai trò, mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung của cải cách tư pháp, qua đó vận dụng vào thực tiễn hoạt động để không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác cải cách tư pháp ở các địa phương, đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cải cách tư pháp trên địa bàn toàn tỉnh và công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu phát biểu ý kiến

 Sau khi đánh giá cao sự nỗ lực, công phu, chu đáo của Nhóm nghiên cứu và cơ quan chủ trì trong quá trình nghiên cứu, thực hiện Đề tài, các thành viên Hội đồng và đại diện Lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ đã đưa ra một số ý kiến nhận xét, góp ý khoa học, thiết thực và cụ thể nhằm giúp cho Nhóm nghiên cứu hoàn thiện Đề tài.

Đồng chí Nguyễn Lương Bình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chủ nhiệm nhiệm vụ thay mặt Nhóm nghiên cứu tiếp thu ý kiến

Thay mặt cơ quan chủ trì và Nhóm nghiên cứu Đề tài, với tinh thần nghiên cứu khoa học nghiêm túc và cầu thị, đồng chí Nguyễn Lương Bình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chủ nhiệm nhiệm vụ trân trọng cảm ơn và nghiêm túc tiếp thu những ý kiến thảo luận chất lượng của các đại biểu. Nhóm nghiên cứu Đề tài sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến nhận xét, phản biện của các thành viên Hội đồng để bổ sung, tổng hợp, hoàn thiện Đề tài, trình Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh.

Đ/c Nguyễn Văn Hởi - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở kết luận

Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến nhận xét của thành viên Hội đồng khoa học, đồng chí Trương Văn Hởi - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở kết luận: Đề tài đã được Nhóm nghiên cứu thực hiện một cách công phu, nghiêm túc, có chất lượng, thể hiện tinh thần nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Đây là công trình đầu tiên trình bày một cách tổng quan, có hệ thống về Đề tài nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng công tác cải cách tư pháp ở tỉnh Quảng Bình, với đối tượng nghiên cứu được Đề tài xác định rõ, cụ thể, phù hợp; phương pháp nghiên cứu được sử dụng phù hợp với đối tượng nghiên cứu, bảo đảm độ tin cậy của các kết quả nghiên cứu; các số liệu thể hiện trong Đề tài có độ tin cậy cao. Đề tài có cơ cấu chương, mục hợp lý, cân đối; các vấn đề cơ bản cần đề cập trong Đề tài thể hiện rõ nét trong cơ cấu. Văn phong trong sáng. Đề tài đã đề cập vấn đề thiết thực, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, các giải pháp mang tính khả thi. Đề tài là một công trình khoa học độc lập, không trùng lặp với những công trình đã công bố. Trong giới hạn của một Đề tài khoa học cấp tỉnh, Đề tài đạt yêu cầu và đây là một Đề tài xuất sắc. Đồng thời, đồng chí Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đề nghị Cơ quan chủ trì nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến nhận xét, phản biện của các thành viên Hội đồng để hoàn thiện Đề tài và nộp về Sở Khoa học và Công nghệ theo đúng quy định tại Hướng dẫn số 333/HD-SKHCN của Sở Khoa học công nghệ.

Theo Công Bằng - Thanh Minh

Ban Nội chính Tỉnh ủy