Kết quả và một số vấn đề rút ra từ kết quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh 

Với sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” và đề cao tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, từ năm 2013 đến 6 tháng đầu năm 2020, với hệ thống các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực đã ban hành, tùy thuộc vào điều kiện thực tế tại nơi mình quản lý để cấp ủy các cấp, Lãnh đạo các đơn vị trên địa bàn tỉnh chủ động, linh hoạt triển khai, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực thích hợp.

Nhờ đó, thời gian qua, công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực của tỉnh Quảng Bình đạt kết quả tốt, góp phần hạn chế tình trạng tham nhũng, tiêu cực và nâng cao hiệu quả công tác PCTN, TC trên mọi mặt. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương (viết tắt là đơn vị) tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Website của đơn vị hay niêm yết tại nơi làm việc tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và Nhân dân tham gia quản lý, giám sát, với các nội dung, như: Công khai nội quy, quy chế; công khai quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng đất; công khai tài chính; công khai về đấu thầu các công trình, dự án có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; công khai công tác tiếp nhận, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm và quản lý cán bộ; công khai quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết công việc, công khai các thủ tục hành chính; v.v…Hằng năm, Lãnh đạo các đơn vị đã chủ động chỉ đạo rà soát sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong nội bộ.


Ảnh 1: Đồng chí Vũ Đại Thắng - Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Trung tâm Hành chính công tỉnh

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng và tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức (viết tắt là CBCCVC) của đơn vị mình đảm bảo đúng quy định tại các văn bản, như: Luật cán bộ, công chức; Luật PCTN; Công văn số 3613/BNV-TCPCP, ngày 14/12/2007 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong cả nước; Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 28/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hóa công sở; v.v… Đến nay, 100% cơ quan cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thực hiện và niêm yết công khai quy tắc ứng xử tại trụ sở làm việc; phần lớn tổ chức xã hội - nghề nghiệp tỉnh đã xây dựng bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp cho đơn vị mình đảm bảo đúng quy định, phù hợp với đặc thù từng ngành, nghề, lĩnh vực. Nhờ đó, CBCCVC và người lao động trên địa bàn tỉnh cơ bản thực hiện tốt quy tắc ứng xử đã ban hành; chấp hành tốt các quy định về chế độ công vụ, chế độ lao động. Việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được thường xuyên thực hiện đảm bảo. Từ năm 2013 đến 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong đơn vịđạt gần 80% theo kế hoạch đề ra.


Ảnh 2: Đồng chí Trần Hải Châu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị trực tuyến quán triệt Nghị quyết XIII của Đảng
(Tại điểm cầu Quảng Bình)

Công tác kiểm soát tài sản, thu nhập đã được cấp ủy các cấp chú trọng và coi đây là một trong những giải pháp then chốt trong phòng ngừa tham nhũng; Lãnh đạo các đơn vị đã chỉ đạo nghiêm túc, kịp thời, đảm bảo đúng yêu cầu hiện hành. Kết quả hằng năm, 100% các đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh thực hiện kê khai tài sản, thu nhập;100% các bản kê khai đã được công khai theo hình thức niêm yết và công bố tại cuộc họp; việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm cũng được thực hiện nghiêm túc trong quá trình thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập hàng năm. Đồng thời, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, việc cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt được các đơn vị chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Nổi bật là việc gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác cải cách hành chính tại đơn vị và thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg, ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.


Ảnh 3: Đồng chí Nguyễn Lương Bình - UVBTVTU, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy trao phần thưởng cho các học viên Lớp tập huấn công tác Nội chính Đảng năm 2022

Từ những kết quả đạt được trong công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh thời gian qua,nhất là ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy tích cực, chủ động thực hiện Quy định số 32-QĐ/TW, ngày 02/6/2022 của Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tinh, thành phố trực thuộc Trung ương để ban hành Quyết định số 699-QĐ/TU, ngày 24/6/2022 và đi vào hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, chúng ta có thể khẳng định và thấy rõ quyết tâm, sự đồng lòng của quân dân Quảng Bình đối với công cuộc đấu tranh chống“giặc tham nhũng, tiêu cực”; cũng từ đó, có thể rút ra được một số vấn đề từ kết quả công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh như sau:

Thứ nhất, phải đồng bộ trong tư tưởng, trong triển khai các giải pháp và trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đây là nhân tố thể hiện rõ sự nhất quán, sự quyết tâm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ hai, phải có giải pháp cụ thể; giải pháp phải có tính thực tiễn, phù hợp với địa bàn cơ sở trong triển khai thực hiện hệ thống các giải pháp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đây là nhân tố nhằm nâng cao tính hiệu quả, tính khả thi, sự thích ứng trong điều kiện mới của cơ sở; đồng thời, tạo điều kiện chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho các cấp quản lý ở địa phương.
Thứ ba, phải huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Đây là nhân tố thể hiện sự đồng thuận, sự quyết tâm, sự quan tâm ủng hộ của toàn xã hội, nhất là quần chúng Nhân dân, các cơ quan báo chí trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, thể hiện rõ vai trò của cá nhân, tổ chức từ thế “bị động” sang thế “chủ động” trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

 

Lê Hà Anh Tâm
Phòng Theo dõi công tác PCTN