Triển khai thi hành Luật Cảnh sát cơ động 
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 1026/QĐ-TTg ngày 31/8/2022 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Cảnh sát cơ động.

Cảnh sát cơ động tập luyện                    Ảnh: Internet

Luật Cảnh sát cơ động được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 14/6/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Luật này gồm 5 chương 33 Điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đây là lần đầu tiên có Luật Cảnh sát cơ động; trước đây, các vấn đề liên quan đến cảnh sát cơ động được quy định tại Pháp lệnh cảnh sát cơ động 2013.

Cảnh sát cơ động tham gia bắt vụ ma túy lớn                     Ảnh: Internet

Theo đó, quy định các hành vi nghiêm cấm như sau:
- Chống đối, cản trở hoạt động của Cảnh sát cơ động;
- Trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ; (Nội dung mới bổ sung).
- Chiếm đoạt, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, tàng trữ, sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát cơ động;
- Mua chuộc, hối lộ hoặc có hành vi ép buộc cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động làm trái với nhiệm vụ, quyền hạn được giao. (Nội dung mới bổ sung).
- Giả danh cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động;
- Giả mạo phương tiện, làm giả, mua bán, sử dụng trái phép trang phục, phù hiệu, con dấu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt của Cảnh sát cơ động; (Nội dung mới bổ sung)
- Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có hành vi sách nhiễu, gây khó khăn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Luật Cảnh sát cơ động 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 và thay thế Pháp lệnh cảnh sát cơ động 2013.

Tại Kế hoạch triển khai thi hành Luật Cảnh sát cơ động ban hành theo Quyết định số 1026/QĐ-TTg ngày 31/8/2022, Bộ Công an được giao chủ trì biên soạn, in, cấp phát tài liệu, tuyên truyền, phổ biến Luật cho cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân; xây dựng và triển khai kế hoạch tập huấn chuyên sâu về Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt, báo cáo viên pháp luật Công an các cấp, các học viện, nhà trường trong Công an nhân dân, trọng tâm là lực lượng Cảnh sát cơ động.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí thực hiện tuyên truyền, phổ biến Luật. Các bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật trong cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp với Bộ Công an, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật cho các hội viên và các tầng lớp nhân dân. 
Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật được thực hiện từ Quý IV năm 2022 và các năm tiếp theo. 

Trước ngày 15/11/2022, trình các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. 
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật theo danh mục tại Quyết định số 917/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3. Thời gian trình trước ngày 15/11/2022.
 
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật; tổ chức kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới cho phù hợp với Luật, gửi kết quả về Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thời gian hoàn thành nhiệm vụ này là tháng 10 năm 2022.
 
Các cơ quan được phân công chủ trì có trách nhiệm hoàn thành nội dung công việc được giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả; các cơ quan phối hợp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thực hiện các nội dung nhiệm vụ cụ thể được phân công. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch này về Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 
Bộ Công an chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch này.
VP (Phòng Tổng hợp)